Dấn thân với đam mê nghề lập trình viên
Nữ giới theo học ngành lập trình viên đã ít, lại kiên định theo đuổi nghề càng thêm hiếm. Tuy nhiên, với đam mê mãnh liệt, các nữ lập trình viên đã vượt qua thử thách để chinh phục ước mơ.
Một nghề “hot” nhưng phải đam mê
Theo báo cáo thị trường CNTT (IT) Việt Nam năm 2022 của TopDev, sau thời gian đỉnh điểm COVID-19, 64,1% các công ty quyết định mở rộng nhóm phát triển với nhiều vị trí công nghệ. Chính vì vậy, nhu cầu tuyển dụng CNTT năm 2022 đã tăng cao so với năm 2021, từ 128.700 năm 2021 lên 175.300 năm 2022.
Trong báo cáo thị trường CNTT Việt Nam năm 2021, TopDev đưa ra thống kê chỉ có 7,85% lập trình viên là nữ, so với con số 92,05% nam thì quả thật quá ít. Tuy nhiên, con số này cũng đã tăng đáng kể so với năm trước đó. Có lẽ, với nữ giới khó khăn theo đuổi đam mê nhiều hơn so với nam giới nên tỉ lệ này có nhiều chênh lệch như vậy.
Chia sẻ về nghề, Nguyễn Lê Thị Mỹ Linh, nữ lập trình viên thiểu số của nhóm kỹ sư FE (Frontend Engineer), Trung tâm lập trình Naver Vietnam (NVDC) cho biết từng có lúc muốn bỏ nghề. Linh chia sẻ: “Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, khi bắt đầu chạm đến kiến thức chuyên môn, em đã không thể hiểu được các thuật toán, các ngôn ngữ lập trình. Rồi đến lúc đi làm, ập vào đầu là rất nhiều cái mới, dù đã cố gắng tìm tòi nhưng mình vẫn không thể biết rõ về kiến thức đó. Giai đoạn đó, em đã rất mệt mỏi và muốn từ bỏ”.
Cũng giống như Mỹ Linh, Đặng Thị Thuý An (9x, iOS Engineer - NVDC) cũng từng có thời gian khó khăn ngay từ năm nhất đại học (ĐH). “Năm nhất ĐH em đã từng có ý định từ bỏ luôn vì không thể hiểu được các môn chuyên ngành, cảm giác như bị choáng ngợp vậy. Sau rất nhiều lần suy nghĩ, mình đã hứa rằng sẽ cho bản thân thêm 1 năm nữa. Trong 1 năm này, em đã dành toàn bộ thời gian cho việc học, đi thư viện và cuối cùng cũng đã dần hiểu được và không còn thấy nó khó chinh phục nữa”, An cho biết.
Còn với Lê Thị Ngọc Thúy (9x, iOS Developer - NVDC) từng có ý định từ bỏ nghề nghiệp mà mình theo đuổi gần 10 năm qua, nhưng những nỗi lo sợ là có: “Lúc mới ra trường, phải định hướng sẽ làm ở mảng nào, rồi sau đó cần học thêm cái gì để bổ trợ cho công việc. Thực sự khá hoang mang. Rồi sau đó, lần đầu tham gia công ty startup, phải dành rất nhiều thời gian làm ngoài giờ và tự học thêm ở nhà để theo kịp công việc. Cách đây vài năm, em bị tai nạn phải phẫu thuật điều trị khoảng 6 tháng, khi quay lại công việc, em đã rất sợ không làm tốt được như trước, sợ không theo kịp công việc, sợ có thể bị đuổi việc. Rồi khi bước vào tuổi 30, em lại có lo lắng về việc giành thời gian cho gia đình, sinh con. Liệu sau này, mình có nhiều bận tâm về gia đình hơn thì có bị công ty sa thải không… Nhiều thứ phải suy nghĩ”.
Dù nhiều nỗi lo lắng nhưng với cả ba nữ lập trình viên thì cập nhật kiến thức mới là khó khăn lớn nhất. Bởi CNTT nói chung và ngành lập trình nói riêng mỗi ngày, mỗi giờ mỗi giây đều có thể có một cái mới xuất hiện mà người làm nghề phải cập nhật, bổ sung kiến thức, phải tự phát triển bản thân thì mới không bị chính nghề nghiệp của mình đào thải. Các bạn cũng hiểu rằng CNTT đang là nghề “hot”, dễ tìm việc phù hợp, tìm công ty tốt nhưng trên tất cả, bạn phải có đam mê với lĩnh vực của mình. Nếu không có đam mê thì rất khó để kiên trì.
Được làm việc yêu thích và đồng nghiệp giỏi
Khi được hỏi về động lực nào giúp bản thân vượt qua khó khăn để theo đuổi nghề nghiệp, Mỹ Linh chia sẻ: “Sếp và các đồng nghiệp đã hỗ trợ mình rất nhiều. Họ cho em kinh nghiệm, kiến thức, chỉ mình cách tìm hiểu trên mạng và cách tự học để có mình ngày hôm nay”.
Ngoài ra, Linh còn cho biết, đây là lựa chọn đúng đắn nhất của em: “Thành thật mà nói, đối với em, theo được nghề DEV tới giờ là một thành công lớn. Được kết giao với nhiều bạn giỏi, được làm việc trong môi trường công nghệ đầy cạnh tranh, thử thách và phát triển bản thân rất nhiều. Được làm công việc mình thích, hơn hết là mức lương khi làm dev phù hợp với mong muốn hiện tại, em cảm thấy lựa chọn làm DEV là lựa chọn đúng đắn nhất từ trước đến nay”.
Cũng tương tự như Mỹ Linh, Lê Thị Ngọc Thuý cho biết: “Nghề CNTT có thu nhập tốt và ổn định. Hiện nay có rất nhiều công ty có thể lựa chọn, nếu công ty đó không còn phù hợp thì vẫn có thể dễ đổi công ty khác. Ngoài ra, vì DEV nữ ít nên khi đi phỏng vấn và làm việc cũng được mọi người quan tâm, giúp đỡ rất nhiều”.
Một yếu tố khác cũng rất thu hút từ nghề DEV là cảm nhận của mỗi DEV khi thấy các đoạn code mình làm ra được áp dụng vào thực tế, nhiều người sử dụng hoặc giúp cho sản phẩm của công ty được người dùng đón nhận. Khi thấy phản hồi tốt từ người dùng, chắc chắn người làm ra sẽ thấy vui và có thêm động lực để làm việc tốt hơn.
Hãy thử bước vào con đường DEV…
Trên tất cả, dù là nam hay nữ, dù DEV hay các ngành nghề khác, nếu không muốn từ bỏ thì “phải luôn cố gắng, luôn tin tưởng và nói với bản thân rằng mình sẽ làm được”, Đặng Thúy An tâm niệm và thực hiện đến bây giờ.
Động viên các bạn nữ đồng nghiệp, Ngọc Thúy chia sẻ: “Các bạn nữ có đam mê với ngành CNTT, DEV thì cứ quyết tâm theo đuổi, khi gặp khó khăn hãy tìm ra cách giải quyết và nhờ sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh, đặc biệt là các sếp và đồng nghiệp”.
Mỹ Linh chia sẻ: “Nếu bạn đang cân nhắc chọn ngành CNTT, hãy tìm hiểu kỹ thông tin từ các anh chị có kinh nghiệm trong nghề và thử tìm những khóa học, tìm kiếm cho mình một người mentor giỏi. Bạn cần hành trang cho mình sự kiên nhẫn, khiêm tốn, luôn tò mò học hỏi, cập nhật kiến thức mới. Luôn phải tự phát triển bản thân cả về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm như giao tiếp, kỹ năng nói chuyện trước đám đông,...”.
Theo Trung tâm Lập trình Naver Vietnam, đơn vị này đã tuyển dụng hơn 120 nhân sự DEV năm 2022, dự kiến, con số này sẽ tăng trong thời gian tới./.