Cục Chuyển đổi số quốc gia: Kinh tế số đang chiếm hơn 10,4% GDP

Phan Anh| 10/10/2022 07:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Vẫn còn khoảng cách khá xa để đạt được mục tiêu tỷ trọng kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2025 đã đề ra...

Nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch, và năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Thành quả chuyển đổi số qua 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Tại hội thảo "Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp" do Hội Truyền thông số Việt Nam chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ diễn ra ngày 9/10/2022, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, cho biết tính đến nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số.

Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021.

Cục Chuyển đổi số quốc gia: Kinh tế số đang chiếm hơn 10,4% GDP - Ảnh 1.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP

Con số này cho thấy vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 khi tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP. Để đạt mục tiêu là rất thách thức và còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dư địa phát triển hiện nay nằm ở phần kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực. Do đó, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành, lĩnh vực.

Trong chính phủ số, đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức 4 đã đạt hơn 97%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt khoảng 68%. Tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt hơn 43%. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở mới chỉ đạt 3%, trong khi mục tiêu đặt ra tới năm 2025 là 100%.

Cục Chuyển đổi số quốc gia: Kinh tế số đang chiếm hơn 10,4% GDP - Ảnh 2.

Trong khi đó, với khoảng 200 triệu lượt tải mới các ứng dụng di động (trong tháng 6/2022), Việt Nam đã vươn lên xếp hạng thứ 7 toàn cầu về tổng số lượt tải mới. Số lượt người dùng hằng tháng trên các nền tảng số di động Việt Nam tăng hơn 100 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh hiện đã chiếm khoảng 71% (mục tiêu đặt ra tới năm 2025 là 85%).

Đến nay có 35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp, đánh giá và công bố 50 nền tảng số.

Về dữ liệu số, đã có khoảng 360 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong 6 tháng đầu năm, tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ. Tính trung bình hàng ngày có khoảng 1,9 triệu giao dịch thực hiện qua nền tảng NDXP.

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

Năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua: Phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; Phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cho biết, tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Ủy ban đã nhấn mạnh chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực. Mọi chính sách đều hướng về người dân và doanh nghiệp. Do đó, người dân và doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện, mới mang lại lợi ích thiết thực.

Cục Chuyển đổi số quốc gia: Kinh tế số đang chiếm hơn 10,4% GDP - Ảnh 3.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo

Để đồng hành cùng cộng đồng, đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành thiết lập cổng thông tin chuyển đổi số quốc gia: dx.gov.vn. Ông Dũng nhấn mạnh, đây là nơi cung cấp thông tin hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số.

Trong đó, chuyên trang Cẩm nang số (địa chỉ: dx.mic.gov.vn) là cuốn sách ghi lại những điều quan trọng, thiết yếu nhất về chuyển đổi số. Tới nay, cẩm nang số đã thu hút hàng chục triệu lượt truy cập.

Các cơ quan nhà nước có thể tìm thông tin về chuyển đổi số thông qua chuyên trang Chính phủ số. Chuyên trang này sẽ giới thiệu về công nghệ mở, những câu chuyện và mô hình hay về chính phủ số.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tìm thông tin hữu ích về chuyển đổi số thông qua chuyên trang SMEdx. Chuyên trang giới thiệu về các nền tảng phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố, những câu chuyện, mô hình hay về chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khi truy cập chuyên trang này (smedx.mic.gov.vn), các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận, trải nghiệm những mô hình, nền tảng số xuất sắc của Việt Nam miễn phí trong 6 tháng. Sau giai đoạn này, nếu thấy hữu ích, doanh nghiệp có thể tiếp tục ký hợp đồng triển khai 1 năm nhưng chỉ phải trả phí cho 6 tháng. Trong 1 năm qua, với 500.000 doanh nghiệp tiếp cận dùng thử, đã có gần 70.000 doanh nghiệp đã ký hợp đồng sử dụng, mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Người dân cũng có thể tìm thông tin chuyển đổi số tại chuyên trang Xã hội số: congdanso.mic.gov.vn. Chuyên trang này sẽ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Mua sắm trực tuyến; Mở tài khoản thanh toán trực tuyến; Mở các dịch vụ số…

Đến nay Bộ đã tập hợp và công bố hơn 150 bài toán chuyển đổi số của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên trang c63.mic.gov.vn. Đây là nguồn hữu ích để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tìm kiếm, phát triển các ý tưởng giải pháp giải quyết các nhu cầu của người Việt Nam.

Một trong những trở ngại lớn nhất để thực hiện chuyển đổi số là thiếu kỹ năng số. Làm thế nào để bồi dưỡng kỹ năng hiệu quả cho hơn 2 triệu công chức, viên chức và 100 triệu người dân Việt Nam? Theo ông Dũng, nền tảng học trực tuyến mở đại trà có thể sẽ là giải pháp hứa hẹn khả thi cho điều này. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ: onetouch.mic.gov.vn.

Ngoài ra, hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Bộ Thông tin và Truyền thông phát động Tháng tiêu dùng số với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu để người dân có thể thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số. Cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp đồng hành với người dân trong tiến trình chuyển đổi số bằng cách đồng loạt có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ…

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, để chuyển đổi số một cách hiệu quả, chiến lược chuyển đổi số cần tập trung vào 3 trụ cột: Chính phủ số; Doanh nghiệp số; Công dân số.

Theo đó, Chính phủ số sẽ là: họp không cần gặp nhau, xử lý công việc không cần giấy tờ, thanh quyết toán không dùng tiền mặt. Về doanh nghiệp số đó là làm việc không cần gặp nhau, xử lý không cần văn bản giấy, thanh quyết toán không dùng tiền mặt. Về công dân số, mỗi công dân Việt Nam chỉ cần có 1 chiếc smartphone kết nối internet thì chuyển đổi số đã có một bước tiến, ông Hợp nói./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cục Chuyển đổi số quốc gia: Kinh tế số đang chiếm hơn 10,4% GDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO