“Dân vận khéo” giúp người Hà Nội xích lại gần nhau
Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Ban Dân vận Thành ủy đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 từ cấp cơ sở tới cấp TP.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn – Trưởng Ban Tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” TP Hà Nội năm 2024. Hội thi là hoạt động trọng điểm của ngành Dân vận chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” (15/10/1949-15/10/2024), 94 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2024), 25 năm “Ngày Dân vận của cả nước” (15/10/1999-15/10/2024) và 15 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” (15/10/2009-15/10/2024).
Ngay từ đầu năm, Ban Dân vận Thành ủy đã ban hành Công văn số 838-CV/BDVTU ngày 15/1/2024 về triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2024; Kế hoạch số 48-KH/BDVTU ngày 08/3/2024 về tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Căn cứ kế hoạch của Ban Dân vận Thành ủy, các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội thi “Dân vận khéo” từ cơ sở. Nhiều quận, huyện đã tổ chức hội thi “Dân vận khéo” sôi nổi từ thôn, tổ dân phố đến xã, phường, thị trấn để lựa chọn những đội xuất sắc nhất dự thi vòng sơ khảo, chung khảo cấp quận, huyện, thị xã và cấp TP.
Hội thi là dịp để hệ thống chính trị của thành phố nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dân vận, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Trong hội thi cấp huyện Thanh Trì, đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thanh Trì, Trưởng Ban giám khảo đánh giá: Hội thi diễn ra sôi nổi, lôi cuốn, các đội thể hiện kỹ năng, nghiệp vụ thông qua biểu diễn tiểu phẩm hoặc các tiết mục sân khấu hóa về công tác dân vận, thể hiện sự đầu tư công phu, nghiêm túc, đồng thời khẳng định kỹ năng vận động thuyết phục nhân dân, thực tiễn xử lý các tình huống phát sinh tại địa phương, đơn vị của mỗi đội thi. Thông qua hình thức thơ, ca, hò, vè, tiểu phẩm…, mỗi đội không chỉ làm nổi bật đặc điểm, đặc trưng của địa phương, đơn vị, mà còn nói lên hiệu quả công tác dân vận và phong trào “Dân vận khéo” ở cơ sở.
Cũng theo ông Trần Đức Nhương, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân vận thôn Đông Trach, xã Ngũ Hiệp, cho biết: Qua hội thi lần này các cán bộ, công chức, viên chức đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn xã Ngũ Hiệp nói chung và cán bộ làm công tác dân vận thôn Đông Trạch nói riêng không những thể hiện sự hiểu biết của mình về kiến thức, kỹ năng dân vận trên các lĩnh vực mà còn thể hiện năng khiếu của mình qua các các phần thi chào hỏi, tiểu phẩm để lại trong lòng khán giả và Ban tổ chức nhiều cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp.
Là người tham gia dự thi, bà Nguyễn Thị Lan đến từ xã Tứ Hiệp, chia sẻ: Hội thi là diễn đàn cho cán bộ làm công tác dân vận như chúng tôi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn về thực hiện công tác dân vận; nâng cao năng lực, khuyến khích tinh thần nhiệt tình và sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận về tư duy, phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận; đồng thời cổ vũ, động viên, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên địa bàn huyện nói chung và xã Tứ Hiệp nói riêng.
Theo đó cuộc thi “Dân vận khéo” năm 2024 tại quận Ba Đình cũng diễn ra vào thời điểm nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, tạo khí thế thi đua sôi nổi hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Với huyện Chương Mỹ, điểm nhấn nội dung của hội thi này là kỹ năng giải quyết tình huống phát sinh trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi triển khai thực hiện dự án "Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai". Trong nội dung này, các đội thi kỹ năng tuyên truyền về trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc… trong thực hiện dự án. Các đội thi đã đem tới hội thi nhiều tiểu phẩm chân thực, với nhiều tiếng cười, giọt nước mắt xúc động chan chứa tình người, thu hút người xem.
Không khí hội thi tại các quận, huyên khác diễn ra sôi nổi, thể hiện những màn trình diễn sinh động, hấp dẫn, phản ánh thực tiễn công tác dân vận ở đơn vị, địa phương, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Thông qua các tiểu phẩm, dân ca ví dặm, hò vè… các đội thi đã khéo léo giới thiệu khái quát về truyền thống, lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng tiêu biểu của cơ quan, đơn vị, địa phương; những hoạt động công tác dân vận đã được triển khai hiệu quả trong thực tế đời sống. Mỗi đơn vị mang đến một thông điệp với nhiều nội dung, hình thức thể hiện khác nhau, song đều hướng tới mục tiêu chung nhất của công tác dân vận đó là: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Thông qua việc tổ chức hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò công tác dân vận. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân vận của Đảng và củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, đơn vị và TP.
Hội thi cũng là dịp để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn về thực hiện công tác dân vận. Nâng cao năng lực, khuyến khích tinh thần nhiệt tình và sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận về tư duy, phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận. Đồng thời cổ vũ, động viên, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên địa bàn thành phố.