Đại học Công nghệ dành ngôi "Quán quân" cuộc thi ATTT ASEAN 2019

Lan Phương| 30/11/2019 10:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau 8 giờ thi đấu căng thẳng, vòng Chung khảo cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin (ATTT) ASEAN 2019 đã khép lại.

Quán quân cuộc thi  thuộc về đội Just ∫du It! của Đại học (ĐH) Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội với 412.419 điểm, vượt xa đội về Nhì.

Thứ trưởng Bộ TTTT, Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng trao giải Nhất cho đội thi ĐH Công nghệ

Giải Nhì thuộc về 2 đội: đội z3r0_night (ĐH FPT Hà Nội) và UIT-BEAN (ĐH CNTT  - ĐH Quốc gia Tp. HCM).

Giải Ba thuộc về 4 đội: Nupakachi (ĐH Bách Khoa Hà Nội), KMA PeBois (Học viện Kỹ thuật mật mã), ISITDTU (ĐH Duy Tân) và Thái Lan. 

Vòng thi Chung khảo cuộc thi Sinh viên với ATTT 2019 diễn ra tại Hà Nội, với sự có mặt của 12 đội Việt Nam xuất sắc nhất Vòng thi sơ khảo và 05 đội của các nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myamar, Lào).

Vòng thi được diễn ra với hình thức tấn công và phòng thủ (Attack and Defence) để tăng tính đối kháng và tương tác giữa các đội, đem lại sự mới lạ, hấp dẫn cho cuộc thi.

Theo đó, mỗi đội thi sẽ được cấp một máy chủ cài đặt đầy đủ các dịch vụ (service) cần thiết. Mục tiêu của các đội là tìm và khai thác các lỗ hổng dịch vụ trên máy chủ của đối phương.

Khi khai thác thành công, các đội thi sẽ nhận được thông tin cờ (flag) từ các dịch vụ của đội khác. Flag của mỗi thử thách có định dạng SVATTT2019{hash or string} và bị giới hạn về thời gian tồn tại. Các đội được phép sử dụng proxy để ngăn chặn các cuộc tấn công từ đội khác. 

Điểm dự thi của mỗi đội là tổng của 3 loại điểm: 

- Điểm cơ bản: Mỗi đội bắt đầu trò chơi với 10.000 điểm cơ bản.

- Điểm thử thách: Trong mỗi vòng, các dịch vụ sẽ có mặc định 840 điểm. Nếu dịch vụ bị tấn công thành công, các điểm sẽ được chia đều cho các đội giành được flag của dịch vụ này. Nếu không có đội nào tấn công thành công, đội phòng thủ sẽ bảo tồn được điểm số.

- Điểm dịch vụ: Trong mỗi vòng, hệ thống kiểm tra sẽ kiểm tra trạng thái hoạt động/ ngưng trệ của dịch vụ. Nếu dịch vụ hoạt động, đội đó sẽ nhận được 840 điểm. Trong trường hợp ngưng trệ, đội thi sẽ bị trừ 840 điểm.

Tổng số điểm = Điểm cơ bản (Điểm thử thách Điểm dịch vụ) * (n) vòng. 

Ông Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ATTT (VNISA) cho biết công tác chuẩn bị cho cuộc thi năm nay đặc biệt khó khăn, phức tạp hơn. Thông thường, vòng chung khảo thường quy tụ từ 7 - 10 đội thi xuất sắc trong nước.

Năm 2019, tổng số đội thi được nâng lên 17 đội. Điều này đặt gánh nặng lên vấn đề hạ tầng mạng, đề thi, công tác hậu cần... Riêng về hệ thống mạng, đề thi được triển khai theo hình thức tương tác trực tiếp. Vì vậy, số lượng kết nối sẽ gia tăng theo cấp số nhân.

Ví dụ, 2 đội thi sẽ có 01 đường kết nối, 4 đội thi là 12 đường... Các luồng truy cập, trang thiết bị máy móc và sự kiểm soát cuộc thi rất phức tạp. Về công tác hậu cần, Ban tổ chức đã chuẩn bị chu đáo nơi nghỉ và hỗ trợ kinh phí di chuyển.

Hiện tại, các quốc gia thường tổ chức thi theo hình thức cướp cờ (CTF) và xếp hạng theo thời gian giải thành công flag. Tuy nhiên với việc đổi mới này, Ban tổ chức hi vọng, cuộc thi được nâng cao chất lượng và ngày càng lan tỏa rộng rãi trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Cuộc thi sinh viên với ATTT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) bảo trợ, được phối hợp tổ chức bởi VNISA, Cục CNTT – Bộ GDĐT và Cục ATTT – Bộ TTTT. Đây là năm thứ 12 cuộc thi được tổ chức cho sinh viên Việt Nam và là năm đầu tiên mở rộng ra khu vực ASEAN.

Cuộc thi nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng và nâng cao nhận thức về ATTT cho sinh viên các Học viện, trường Đại học, qua đó khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, dạy - học và nâng cao nhận thức về ATTT trong các nhà trường. Cuộc thi là cơ hội cho sinh viên ATTT các nước ASEAN giao lưu và học hỏi lẫn nhau

Vòng sơ khảo cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 31 cơ sở đào tạo đại học trong nước với 71 đội thi: Tại miền Bắc có 32 đội từ 13 trường, miền Trung có 07 đội từ 4 trường và miền Nam có 32 đội từ 14 trường. Đây là năm có số đội thi tham gia nhiều nhất từ trước đến nay.

Vòng sơ khảo đã diễn ra vào ngày 03/11/2019 đồng thời ở cả 3 địa điểm: Hà Nội (tại Học viện Kỹ thuật Mật mã), Đà Nẵng (tại ĐH Duy Tân) và TP. Hồ Chí Minh (tại ĐH Quốc tế Sài Gòn).

Cả vòng thi sơ khảo và chung khảo đều được tổ chức thi tập trung, làm bài thực hành trực tuyến (online).

Năm nay, tài trợ chính của cuộc thi ngoài Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), còn có Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Đại học Công nghệ dành ngôi "Quán quân" cuộc thi ATTT ASEAN 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO