Chuyển đổi số

Công nghệ thông minh giúp hình thành, đa dạng nguồn CSDL ngành xây dựng

Đỗ Hưng 16:52 19/05/2023

Việc chuyển đổi số (CĐS) và ứng dụng công nghệ thông minh với tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong đó có công tác quy hoạch, quản lý đô thị chính là một định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Điều này hướng đến mục tiêu chung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác quản lý nhà nước theo hướng phát triển, minh bạch, chính xác và hiện đại. Vậy trong thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng, triển khai thực hiện nhiệm vụ này thế nào? hiệu quả đạt được ra sao? hướng đi nào cần tập trung chú trọng?... Các quan điểm, góc nhìn đánh giá, giải pháp đã được PGS. TS. KTS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia đề cập, phân tích chuyên sâu.

Công nghệ thông minh giúp tối ưu việc ra quyết định

Theo đó, TS. Lưu Đức Cường cho rằng, việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý ngành và quản lý phát triển đô thị hiện nay cần tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong công tác kiến trúc, quy hoạch, đồng thời xây dựng, hoàn thiện hệ thống CSDL về điển hình hóa trong kiến trúc, quy hoạch.

Hơn nữa, cũng cần xây dựng hệ thống CSDL về công trình kiến trúc theo vùng miền và xây dựng CSDL hệ thống đô thị trên toàn quốc, gắn liền với việc rà soát, xây dựng hệ thống thông tin thống kê và các chỉ số phát triển đô thị (có đánh giá khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật).

cn2.jpeg
Các công nghệ thông minh đã phát huy được nhiều giá trị, lợi ích số mong đợi trong xây dựng đô thị

“Chú trọng việc bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ báo cáo, cơ chế chia sẻ CSDL về quy hoạch và phát triển đô thị trong ngành Xây dựng”, TS. Lưu Đức Cường nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Lưu Đức Cường, hiện nay các công nghệ thông minh đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng phát triển đô thị và đạt hiệu quả như ứng dụng: Hệ thống thông tin địa lý (GIS); mô hình thông tin công trình (BIM); công nghệ ảnh viễn thám; mô hình tính toán và phân tích; công nghệ 3D GIS trong khảo sát, xây dựng bản đồ; công nghệ khảo sát, xây dựng bản đồ dữ liệu địa hình…

Tựu điểm chung ở các công nghệ thông minh này đều đã phát huy được nhiều giá trị, lợi ích số mong đợi, đó là: Hỗ trợ các nhà lãnh đạo, cơ quan quản lý có đầy đủ thông tin chính xác, tự động hóa phân tích đưa ra các quyết định chính xác, khách quan và nhanh chóng mỗi khi có các biến động trong các yếu tố môi trường xã hội hay môi trường tự nhiên; dần tạo, thiết lập nền tảng dữ liệu Quốc gia phong phú; hỗ trợ quản lý đất đai ở cấp quốc gia cũng như cấp độ địa phương…

Cũng theo TS. Lưu Đức Cường, vì việc quy hoạch chung đô thị là một công việc định kỳ phức tạp và đòi hỏi nhiều loại thông tin thiết yếu, cho nên trong nhiều năm qua khi sử dụng các công nghệ thông minh nêu trên Việt Nam cũng thu được nhiều kết quả tích cực, và điển hình kể đến là kết quả thông qua việc sử dụng công nghệ ảnh viễn thám.

Nhờ thông qua việc sử dụng công nghệ này, đã đáp ứng yêu cầu quy hoạch chi tiết đô thị, tạo ra các: Dữ liệu chi tiết (đường, tỷ lệ diện tích sàn, tính toán khoảng cách các cạnh các tòa nhà …); dữ liệu bản đồ nền địa hình, địa chính, sử dụng đất.

Như vậy, với lợi thế đa dạng về độ phân giải cũng như số lượng kênh phổ và loại hình nguồn tín hiệu, dữ liệu này cho phép nhận dạng đối tượng và phân tích hiện trạng không gian xanh với các quy mô khác nhau và điều này giúp hữu, hỗ trợ đắc lực cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị.

Không chỉ thu được những kết quả từ việc sử dụng công nghệ ảnh viễn thám, tại Việt Nam, việc ứng dụng GIS trong quy hoạch đô thị cũng đã bước đầu được áp dụng tại một số đơn vị tư vấn và quản lý quy hoạch đô thị.

Theo đó, tại Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia đã triển khai để nghiên cứu, đánh giá tác nghiệp lập đồ án quy hoạch xây dựng (QHXD), đồng thời dùng để phân tích không gian để hỗ trợ cho công tác lập quy hoạch chung xây dựng.

“Nhờ có ứng dụng GIS dần hình thành nguồn CSDL về: Địa giới hành chính; hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt; các dự án đầu tư...”, PGS. TS. Lưu Đức Cường nhấn mạnh.

Mặc dù chưa thực sự được tạo ra những kết quả tích cực như ứng dụng GIS, mô hình BIM khi trển khai ở Việt Nam vẫn ở mức sơ lược, chưa thực sự đầu tư. Cụ thể hơn về quan điểm này, TS. Lưu Đức Cường cho rằng mô hình mới chỉ được áp dụng phổ biến trong quy trình thiết kế công trình và việc áp dụng BIM cho thiết kế quy hoạch xây dựng còn hạn chế do thiếu các hướng dẫn kỹ thuật và nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của áp dụng BIM của các cơ quan quản lý và đơn vị tư vấn quy hoạch.

Quản lý và thiết kế đô thị cần dựa trên môi trường số 3D

Khi đưa ra quan điểm định hướng về việc cần thiết phải ứng dụng công nghệ nhằm giúp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị hiện nay, PGS. TS. Lưu Đức Cường cho rằng, chúng ta cần xây dựng hệ thống CSDL về hệ thống đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; xây dựng hệ thống hỗ trợ quyết sách quy hoạch; xây dựng hệ thống CSDL về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong công tác kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống CSDL về điển hình hóa trong kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống CSDL về công trình kiến trúc theo vùng miền; xây dựng hệ thống CSDL về nhà ở tại các địa phương; xây dựng hệ thống CSDL về hiện trạng phát triển đô thị tại các địa phương.

cnxd1.jpg
Quy hoạch đô thị cần tối ưu, khai thác miễn phí nguồn CSDL về địa hình (bản đồ 3D).

Và để triển khai hiểu quả các ứng dụng công nghệ, nhất là đối với ứng dụng BIM trong công tác lập quy hoạch, PGS. TS. Lưu Đức Cường cho rằng chúng ta cần làm chủ, sử dụng thành thạo các phần mềm AutoCad và 3D Max.

Đặc biệt, cần tối ưu, khai thác miễn phí nguồn CSDL về địa hình (bản đồ 3D), hiện trạng phát triển đô thị trên hệ thống thư viện sẵn có của hệ thống; xây dựng khung hướng dẫn về ứng dụng BIM trong đồ án quy hoạch xây dựng (Trang bị hệ thống BIM cho các đơn vị tư vấn quy hoạch và điểm áp dụng BIM trong nghiên cứu); đồng bộ hóa tự động toàn bộ hệ thống bản vẽ, bản đồ khi có các điều chỉnh, bổ sung ở một bản vẽ, giúp giảm thiểu rất nhiều công sức và thời gian cập nhật, chỉnh sửa bản vẽ.

“Ứng dụng BIM giúp giảm thiểu các xung đột, tăng cường tính cộng tác giữa các khâu trong quá trình quy hoạch, thiết kế đến xây dựng và quản lý vận hành công trình”, TS. Lưu Đức Cường nhấn mạnh.

Và khi nói về ứng dụng công nghệ trong khảo sát, xây dựng bản đồ
dữ liệu địa hình, PGS. TS. Lưu Đức Cường nhấn mạnh đến việc cần tích cực sử dụng: Mô hình bản đồ trực giao (Image Model) từ ảnh hàng không hoặc ảnh vệ tinh; mô hình số độ cao (Digital Elevetion Model - DEM); mô hình cảnh quan (Digital Landscape Model – DLM), bản đồ số (Digital Cartographic Model - CM); mô hình 3D.

Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta thực hiện việc quy hoạch thiết kế, quản lý đô thị cần dựa trên môi trường số 3D, vì đây chính là công cụ số có giá trị thay thế cho phương pháp quy hoạch đô thị truyền thống GIS 2D và có ý nghĩa to lớn đối với các nhà quản lý và thiết kế đô thị.

Như vậy, với những quan điểm phân tích và góc nhìn đánh giá, đề xuất, TS. Lưu Đức Cường một lần nữa khẳng định việc ứng dụng các công nghệ thông minh trong công tác quy hoạch xây dựng và xây dựng các đô thị là rất quan trọng, vì làm tốt điều này sẽ là góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác quản lý nhà nước theo hướng minh bạch, chính xác và hiện đại cho các khu đô thị hoá hiện nay và tương lai./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ thông minh giúp hình thành, đa dạng nguồn CSDL ngành xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO