Công nghệ và báo chí: Câu chuyện "có" và "không"

Trần Anh Tú| 21/06/2022 11:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Công nghệ đang cho phép báo chí thế giới tạo ra những tác phẩm vô tiền khoáng hậu. Còn nhiều tòa soạn Việt Nam vẫn đang loay hoay với các lớp nghiệp vụ chụp ảnh bằng điện thoại.

Bạn đang truy cập vào một trong những tờ báo lâu đời nhất Việt Nam. Trong một tin pháp luật, có một ảnh chụp màn hình video sự kiện (quay bằng camera theo dõi). Ảnh khá mờ. Bạn phóng to lên để xem cho kỹ hơn. Và bạn phát hiện ra một thực tế ngỡ ngàng: “ảnh chụp màn hình” ở đây là phóng viên đã đưa điện thoại lên chụp lại chính laptop của anh ta, để gửi về tòa soạn.

Đó không phải là một tình huống giả tưởng. “Ảnh chụp màn hình” là ảnh chụp điện thoại lại cái màn hình - mà lại phải là màn hình laptop của chính phóng viên - chứ không phải màn hình của cơ quan công an hay tòa án. Chụp lại rồi gửi qua chat thì dễ, chứ chụp từ máy tính chẳng biết thao tác thế nào.Và đây đã là thế kỷ 21.

Báo chí đơn phương tiện

Nếu gạt đi những tình huống cực đoan như thế, bạn vẫn có quyền khó hiểu, rằng tại sao với tất cả những tiến bộ công nghệ của năm 2022, với các thiết bị có nhiều camera như một cái bếp than tổ ong, ảnh trên các trang báo điện tử Việt Nam vẫn nhòe nhoẹt.

Những tấm ảnh bố cục dọc, out nét, nghiêng, chủ thể đặt lệch hoặc không có chủ thể. Do phóng viên ẩu hay do họ chưa bao giờ thực tâm tìm hiểu về tác nghiệp đa phương tiện? Nếu đặt lên bàn cân, thì chất lượng ảnh báo chí của nhiều tờ báo hiện nay không thể so sánh với Instagram của các cô tiếp viên quán karaoke - những người thường phải bỏ học để mưu sinh từ sớm. Ảnh của các cô thường có bố cục rất rõ ràng, chính phụ xa gần đầy đủ, và nếu không bàn đến chất lượng, người ta cũng nhìn thấy trong bức ảnh đó một tâm huyết.

Ở trong nhiều trường đại học Việt Nam, “Báo chí” và “Truyền thông đa phương tiện” vẫn đang là hai chuyên ngành riêng biệt, với tiêu chí đầu ra riêng biệt. Trong đó, nếu nhìn vào ngành Báo chí, vẫn thấy chúng được phân định bằng những kiến thức chuyên sâu về “thể loại”, “ngôn ngữ” và “lịch sử báo chí”. Nhưng có một thực tế không thể tranh cãi: báo chí ngày nay đang trở thành một trong số các lĩnh vực của ngành truyền thông đa phương tiện - và một người làm báo buộc phải làm chủ các công nghệ đa phương tiện.

Tại nhiều tòa soạn lớn của Việt Nam, chỉ 5 năm trước, phong trào tổ chức các lớp học “quay video” và “chụp ảnh” khá rầm rộ. Cùng giai đoạn đó, tại các quốc gia phát triển, như tại Anh, phong trào được khuyến khích là các nhà báo đi học lập trình. Quay video và chụp ảnh là chuyện hiển nhiên không còn đáng bàn tới. Còn thứ cần hướng tới, là một nhà báo có thể code, hoặc ít nhất là làm việc với các lập trình viên, để thiết kế bài báo của mình thành một tác phẩm nội dung số có thể tương tác với độc giả.

Hãy xem một tác phẩm báo chí của Anh giai đoạn đó: “Hành trình Syria: Hãy chọn đường thoát”, đăng trên BBC vào năm 2015. Trong tác phẩm đó, người đọc sẽ nhập vai vào một người tị nạn Syria tìm đường sang châu Âu. Ở từng chặng, chính độc giả sẽ nhấn nút chọn mình muốn đi theo đường nào. Ví dụ, đi bằng đường biển hay đường bộ? Đi theo ngả Ai Cập hay theo ngả Thổ Nhĩ Kỳ? Chi tiền cho bọn buôn người hay chờ chính quyền sở tại?

Sau khi độc giả lựa chọn, bài báo/nhà báo mới giải thích cho độc giả hiểu rằng các ngả đường này có thể dẫn tới rủi ro gì, và tình huống đó có ý nghĩa thế nào. Thậm chí, một số lựa chọn sẽ khiến bài báo kết thúc: Nhân vật của bạn đã chết vì bạn lựa chọn sai tuyến đường. Nó không còn là “tường thuật”, “phản ánh”. Nó vẫn cung cấp các thông tin và phân tích, nhưng khiến người đọc thực sự cảm nhận được những khó khăn của một người tị nạn trước các cam go của hành trình chạy trốn.

Nó không giống bất kỳ thứ gì mà báo chí từng biết đến. Kỹ thuật này, được gọi là “gamification” (game hóa), tạo ra một sản phẩm báo chí đặc thù của kỷ nguyên công nghệ.

Và tin vui - hoặc tin buồn, cho các nhà báo giờ này vẫn đang học chụp ảnh bằng điện thoại - là một tác phẩm như thế hoàn toàn có thể được tạo ra với khoảng 10 giờ học lập trình nghiêm túc. Nó bao gồm các thuật toán đơn giản (if/ then) và chỉ cần thông thạo html. Công nghệ cho phép các nhà báo thỏa sức sáng tạo và tìm kiếm những cung cách kể chuyện chưa từng được biết.

Đó là chuyện của năm 2015. Giờ này, nếu bạn vào các diễn đàn báo chí của Anh, họ đang thảo luận về công nghệ học sâu (deep learning) để hiểu độc giả đang nghĩ gì - và cách báo chí có thể tạo ra các tác động tích cực lên dư luận.

Tại sao các nước phát triển phải tốn công đến vậy? Viết bài, đưa tin vẫn là quan trọng nhất chứ?

Sự tụt hậu của “tin bài”

Trong vòng 20 năm, đối tượng cạnh tranh của báo chí đã chuyển dịch từ bà hàng nước đầu ngõ sang những chuyên gia kinh tế hàng đầu đất nước. Trong thế kỷ trước, một người Việt Nam có ba lựa chọn tiêu biểu để nắm bắt tin tức: đọc báo, xem/nghe đài và hỏi bà hàng nước. Trong thế kỷ này, các nhà kinh tế học tự vẽ biểu đồ và viết các bài phân tích đăng thẳng lên mạng xã hội; các nhiếp ảnh gia tự xuất bản ảnh trên trang cá nhân; các nhà văn cũng không nắn nót đánh máy chữ bài thơ mới rồi đem ra bưu điện gửi đăng báo nữa.

Áp lực thay đổi là rất lớn và đa dạng. Nhưng trong số đó, thì việc làm chủ công nghệ trở thành một đòi hỏi bức thiết. Bởi các nền tảng mạng xã hội giờ hỗ trợ người dùng đăng tải nội dung đa phương tiện đến tận chân răng. Giờ này, bạn có thể đăng một bức ảnh 360 độ lên thẳng Facebook. Có cuộc tường thuật nào uy lực hơn thế? Và câu hỏi là: Một nhà báo có thể đăng ảnh 360 độ lên trang không? Nếu anh ta đang tường thuật, ví dụ, đám đông ở chính hội chùa Hương và muốn mô tả khung cảnh ngột ngạt xung quanh, anh ta có đăng được một bức ảnh 360 độ không?

Câu trả lời là “Có” và “Không”. “Có”, là bởi vì giải pháp kỹ thuật cho việc đó khá đơn giản. Ngay cả khi các tờ báo không có sẵn công cụ xuất bản, vẫn có rất nhiều giải pháp bên thứ 3 cho phép một nhà báo xuất bản một tấm ảnh 360 độ lên trang. Còn “Không”, là bởi hầu hết các nhà báo Việt Nam đương đại sẽ không tìm hiểu việc này.

Họ sẽ viết tin, chụp ảnh, và với những người tận tụy, quay một đoạn video. Và họ chấp nhận mình sẽ thua vị khách hành hương ở góc kia, vốn chỉ là một nhân viên văn phòng: anh ta biết chụp ảnh 360 độ và đăng thẳng lên tài khoản mạng xã hội của mình.

Đó chỉ là một ví dụ của việc công nghệ thay đổi cuộc chơi thế nào. Ví dụ sơ sài. Bởi “đa phương tiện” là chuyện của thập kỷ trước. Ngày nay, các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Meta đang lắng nghe từng khách hàng của họ, theo nghĩa đen. Họ sử dụng công nghệ máy học để biết người dùng mạng đang nghĩ gì, đang quan tâm đến điều gì, và mớm cho từng người những nội dung riêng biệt.

Báo chí có làm được điều đó không? Câu trả lời là “Không”. “Có” là chuyện của nước Mỹ và nước Anh - nơi các tòa soạn lớn đang nghiên cứu AI và deep learning - còn ở Việt Nam thì trả lời được luôn.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, các tờ báo đang đánh mất khách hàng và cả nhà tài trợ vào tay những nền tảng nội dung mới. Các nhãn hàng quảng cáo ngày càng ít lý do để chi trả cho báo chí,vì nó không còn đủ hấp dẫn với công chúng. Và sự thiếu hấp dẫn đó, đến trực tiếp từ việc nhà báo Việt Nam đang không làm chủ công nghệ.

Quay trở lại với gamification, tờ Financial Times có lần đăng một “bài báo” về những người chạy xe Uber ở Mỹ. Bài báo đó cũng cho phép người đọc trở thành người chơi nhập vai. Họ sẽ đưa ra các lựa chọn nhị phân: Chọn xe cũ hay xe mới; khi khách xuống muộn thì gọi điện giục hay kiên nhẫn chờ; có cố kiếm thêm giờ tắc đường hay đỗ xe nghỉ... những lựa chọn rất đời thường của một tài xế Uber. Sau khi độc giả chọn, tờ báo sẽ giải thích cho họ biết rằng các lựa chọn đó dẫn đến những kết quả như thế nào - và rồi độc giả không chỉ hiểu, mà còn thấu cảm sâu sắc với sự vất vả của những tài xế.

Khối lượng thông tin của một bài viết như thế, cũng chỉ tương đương với một phóng sự. Thời gian “tác nghiệp” có lẽ không nhiều hơn 3 ngày phỏng vấn các tài xế khác nhau. Nhưng công sức để họ lập trình, thiết kế đã tạo ra một không khí khác hẳn cho báo chí. Và đó là điều mà Facebook của Mark Zuckerberg chưa làm được.

Một tờ báo Việt Nam có thể làm được một tác phẩm tương tự không?Câu trả lời vẫn là “Có” và “Không”. Điều đó tùy thuộc vào lựa chọn và nhu cầu học hỏi của mỗi người làm báo./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2022)

Bài liên quan
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ và báo chí: Câu chuyện "có" và "không"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO