Hơn 40 trang rao bán công khai sách giả
Công ty cổ phần Muki Việt Nam vừa ra một Thông cáo báo chí về việc trang in và kinh doanh sách lậu trên thị trường sách thiếu nhi, chỉ đích danh "Tiệm sách mẹ và bé đang rao bán bản in lậu bộ sách "Miu Miu tự lập" do Tủ sách gia đình nhỏ (thuộc sở hữu của MUKI Việt Nam) xuất bản. Bộ sách "Miu Miu tự lập" được phát hành vào năm 2020 với giá bìa là 35.000đ/cuốn và tổng giá bìa 6 cuốn là 210.000đ/bộ. Trong khi đó, bản lậu được Tiệm sách mẹ và bé rao bán chỉ có giá 89.000đ/bộ…".
Cùng một đầu sách, lướt trên các trang bán sách online, thấy rao nhiều mức giá khác nhau. Một độc giả ở Đăk Lăk mê Harry Potter, đặt mua một bộ trên cửa hàng sách điện tử với giá khoảng 800 ngàn đồng. Đó là một mức giá hời nếu so với gía mua một bộ Harry Potter tại hiệu sách, phải khoảng 1,2 triệu đồng, ở thời điểm đó. Chỉ đến khi sách được giao tới nhà, mở ra, thì độc giả kém may mắn kia mới nhận ra mình đang cầm trên tay một bộ sách giả. Bìa mờ. Trang chữ không sắc nét. Giấy xấu. Mất trang… Gần như mọi dấu hiệu của một quyển sách giả đều hội tụ trong đó. Bộ sách kém chất lượng làm chủ nhân của nó điên tiết, nhưng cũng không nỡ vứt bỏ, bị dẹp vào một góc sâu trong giá sách.
Hồi tháng 8, Công ty Tân Việt trình báo với Phòng An ninh Văn hóa, Công an TP. Hà Nội về trường hợp 2 bộ sách bán chạy của mình bị in lậu và bán ngang nhiên trên mạng. Đơn trình báo của Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt nêu, vào tháng 6/2022, đội ngũ công ty phát hiện ra hai bộ sách bán chạy là Giáo dục giới tính và Kể chuyện cuộc đời các thiên tài đã bị in lậu chất lượng kém rồi bán rẻ ra thị trường.
Theo thống kê của Công ty First News - Trí Việt, hiện có hơn 40 trang fanpage đang rao bán công khai sách giả trên mạng xã hội. Riêng Công ty First News - Trí Việt đã bị làm giả hơn 280 đầu sách, chưa kể các nhà xuất bản khác.
Những trang bán sách giả lại được đặt những cái tên đầy tử tế, như Đọc sách để thành công, Tủ sách yêu thương, Cổng sách bách khoa toàn thư, Tủ sách gia đình, Món quà cuộc sống, Tiệm sách ước mơ…
Các công ty, nhà xuất bản đối phó với đầu nậu sách thế nào?
Công ty cổ phần Muki Việt Nam viết trong thông cáo của mình, như một lời van vỉ hơn là một hành động tố cáo mạnh mẽ hành vi phạm pháp: "Việc đạo nhái cũng như sản xuất lậu những giá trị đó là không thể chấp nhận được. Hành động này là sự coi thường đối với chất xám và công sức của đội ngũ chuyển ngữ, chỉnh sửa và phát hành sách uy tín. Hơn nữa, đây là sách dành cho thiếu nhi - những thế hệ tương lai của đất nước. Các em xứng đáng được được hưởng những sản phẩm chất lượng và hơn hết đó là bài học về sự trung thực và tôn trọng công sức của người khác. Là những bậc cha mẹ của thế hệ mới, MUKI hy vọng khách hàng của mình sẽ có nhận thức và hành động đúng đắn để tẩy chay tình trạng làm giả và rao bán sách lậu".
Còn First New thì chống nạn làm giả sách bằng cách dùng giấy ford Nhật chất lượng cao, in sách 3 màu, 4 màu.
Các đơn vị xuất bản sách chỉ có thể đối phó với những kẻ làm sách giả là hướng dẫn bạn đọc của mình biết cách phân biệt sách thật, sách giả, như: bìa sách thật được gia công chỉn chu, có hiệu ứng UV, chữ nổi ở một số điểm nhấn. Phần ruột của sách thật sẽ được in trên giấy dày vừa đủ, chữ sắc nét, kích thước, khoảng cách giữa các ký tự đều nhau. Gáy sách thật được dán keo chắc chắn và tỉ mỉ, không có tình trạng nhem nhuốc hay bung keo khi lật các trang sách… Nhưng những hướng dẫn này chỉ có tác dụng với những người đến mua sách tại nhà sách, cầm được quyển sách trên tay để quan sát. Vả lại, không phải ai cũng đọc được những hướng dẫn đó để áp dụng.
Công ty Trí Việt đã từng kiện cơ sở đóng sách Huy Thi (Thanh Trì, Hà Nội). Vụ kiện kéo dài từ năm 2011 tới năm 2014, TAND Hà Nội bác đơn kiện của Công ty Trí Việt. Sự kiện này đã khiến giới làm sách Việt Nam bức xúc. Rất nhiều đại diện công ty, nhà xuất bản lên tiếng bày tỏ sự bất bình, lo ngại kết quả vụ kiện này sẽ tạo tiền lệ xấu. Và nay thì lãnh đạo Công ty Trí Việt cảm thán: "Hiện nay, các nhà xuất bản, công ty xuất bản và hệ thống nhà sách phải chịu trận và sống chung với sách giả".
Sách giả, sách lậu không chỉ gây ảnh hưởng đến lợi ích, uy tín và kinh tế của các nhà xuất bản, công ty làm sách, mà còn làm biến dạng thị trường, khiến cho những người làm sách, viết sách mất đi động lực, đe dọa sự phát triển ổn định, lành mạnh của ngành xuất bản. Sách giả tác động xấu đến cả người sáng tạo, nhà xuất bản, nhà sách, và người đọc. Với người sáng tạo, đó là tiền tác quyền họ nhận được khi xuất bản sách. Với nhà xuất bản và nhà sách hoạt động hợp pháp, đó là doanh thu, lợi nhuận và uy tín. Người đọc thì tiếp nhận một sản phẩm không đạt chất lượng, thậm chí có thể tác động xấu đến thị lực, gây ức chế tâm lý.
Khó khăn trong xử lý sách giả?
Tình trạng sách giả tràn lan không chỉ xảy ra mới đây, và cũng không phải hoạt động lén lút. Bằng chứng là một đơn vị làm sách cũng có thể tự thống kê được hơn 40 trang bán sách giả online. Nhưng tại sao tình trạng này cứ ngang nhiên diễn ra? Có phải không có chế tài để xử lý những đối tượng làm sách giả? Trong khi nước ta đã ban hành Luật xuất bản, Luật sở hữu trí tuệ từ 10 năm trước.
Theo quy định của luật pháp, kinh doanh sách giả được hiểu là hành vi buôn bán trái phép. Sách giả là sách phát hành trái pháp luật. Những tác phẩm này không có văn bản chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đồng thời không có giấy phép đăng ký xuất bản hợp pháp. Hành vi in ấn, buôn bán sách lậu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ, tính chất cũng như những hậu quả mà hành vi gây ra. Căn cứ Điều 27 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, hành vi kinh doanh sách giả, sách lậu bị xử lý theo các mức phạt từ 1-30 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể đối mặt với chế tài hình sự. Tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, quy định về tội xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, trong đó quy định các hình thức phạt tiền lên đến 3 tỷ đồng, phạt tù lên tới 3 năm.
Trong buổi tọa đàm "10 năm thi hành Luật xuất bản năm 2012" được tổ chức tại TP. HCM vào tháng 8/22, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết trong tương lai, sẽ có Trung tâm bản quyền sách thuộc Hội Xuất bản. Trung tâm này có chức năng kết nối và hỗ trợ các đơn bị làm sách mua bản quyền của nước ngoài. Việc mỗi ngành có một trung tâm bản quyền riêng là điều vô cùng cần thiết./.