Cuốn sách giúp các bạn đọc nhỏ tuổi hệ thống hóa kiến thức về virus

Thu Hiền| 26/07/2022 11:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuốn sách "Virus không cố ý! - Câu chuyện về virus, vi khuẩn và COVID-19" đưa ra những góc nhìn khoa học mới mẻ về các căn bệnh truyền nhiễm trong lịch sử, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 và gợi mở suy ngẫm thú vị: Có phải loại virus nào cũng “xấu xa”?

Dưới những tác động ô nhiễm môi trường, tàn phá tài nguyên thiên nhiên, thế giới có nguy cơ phải đối diện với nhiều bệnh dịch nguy hiểm hơn nữa. Hiểu biết về các dịch bệnh truyền nhiễm ngày càng trở nên quan trọng hơn, nhất là trong giai đoạn thế giới chuyển động như ngày nay.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, cuộc sống của nhân loại trên toàn thế giới đã gặp nhiều thay đổi trên tất cả các phương diện. Bắt đầu từ những lo âu, nghi ngại, rồi những lớp khẩu trang kín mít và các chính sách kiểm soát sự lây lan của bệnh dịch. Các quốc gia và người dân trên toàn thế giới đã có nhiều cách ứng phó linh hoạt nhằm thích nghi với lối sống trong điều kiện mới.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, nhân loại đã từng phải đối diện với rất nhiều bệnh dịch nguy hiểm như bệnh đậu mùa, "Cái Chết Đen" - bệnh dịch hạch, sốt vàng da, đại dịch cúm năm 1918, bệnh Lyme, virus Ebola,... và gần nhất là đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, kể cả khi chúng ta đã có vắcxin, COVID-19 vẫn đã và đang là mối lo ngại của các nhà khoa học và cơ quan y tế của các quốc gia và quốc tế. Do đó, hiểu biết về các bệnh truyền nhiễm đang ngày càng trở nên quan trọng, nhất là trong thời đại chuyển động ngày nay, nguy cơ về một đại dịch mới ở tương lai luôn hiển hiện rõ nét.

Để góp phần nâng cao nhận thức cho trẻ em và các gia đình về những nguy cơ có thể đến đại dịch và các phương pháp ứng phó với dịch bệnh nói chung, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt cuốn sách Virus không cố ý! - Câu chuyện về virus, vi khuẩn và COVID-19

Thông qua cách trình bày hấp dẫn với nội dung dễ hiểu và hình minh họa sống động, các gia đình có thể cùng con trẻ tiếp cận được những kiến thức y-sinh "khó nhằn".

Cuốn sách giúp các bạn đọc nhỏ tuổi hệ thống hóa những kiến thức về Virus - Ảnh 1.

Nội dung cuốn sách giúp các bạn đọc nhỏ tuổi hệ thống hóa những kiến thức về bệnh truyền nhiễm

Cuốn sách sẽ cùng chúng ta lần ngược về quá khứ, tìm hiểu về các bệnh truyền nhiễm từng tồn tại trong lịch sử, như "Cái Chết Đen", đậu mùa, sốt vàng da... và sự ảnh hưởng của chúng đến xã hội chúng ta. Cuốn sách được chia làm ba phần, đi từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, giúp các bạn đọc nhỏ tuổi hệ thống hóa những kiến thức chuyên môn về bệnh truyền nhiễm.

Phần quá khứ nhắc đến các loại vi khuẩn, virus từng tồn tại trong lịch sử, cơ chế vận hành và ứng phó của hệ miễn dịch cơ thể khi bị vi khuẩn, virus tấn công. Phần này còn nhìn lại những đại dịch trong lịch sử nhân loại, và điểm qua những thay đổi hoàn toàn mà nó gây ra trong lịch sử.

Phần hiện tại dẫn dắt người đọc hiểu về đại dịch bệnh COVID-19, một căn bệnh do một loại virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra. Phần này sẽ cung cấp toàn bộ những kiến thức cơ bản về COVID-19 như: Mầm bệnh từ đâu đến, virus tấn công cơ thể con người như thế nào, các biện pháp đối phó với dịch bệnh và cuộc sống theo "bình thường mới" sẽ ra sao...

Phần tương lai đề cao khái niệm bảo vệ môi trường cũng như nhắc nhở con người tôn trọng trật tự của tự nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Bởi vì, con người chỉ là một loài cùng tồn tại với muôn loài khác trên trái đất này, nếu cố ý khai thác thiên nhiên và tài nguyên cạn kiệt, phá rừng bừa bãi, săn bắt tận diệt và ăn những động vật hoang dã... thì có thể dẫn đến những sai lầm đáng tiếc và khó sửa chữa được.

Sự xuất hiện của mầm bệnh từ các vùng tự nhiên hoang dã không có gì mới mẻ đối với các nhà khoa học nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học. Virus và các vi sinh vật gây bệnh luôn là một phần của sự đa dạng sinh học trên trái đất. Và điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là phải học cách cùng tồn tại với những "kẻ săn mồi" vô hình ấy.

Dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, loài người đều sẽ không ngừng phải chiến đấu với đủ loại dịch bệnh. Mầm bệnh mới có thể đột biến và "tái xuất" bất cứ lúc nào, hoặc đang rình rập ở một góc nào đó trên hành tinh này. Do đó, mỗi người chúng ta nên tự trang bị những kiến thức, kinh nghiệm phòng chống dịch trong quá khứ, đồng thời hiểu rõ đặc điểm của các bệnh truyền nhiễm mới. Khi ấy, chúng ta mới có thể tự bảo vệ bản thân, duy trì sự mạnh khỏe của gia đình và toàn xã hội./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cuốn sách giúp các bạn đọc nhỏ tuổi hệ thống hóa kiến thức về virus
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO