Diễn đàn

"Cuộc sống hoá" khi xây dựng Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về chuyển đổi số

Hoàng Linh 23:09 12/09/2024

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, một nghị quyết mới của Bộ Chính trị về chuyển đổi số phải là một nghị quyết được cuộc sống hoá, khả thi hoá bởi chuyển đổi số biến đổi từng ngày, từng giờ.

Chiều 12/9/2024, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về 3 Đề án trình Bộ Chính trị. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị.

toan-canh-2.jpg
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Phan Tâm, Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hoàng Phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, một số hội, hiệp hội và doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT).

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Bộ TT&TT chủ trì xây dựng 2 Đề án trình Bộ Chính trị: (1) Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị khoá XI “Về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”; (2) Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số (KTS-XHS).

Bộ trưởng cho biết hai cơ quan hôm nay phối hợp tổ chức buổi làm việc, mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các đồng chí nguyên lãnh đạo lĩnh vực CNTT qua các thời kỳ để xin ý kiến góp ý của các đại biểu đối với các dự thảo Đề án.

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” nêu quan điểm đã đến lúc coi CĐS là một cuộc cách mạng để thay đổi toàn dân, toàn diện đất nước ta. CĐS là một cuộc cách mạng thay đổi. Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nêu về quan hệ sản xuất và tư liệu sản xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC cho biết, CĐS đã có tác động rất tích cực, to lớn và đã đến lúc công nghệ có thể giúp chúng ta thay đổi, tạo ra cuộc cách mạng, tác động đến mọi nơi, mọi lúc. Trong đề án nghị quyết mới, cần nhấn mạnh CĐS giúp cho đất nước thực hiện cuộc cách mạng mới.

Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP) cho biết CĐS, công nghệ mới truyền đến Việt Nam rất mạnh trong 3 năm gần đây, theo đó, cần Nghị quyết mới về CĐS để bắt nhịp xu thế mới.

CĐS đã tác động vào mọi mặt của cuộc sống. Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông chia sẻ, CĐS còn có đóng góp quan trọng hơn là các ngành dùng CĐS, công nghệ số để phát triển ngành mình. Phải làm rõ hơn tác động của CĐS cho các ngành khác phát triển, chứ không phải CĐS do DN công nghệ số làm.

Vai trò của DN trong công cuộc CĐS quốc gia

Ông Nguyễn Trung Chính cũng cho biết, kinh tế tư nhân đã được xem là một thành phần, tuy nhiên, vai trò đóng góp của DN trong tiến trình phát triển của đất nước chưa thực sự được coi trọng và chưa được tận dụng.

Hàn Quốc và Trung Quốc có nhiều nhiệm vụ của quốc gia được giao cho DN và bất luận DN là tư nhân hay Nhà nước. Hai quốc gia này cũng giao nhiệm vụ cho chuyên gia, coi trọng chuyên gia để có thể đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của đất nước. DN tư nhân và chuyên gia của Việt Nam cũng có thể có những đóng góp tốt cho đất nước thông qua sự lãnh đạo của Đảng.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng, nghị quyết mới cần định hướng đơn giản hoá các thủ tục, tháo gỡ các điểm nghẽn cho DN. Hiện, các DN nhỏ và vừa có rất nhiều khó khăn về thủ tục đầu tư, cần bổ sung ưu đãi mặt bằng thuê đất; ưu đãi thuế cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực này.

Tổng giám đốc FPT đánh giá cao dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đang được xây dựng bởi Luật có thể thúc đẩy DN công nghệ số phát triển.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch Tổng công ty Viễn thông MobiFone, trong quá trình CĐS quốc gia vừa qua, công cuộc phát triển KTS-XHS đã đạt được những thành tựu, theo đó DN viễn thông - CNTT đã hưởng lợi nhiều từ CĐS, phát triển KTS-XHS.

Ông Nguyễn Hồng Hiển kiến nghị Nghị quyết mới của Bộ Chính trị có thể làm rõ hơn chủ trương phát triển cho hạ tầng số gồm hạ tầng viễn thông - Internet. DN Nhà nước được xác định vai trò trong phát triển hạ tầng số với quy mô lớn hơn, tốc độ nhanh hơn. Nghị quyết mới cũng cần nêu quan điểm để DN Nhà nước có ý chí mạnh mẽ cho việc đầu tư và kinh doanh công nghệ số.

“Đây là sự khơi thông nguồn lực cho DN công nghệ số. Nhà nước cần đặt DN Nhà nước một số công nghệ nền tảng quan trọng”, Chủ tịch MobiFone cho biết

Cũng như ý kiến của nhiều đại biểu, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh, rất cần thiết có nghị quyết mới trong bối cảnh Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ CĐS toàn diện. Nghị quyết cần làm rõ các mục tiêu, các nội dung triển khai rõ ràng, thuận lợi, trong đó cần có chương trình đẩy mạnh về chip bán dẫn.

Đến giờ, Viettel và FPT là 2 DN có nhu cầu cần thiết về chip bán dẫn. Ông Tào Đức Thắng cho biết Viettel và FPT mới tổ chức ở khâu thiết kế, còn khâu đóng gói và sản xuất ở Việt Nam chưa có. Nghị quyết mới cho giai đoạn tiếp theo cần nói rõ mục tiêu chip bán dẫn và các nguồn lực để làm.

Nghị quyết mới cũng cần định hướng chọn các công nghệ trong chuỗi công nghệ 4.0, đưa vào mô hình kinh doanh mới khi nhu cầu xã hội và DN vẫn đi trước quản lý DN. Ví dụ như việc xin giấy phép thử nghiệm mobile money. Thử nghiệm ngay thì mới thúc đẩy nguồn lực mới.

Nguồn nhân lực số trong thời đại mới

Chủ tịch Viettel cũng đề cập Nghị quyết mới của Bộ Chính trị cần có nội dung về nguồn nhân lực số và đào tạo nguồn nhân lực số.

Đồng quan điểm, ông Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) cho rằng mô hình giáo dục đại học phải thay đổi theo hướng đại học số với mô hình cộng tác và chia sẻ. Các trường cần kết hợp DN để bồi dưỡng nhân lực công nghệ số.

Trong khi đó, giáo dục phổ thông cần hướng các em có nhận thức sớm về CMCN 4.0, công nghệ số. Hiện đa phần các em vẫn hướng đến các ngành tài chính, quản trị kinh doanh… Cần phải đào tạo cho học sinh về STEAM, STEM từ cấp phổ thông bởi học sinh Việt Nam rất có tố chất công nghệ.

Thêm một khía cạnh, ông Nguyễn Quang Đồng, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phát biểu, cuộc cách mạng AI sẽ tác động giáo dục phổ thông trước. Việc thầy đọc, trò chép vẫn còn nhiều. Khung năng lực phổ thông cần khung năng lực số cho giáo dục phổ thông tổng thể, không phải dạy tin học cơ bản.

Hạ tầng số mở và an toàn

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Nghị quyết mới cần chú ý thêm các điểm ưu tiên như hạ tầng số phải là tiên quyết. Hạ tầng số gồm 2 yếu tố: Cáp quang kết nối; dữ liệu. Việt Nam hiện có 5 tuyến và vẫn xảy ra sự cố nên phải có 14 - 15 tuyến mới an toàn. Tiếp theo là hạ tầng dữ liệu.

Ông Nguyễn Quang Đồng đặt vấn đề, thể chế, quy phạm pháp luật trong lĩnh vực CNTT-TT cần thoáng, mở. Các startup Việt Nam hiện vẫn đăng ký hoạt động ở Singapore. Các DN trong nước cũng cần hợp tác với các DN lớn nước ngoài (big tech) bởi cuộc chơi công nghệ là toàn cầu. Điều này rất quan trọng.

Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong CĐS

Ông Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, cần nêu rõ vai trò của dữ liệu với tư cách tư liệu sản xuất. Dữ liệu quyết định thắng bại trong thời kỳ tới. Hiện dữ liệu hơi “chìm” giữa rất nhiều vấn đề. Nên giải quyết dứt điểm vấn đề hành lang pháp lý cho cơ sở dữ liệu (CSDL) và nên có luật về dữ liệu.

Cần nâng cấp nền tảng CSDL về công dân. CSDL về căn cước đã hoàn thành xuất sắc. Cần có ứng dụng chia sẻ trên đó là trọng tâm chính của CĐS.

Ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) VINASA, Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ phần mềm Hài Hòa lưu ý về việc xóa bỏ cát cứ dữ liệu; tập quyền dữ liệu. Phải có quy hoạch, xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, định mức kỹ thuật, quy chế dữ liệu… ban hành thống nhất ở mức quốc gia. Dữ liệu phải có từ cấp địa phương đi lên. Hạ tầng dữ liệu quốc gia là rất quan trọng.

ong-nguyen-quan.jpg
Ông Nguyễn Quân: Dữ liệu không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản. Theo đó, kiến nghị khẩn trương xây dựng Luật Dữ liệu.

Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho hay, có một vấn đề là thiếu cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng đó là chưa có Luật về dữ liệu số. Vậy nên, việc thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" bị ảnh hưởng rất lớn, từ quyền lợi của những người xây dựng CSDL… có vướng mắc trong khai thác, sử dụng CSDL cho các hoạt động của nền kinh tế.

“Dữ liệu không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản. Theo đó, kiến nghị khẩn trương xây dựng Luật Dữ liệu", ông Nguyễn Quân cho biết.

Các đại biểu cũng kiến nghị, nghị quyết mới cần nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi xanh. CĐS phải có chuyển đổi xanh.

Phải cuộc "sống hóa" Nghị quyết

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang ghi nhận các ý kiến trao đổi quý báu và cho biết một nghị quyết mới được xây dựng sẽ có cách làm khác.

ong-tran-luu-quang.jpg
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang: Phải cuộc sống hoá, khả thi hoá nghị quyết mới về CĐS.

Phải cuộc sống hóa, khả thi hóa, thực chất hóa trong việc xây dựng nghị quyết mới của Bộ Chính trị về CĐS để nghị quyết trở lại phục vụ cuộc sống bởi câu chuyện CĐS, KH&CN đang biến đổi từng ngày, từng giờ”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nội dung Nghị quyết mới tập trung hai nội dung: CĐS, KH&CN và đổi mới sáng tạo, theo đó, phải để mọi người dân đánh giá đúng mực về việc này. Việc xây dựng nghị quyết mới và phải có tính khái quát cao nhưng cũng cần nghiên cứu để đưa nội dung này vào nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 14./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Đừng bỏ lỡ
"Cuộc sống hoá" khi xây dựng Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO