Đại hội XIII và chống dịch COVID-19 - mục tiêu kép của cả hệ thống chính trị

PV| 02/02/2021 17:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo kế hoạch ban đầu đề ra là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra từ ngày 25/1 đến hết 2/2/2021, nhưng trước “làn sóng” COVID-19 quay lại Việt Nam, Đại hội đã rút ngắn lại gần 2 ngày với mục tiêu dành mọi thời gian, sức mạnh và tiềm lực để chống “giặc” COVID, đáp lại niềm tin của người dân vào Đảng và Chính phủ. Vừa tổ chức thành công Đại hội XIII vừa tổ chức chống dịch Covid19 - đó là mục tiêu kép của cả hệ thống chính trị.

Vừa họp, vừa chỉ đạo dập dịch

Khi Đại hội Đảng XIII đang diễn ra tại Hà Nội thì dịch COVID-19 bất ngờ quay lại tại Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội. Vừa tham dự Đại hội, lãnh đạo Chính phủ vừa điều hành ngay lập tức việc chống dịch. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp điều hành chống COVID-19 ngay bên lề Đại hội. Có lẽ trong lịch sử Đại hội Đảng toàn quốc chưa có cuộc họp bên lề nào đặc biệt như cuộc họp khẩn về tình hình COVID-19 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sáng 28-1 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngay tại nơi đang diễn ra Đại hội Đảng XIII.

Cuộc họp dĩ nhiên không có trong chương trình nhưng khẩn trương và thu hút sự quan tâm đặc biệt. Thủ tướng khẳng định, trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" vẫn còn nguyên giá trị. Thủ tướng nhận định: "Virus chủng mới lây lan rất nhanh, chúng ta cần hành động nhanh hơn, xét nghiệm nhanh trên diện rộng, thần tốc truy vết và thực hiện những biện pháp đồng bộ khác để ngăn chặn kịp thời và hiệu quả việc lây nhiễm ra cộng đồng ở các địa phương. Một tinh thần Việt Nam, quyết tâm của các cấp, các ngành và nhân dân trong phòng, chống dịch kịp thời chính là thành tích chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng".

Áp dụng Nghị quyết Đại hội XIII: Rút ngắn thời gian Đại hội để chống “giặc” COVID-19 - Ảnh 1.

Sáng 28/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước nhanh đến phòng họp để chỉ đạo khẩn công tác chống dịch COVID-19. (Ảnh: Tiến Long)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Tinh thần phải nhanh chóng dập dịch trước Tết, khoanh gọn các ổ dịch là nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng nhưng các cấp, các ngành không được chủ quan và cả hệ thống phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, trong đó có việc tiếp tục cụ thể hóa Chỉ thị 05; đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, truy vết và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Các cấp, các ngành đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện chiến lược lấy phòng dịch làm ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong và thực hiện chữa trị hiệu quả. Bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để đối phó với làn sóng mới lây nhiễm COVID-19. Các địa phương phải nêu cao cảnh báo dịch, kìm hãm tốc độ và chặn đứng lây nhiễm trong thời gian sớm nhất; đảm bảo xét nghiệm nhanh trên diện rộng đối với tất cả người có triệu chứng và những người tiếp xúc gần với người bệnh.

Là người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch chống COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cũng ngay lập tức thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm khoanh vùng nhanh đến mức có thể. Trả lời phỏng vấn báo chí dù rất mệt mỏi do thức suốt đêm để chỉ đạo việc ngăn chặn dịch COVID bùng phát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn tin tưởng: "Tôi hoàn toàn có niềm tin là tình hình chắc chắn sẽ được kiểm soát tốt nhất".

Chống dịch ngay khi kết thúc Đại hội

Trở về sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, hàng loạt Bí thư Tỉnh ủy các địa phương đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Là địa phương được coi là "ổ dịch" của đợt bùng phát này, ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, đã chủ trì buổi họp phòng chống COVID-19 ngay khi Đại hội kết thúc. Ông giao Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm theo tinh thần chạy đua với thời gian. Đồng thời, huy động các bệnh viện chi viện cho TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn và nơi cần thiết. Ông chỉ đạo thời gian tới các Sở, ban ngành tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống COVID-19 theo phương châm "bình tĩnh, chủ động, quyết liệt, thần tốc" và đặc biệt là 4 tại chỗ. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Cuộc chiến này không diễn ra ngày một ngày hai mà còn kéo dài.

Ông Thăng yêu cầu dừng các cuộc hội nghị, gặp mặt, chúc Tết để tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Các địa phương phải quyết liệt hơn. Khi F1 biến thành F0 thì lập tức, kể cả ngay trong đêm, phải truy vết ngay F1, F2 và đưa đi cách ly. Hiện tại, Tỉnh Hải Dương đã ký kết với một doanh nghiệp để thực hiện việc xét nghiệm và đã vận hành với công suất 10.000 mẫu/ngày.

Áp dụng Nghị quyết Đại hội XIII: Rút ngắn thời gian Đại hội để chống “giặc” COVID-19 - Ảnh 2.

Chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 3 phun thuốc tiêu trùng tại xã Hưng Đạo, TP Chí Linh.

Thành phố Hà Nội cũng nhanh chóng không kém cho dù chưa được coi là ổ dịch. Ngay từ tối 28/1, khi nghe tin Hải Dương có ca dương tính với COVID-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã tổ chức cuộc họp khẩn, đề nghị toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội phải hành động nhanh, nhạy bén và quyết liệt hơn nữa, không để chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Ông đề nghị: "Thành phố đặt mục tiêu trong 3 ngày phải hoàn thành truy vết các đối tượng F1, F2, F3; bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời các hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường. Thành phố quyết tâm một lần nữa chiến thắng dịch bệnh COVID-19, giữ bình yên cho Thủ đô".

Áp dụng Nghị quyết Đại hội XIII: Rút ngắn thời gian Đại hội để chống “giặc” COVID-19 - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác cách ly tại phường Dịch Vọng. (Ảnh: PV)

 Tiếp đó, cả hệ thống chính trị và người dân Hà Nội đều vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Thành ủy đã lập các nhóm kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các quận, huyện trong thành phố. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, yêu cầu của Thành ủy, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố là kích hoạt lại toàn bộ biện pháp, kích hoạt toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch để nhân dân được đón Tết an toàn. Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị các quận, huyện rà soát lại toàn bộ cơ chế, giải pháp, từ phân công nhiệm vụ, chuẩn bị vật tư, khai báo, truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly đến đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; kích hoạt và phát huy tính ưu việt của hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở, nhất là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" trong công tác khai báo, truy vết...

Với Quảng Ninh, không chỉ dừng lại ở việc lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có tiếp xúc với F0, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, còn khẳng định sẽ tiết kiệm chi thường xuyên để mua vaccin tiêm phòng cho người dân. Ông tuyên bố: "Quảng Ninh xin Chính phủ dành tiết kiệm 10% chi ngân sách thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác mua vắc xin sớm nhất cho người dân".

Báo cáo của ngành y tế Quảng Ninh cho biết, tính đến chiều 1/2/2021, Quảng Ninh đã ghi nhận 30 ca nhiễm COVID-19. Ngành Y tế Quảng Ninh đã huy động toàn bộ lực lượng y tế nhà nước, y tế tư nhân, lực lượng dân quân y, trường đào tạo ngành y, cán bộ y tế đã nghỉ hưu tham gia "cuộc chiến" phòng, chống dịch COVID-19. Tính đến nay, đã có trên 7.000 y, bác sĩ, bao gồm cả hệ thống y tế công lập, tư nhân tham gia "cuộc chiến" phòng, chống dịch bệnh. Y tế Quảng Ninh đã thành lập 10 đội điều trị chuyên khoa; 16 đội phản ứng nhanh, 26 đội cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng điều động tăng cường hỗ trợ cho các địa phương.

Hiện tại, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, sau hơn 2 năm nghiên cứu đề tài và triển khai kỹ thuật, đã ứng dụng thành công phương pháp ECMO – VA cho nhiều trường hợp sốc tim do viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, giúp cải thiện các chỉ số, nâng cao cơ hội sống với tỉ lệ bệnh nhân phục hồi xuất viện là 66,7%. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, toàn bộ 4 ê kip hồi sức tích cực của Bệnh viện có khả năng triển khai kỹ thuật ECMO hoàn toàn sẵn sàng cho việc thu dung, điều trị bệnh nhân nguy kịch do COVID-19 nếu có.

Áp dụng Nghị quyết Đại hội XIII: Rút ngắn thời gian Đại hội để chống “giặc” COVID-19 - Ảnh 4.

Ths.Bs Đặng Thị Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cùng các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa Hồi sức tích cực theo dõi tình trạng người bệnh chạy máy ECMO. (Ảnh: PV)

Trước đó, vào tháng 1, Thường trực Ban Bí thư vừa có Điện về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Điện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các Tỉnh uỷ, Thành uỷ; các Ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương; các Đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương nêu rõ: Hiện nay, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vắc xin phòng bệnh chưa được sử dụng rộng rãi, đã xuất hiện các chủng mới của virus có khả năng lây lan nhanh, mạnh hơn trước. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ban Cán sự đảng Bộ Y tế, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn các bộ, ngành chỉ đạo toàn ngành thực hiện chế độ công tác với tinh thần sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Ban Cán sự đảng Bộ Y tế sớm có phương án về việc hợp tác với nước ngoài sản xuất, mua Vắc xin của nước ngoài, nghiên cứu sản xuất Vắc xin trong nước, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đại hội XIII và chống dịch COVID-19 - mục tiêu kép của cả hệ thống chính trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO