Hệ thống thông tin cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCCC

Bình Minh| 16/09/2022 10:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Liên tiếp các vụ cháy lớn gây hậu quả từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua tại các địa phương như: Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… đặt ra vấn đề cần tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên hệ thống thông tin cơ sở.

Từ tình trạng liên tiếp xảy ra cháy tại các địa phương: Hệ thống thông tin cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCCC - Ảnh 1.

Đẩy mạnh thông tin cơ sở để chuyển hóa nội dung tuyên truyền bằng hành động cụ thể về PCCC.(Ảnh:conganhatinh).

Gia tăng các vụ cháy, Chính phủ chỉ đạo khắc phục ngay những bất cập

Mới đây vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 32 người tử vong, khiến dư luận cũng như cơ quan quản lý nhà nước vô cùng bàng hoàng về hậu quả gây ra. Trước đó, nhiều vụ cháy quán karaoke khác từ nhiều địa phương như Hà Nội, Nghệ An cũng gây ra các hậu quả đáng tiếc làm từ một người cho đến nhiều người tử vong.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, riêng tháng 8/2022, toàn quốc xảy ra 134 vụ cháy làm chết 10 người, bị thương 07 người; thiệt hại tài sản ước tính 29,68 tỷ đồng; xảy ra 272 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ rác. Về tình hình nổ, xảy ra 03 vụ, làm 03 người bị thương.

Thống kê các vụ cháy chủ yếu xảy ra tại địa bàn thành thị với 76 vụ (chiếm 56,7%); nông thôn xảy ra 58 vụ (chiếm 43,3%). Số vụ cháy tại nhà dân chiếm 40,3% (54/134 vụ), số vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh chiếm 18,66% (25/134 vụ) còn lại là cháy tại các loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, cháy chợ, quán bar, karaoke, cháy rừng...

Trên thực tế, sau các vụ cháy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bằng Công điện 792/CĐ-TTg, tiếp đó, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 5910/VPCP-NC ngày 8/9/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình cháy và an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh karaoke.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công an chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; thực hiện có hiệu quả Công điện số 792/CĐ-TTg  ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ thực hiện các biện pháp đồng bộ để PCCC.

Mới đây nhất, ngày 12/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác PCCC và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Bên cạnh ghi nhận nhiều kết quả quan trọng công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ thì Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ, còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền công tác PCCC từ hệ thống thông tin cơ sở

Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả 09 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, có nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ...

Trên thực tế, giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCCC được Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT, yêu cầu các Sở TT&TT chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác. Tập trung vào các nội dung: Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; Quyết định số 1492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Theo Cục Thông tin cơ sở, các giải giải pháp cần tiếp tục thực hiện gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, chủ hộ gia đình, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC, cứu hộ cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân để nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân những kiến thức, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi có cháy nổ, tai nạn, sự cố xảy ra, nhất là tại các khu dân cư, chung cư; việc tham gia ký kết thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Tuyên truyền, vận động người dân tham gia xã hội hóa công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; ứng dụng về chuyển đổi số trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với yêu cầu thực tiễn…

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống thông tin cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCCC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO