Nỗ lực phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
Ra đời từ năm 2019, Chương trình đã không ngừng nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm góp phần thực hiện Đề án "Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" và Đề án "Đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện chủ trương của Nhà nước thu hút sự chung tay của cộng đồng vào các hoạt động khuyến đọc, khuyến học, Chương trình Cùng bạn đọc sách (CBĐS) nâng tầm trí tuệ Việt với mục tiêu: Kết nối, lan tỏa tri thức, nâng cao tinh thần tự học và học tập suốt đời. Bằng những hoạt động cụ thể, Chương trình góp phần hình thành thói quen tự đọc, tự học, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam.
Chương trình được khởi động từ đầu tháng 10/2019 và được sự đồng hành của các đơn vị thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Hội Người Mù Việt Nam, Trung tâm phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời, thư viện, một số nhà sách, nhà xuất bản, trường học, doanh nghiệp và những người tâm huyết với văn hóa đọc và học tập suốt đời.
Thực hiện phương châm "Không để ai ở lại phía sau", Chương trình đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những người khuyết tật, người khiếm thị và những đối tượng thiệt thòi, yếu thế trong xã hội. Tháng 4/2020, Chương trình thiết lập Kênh Cùng bạn đọc sách trong bối cảnh cả nước thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để góp phần giúp mọi người sử dụng thời gian ở nhà một cách hữu ích. Trong những năm qua, Kênh đã xây dựng được hơn 2.240 video clip và trở thành địa chỉ tin cậy giúp cho mọi người có thể vừa giải trí vừa có thể học tập ở mọi nơi mọi lúc.
Trong suốt 3 năm qua, Chương trình đã trao tặng hàng trăm ngàn cuốn sách cùng các máy đọc sách nói, máy tính… cho các thư viện cộng đồng, thư viện trường học vùng sâu vùng xa, không gian đọc của người khuyết tật, người khiếm thị, phòng đọc Hồ Chí Minh của ngành công an... Chương trình còn tặng học bổng cho học sinh khuyết tật và học sinh nghèo vượt khó và phối hợp tổ chức tập huấn chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy văn hóa đọc, học tập suốt đời, chuyển đổi số trong thư viện trường học…
Bên cạnh đó, Chương trình CBĐS còn phối hợp với Vụ Thư viện, Hội Người mù Việt Nam, Dự án Sách và Hành động, Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Học tập suốt đời tổ chức các cuộc thi: "Gia đình đọc sách, kết nối yêu thương", "Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Chia sẻ sách hay, chung tay chống dịch", "Cùng bạn đọc sách, vượt qua thử thách", "Diễn đàn Học sinh, sinh viên với khát vọng tuổi trẻ"… Nhiều bài viết và clip đã được xây dựng góp phần khích lệ động viên, phổ biến kiến thức giúp mọi người vững vàng hơn trong đại dịch. Nhiều tấm gương ham đọc sách và kinh nghiệm học tập suốt đời đã được chia sẻ; nhiều ý tưởng phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy việc tự học và học tập suốt đời đã được đề xuất.
Lan tỏa niềm tin và tri thức
Trong những năm qua, Chương trình CBĐS không ngừng mở rộng sự quan tâm cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Chương trình đã vận động các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng tháng cho các không gian đọc của người khuyết tật tại một số địa phương và trao học bổng cho các học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam đã rất cảm kích trước những hoạt động của chương trình dành cho người khiếm thị. Bà cho biết nhiều hội viên khiếm thị đã được tiếp thêm nghị lực, được tạo cơ hội để khẳng định và vươn lên trong cuộc sống thông qua Chương trình CBĐS. Bà chia sẻ: "Hội Người mù đã phối hợp rất nhiều hoạt động với Chương trình từ việc lan tỏa nội dung ý nghĩa của kênh đến người khiếm thị trong đó có các bạn trẻ khiếm thị đến việc tổ chức các cuộc thi, tọa đàm gặp gỡ rồi những hoạt động trao học bổng, tặng thiết bị học tập cho học sinh sinh viên…".
Là người thường xuyên theo dõi CBĐS, GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng nhận xét: "Tôi rất cảm động. CBĐS đã giới thiệu sách hay đến cho mọi người. Đó là việc rất quý. Không phải chỉ là kiến thức mà còn là sự nhắc nhở, gợi ý người ta tìm sách. Tôi rất khâm phục những người xây dựng chương trình này, để đem lại một nét văn hóa, đó là văn hóa đọc, văn hóa đọc phải trở thành một nét văn hóa của cả nước, mọi người đều phải thấy rằng đọc là nghĩa vụ, là quyền lợi và cũng là hạnh phúc. Tôi mong là chương trình ngày càng phát triển và được nhiều người ủng hộ và đem lại lợi ích lớn lao cho xã hội".
Em Vũ Ngọc Trâm, sinh viên Khoa Sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội đã gửi thư cảm ơn tới Chương trình. "Trong thời gian giãn cách, em không thể ra ngoài giao lưu học hỏi và nâng cao, mở rộng kiến thức cho mình, nhờ có Kênh "Cùng bạn đọc sách"đã đem đến cho em những bài học bổ ích về lịch sử, văn hóa, khoa học thường thức. Kênh "Cùng bạn đọc sách" thực sự tạo ra một cách học và đọc sách mới cho việc đọc sách của mọi người, đây là một phương pháp đọc linh hoạt hấp dẫn tiện lợi. Nhất là với những người khiếm thị. Ở đây họ có thể nghe sách ở bất cứ nơi nào có kết nối mạng internet, giúp cho họ tìm thấy được nhiều bài học về kinh nghiệm sống, phương pháp học tập cũng như niềm vui trong đọc sách. Đây thực sự là món ăn tinh thần mang đến những điều bổ ích và lí thú cho những người khiếm thị, tạo cho họ niềm tin vào cuộc sống".
Anh Hoàng Văn Ghi, nhân viên thư viện Trường Tiểu học - THCS Tụ Nhân, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang chia sẻ: "Chương trình CBĐS đã mang sách và những hướng dẫn rất cụ thể cho các trường ở Huyện Hoàng Su Phì. Riêng Trường Tụ Nhân. Chúng tôi đặc biệt thích Kênh CBĐS, ở những nơi miền núi xa xôi, kênh thực sự hữu ích, không chỉ mang lại những năng lượng tích cực cho các thầy cô giáo và học sinh được tiếp cận với nhiều cuốn sách hay, bổ ích, khơi gợi sự hứng thú đọc sách và tạo không khí thi đua lành mạnh mà kênh còn giúp cho ích cho những cán bộ thư viện trường học làm việc khoa học, hiệu quả hơn. Tuần lễ học tập suốt đời năm nay, nhiều trường ở Hoàng Su Phì đã sử dụng Kênh CBĐS để giáo viên và học sinh cùng xem những cuốn sách hay, những câu chuyện về tấm gương của Bác Hồ và những tấm gương học tập suốt đời."
Bà Nguyễn Thị Kim Sơn, Mẹ anh Đỗ Hà Cừ, một người khuyết tật nặng, Chủ nhiệm câu lạc bộ Không gian đọc Hy Vọng ở Thái Bình đã có thư cảm ơn và chúc mừng Chương trình, trong đó có đoạn viết: "Ngay từ những ngày đầu mới thành lập Chương trình luôn đi sâu, đi sát giúp đỡ CLB Không gian đọc Hy Vọng về mọi mặt cả về vật chất chất lẫn tinh thần. Tôi xin chân thành cảm ơn Chương trình và mong rằng Chương trình sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa và luôn đồng hành cùng CLB Không gian đọc Hy Vọng để CLB phục vụ tốt cho việc phát triển văn hóa đọc".
Chị Lê Dương Thể Hạnh, 42 tuổi, là một tác giả khiếm thị có nhiều gắn bó với CBĐS đã có Thư chúc mừng, trong đó có chia sẻ: "Tôi biết TS. Vũ Dương Thúy Ngà đã lâu, chị là người sáng lập ra Chương trình này. Chị cũng là người đã chủ động kết nối với tôi nhiều năm trước để xin phép tạo sách nói "Có một mặt trời không bao giờ tắt"- một tác phẩm đầu tay của tôi. Kể từ đó chúng tôi đã trở thành những người thân thiết. Rồi cũng chính chị đã tiếp thêm cho tôi niềm tin về một cuộc sống chan chứa tình người cho những phận đời bị màn đêm che phủ.
Tôi của hôm nay mang một tư duy hoàn toàn khác khi đón nhận bóng tối, đó không còn là một sự nghiệt ngã bởi định mệnh mà đó là một sứ mệnh cao đẹp theo đúng sắp xếp của vũ trụ, sứ mệnh mang yêu thương và niềm tin sống đến muôn người, và một điều không thể phủ nhận là chính sứ mệnh này đã kết nối tôi với "Cùng bạn đọc sách"./.