Đà Nẵng đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng

T.H| 08/10/2021 14:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhằm phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, trong thời gian qua, các ngành chức năng Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng văn hóa đọc cho người dân.

Trong những năm gần đây, văn hóa đọc từng bước được chấn hưng và có sự phát triển mạnh mẽ. Thông qua triển khai thực hiện các đề án của Chính phủ, các thư viện công cộng trên cả nước đã có sự thay đổi về phương thức hoạt động, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, chú trọng 3 hình thức gồm phục vụ tại chỗ, phục vụ lưu động và thông qua không gian mạng.

Từ sự đổi mới trong việc cung cấp dịch vụ, hệ thống thư viện công cộng đã có sự bứt phá trong việc phục vụ người sử dụng. Lượt người sử dụng thư viện tăng 15 - 20%/năm; lượt sách báo phục vụ tăng trung bình 35 - 40%/năm.

Để phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số, việc đáp ứng nhu cầu của độc giả, nhất là đối tượng trẻ luôn được các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản quan tâm. Sách giấy được xuất bản song song với sách điện tử để bạn đọc lựa chọn theo nhu cầu của mình. 

Tuy nhiên, ở những vùng như nông thôn, miền núi, Internet chưa phổ biến nên việc phát triển sách điện tử còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các đơn vị, quận, huyện trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các ngày hội sách, chương trình mang sách về nông thôn để phát triển văn hóa đọc cho người dân địa phương...

Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống Thư viện công cộng TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Đề án hướng tới mục tiêu cụ thể: Phát triển mạng lưới thư viện công cộng rộng khắp, linh hoạt, phù hợp với các địa bàn dân cư, xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng nhằm góp phần tạo nên một thế hệ tương lai có nền tảng văn hóa đọc tốt; Phấn đấu và giữ vững chỉ tiêu mỗi người dân đọc tối thiểu từ 0,8 bản sách (kể cả sách điện tử, sách số) tại hệ thống thư viện công cộng, từ 50% dân số toàn thành phố tiếp cận, sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng.

Trong giai đoạn này, TP. Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị; kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy, đội ngũ người làm công tác thư viện; đảm bảo phát triển đồng bộ toàn hệ thống thư viện công cộng từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, trong đó tập trung vào thư viện công cộng cấp quận, huyện.

Đề án cũng hướng tới việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ thư viện và phát triển mạnh thư viện điện tử trong toàn hệ thống. Mỗi năm, Thành phố sẽ cấp kinh phí bổ sung ước 17.000 bản sách giấy, 1.500 đầu sách điện tử, 200 đầu báo - tạp chí. Số người đăng ký thẻ bạn đọc mới tại thư viện đạt tối thiểu 9.000 thẻ/năm.

Đến năm 2030, Đề án hướng tới phấn đấu mỗi người dân đạt 1,2 bản sách (kể cả sách điện tử, sách số) trong thư viện công cộng, từ 60% dân số toàn thành phố sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng; Mỗi năm bổ sung ngân sách 20.000 bản sách giấy, 2.000 đầu sách điện tử, 200 đầu báo - tạp chí, số người đăng ký thẻ bạn đọc mới tại thư viện đạt tối thiếu 11.000 thẻ.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ thư viện công cộng cấp quận huyện, xã phường; Thành phố tiếp tục đầu tư nâng cấp phần mềm liên thông, phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống thư viện điện tử công cộng; phát triển mạng lưới thư viện thành phố theo đúng định hướng quy hoạch chiến lược phát triển ngành Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO