Cuộc họp cấp Đại sứ tại ASEAN: Khẳng định và tăng cường vai trò EAS

03/11/2015 20:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Đánh giá cao vai trò, vị trí của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) trong diễn đàn khu vực và nhất trí cần tăng cường hơn nữa vai trò của EAS nhân kỷ niệm 10 năm thành lập (2005-2015) là nội dung chính được các Đại sứ taị ASEAN của 18 nước EAS nhất trí tại cuộc họp diễn ra ngày 26-5-2015 tại Jakarta, Indonesia.

Các Đại sứ tại ASEAN của 18 nước tham gia EAS chụp ảnh lưu niệm (ảnh: PV)

Tại Cuộc họp cấp Đại sứ ASEAN của 18 nước tham gia EAS, các nước đều nhất trí đánh giá cao vai trò, vị trí của EAS với tư cách diễn đàn khu vực hàng đầu để đối thoại và hợp tác về những vấn đề có tầm quan trọng chiến lược liên quan tới hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực; nhấn mạnh giá trị độc đáo của EAS khi tạo cơ hội để các Lãnh đạo Cấp cao trao đổi thoải mái, thẳng thắn và thực chất về những vấn đề cùng quan tâm.

Các Đại sứ đều khẳng định coi EAS là thành công quan trọng của ASEAN khi quy tụ được nhiều nước lớn cùng tham gia thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin trên cơ sở tuân thủ và chia sẻ những quy tắc và chuẩn mực ứng xử chung, qua đó minh chứng rõ rệt cho khả năng của ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm và định hướng xây dựng cấu trúc hợp tác ở khu vực.

Bên cạnh đó, các nước cũng đánh giá cao tầm quan trọng của EAS trong việc tạo khuôn khổ chính trị thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác trên những lĩnh vực ưu tiên chung giữa ASEAN với các Đối tác.

Được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 14-12-2005 tại Kuala Lumpur, Malaysia với sự tham gia của 16 nước (10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand), theo Tuyên bố thành lập, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) đóng vai trò là một diễn đàn cho Lãnh đạo Cấp cao đối thoại về những vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế cùng quan tâm nhằm thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á. EAS được tổ chức định kỳ nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN hàng năm, hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc và phương cách của ASEAN.

Năm 2010 đánh dấu bước chuyển mới khi Hội nghị EAS lần thứ 5 tại Hà Nội đã chính thức quyết định kết nạp Mỹ và Nga tham gia EAS, nâng tổng số thành viên lên 18 nước.

Với tính chất là diễn đàn đối thoại chiến lược ở cấp Lãnh đạo, nhiều chủ đề, nội dung và lĩnh vực hợp tác quan trọng đã được đưa vào chương trình nghị sự của EAS, trong đó có định hướng xây dựng cấu trúc khu vực, xây dựng và chia sẻ các quy tắc chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia, ứng phó với những thách thức an ninh, tăng cường quan hệ đối tác kinh tế toàn diện, môi trường và biến đổi khí hậu, y tế, năng lượng, giáo dục, tài chính, quản lý thiên tai, Kết nối ASEAN, an ninh lương thực, an ninh biển và hợp tác phát triển….

Nhìn lại quá trình 10 năm thành lập và phát triển, các nước đều nhận định, dịp kỷ niệm 10 năm thành lập (2005-2015) là cơ hội quan trọng để rà soát toàn bộ tiến trình EAS và cùng bàn phương hướng, biện pháp tăng cường hơn nữa diễn đàn chủ chốt này thời gian tới. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, trên cơ sở bản chất, nguyên tắc và mục tiêu đã thoả thuận trong các Tuyên bố Kuala Lumpur 2005 và Tuyên bố Hà Nội 2010, cần nâng cao vai trò và đóng góp của EAS vào hoà bình và an ninh khu vực, tăng cường lòng tin và tính minh bạch trên cơ sở tuân thủ những quy tắc và chuẩn mực ứng xử chung, cũng như chủ động ứng phó hữu hiệu với những thách thức đang đặt ra như an ninh biển, khủng bố, dịch bệnh… Từ đó, các nước đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm cải tiến phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hợp tác và củng cố cơ chế thực thi, trong đó có tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN.

Dự kiến kết quả Cuộc họp sẽ được tổng hợp và báo cáo lên Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM) đầu tháng 06-2015 tại Malaysia.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cuộc họp cấp Đại sứ tại ASEAN: Khẳng định và tăng cường vai trò EAS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO