Đánh giá mức độ trưởng thành số: Một bước quan trọng trong quy trình CĐS

03/10/2022 06:35
Đào Trung Thành
Chuyên gia tư vấn CĐS, Viễn thông-CNTT

Chuyển đổi số (CĐS) đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các đơn vị sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên thế giới và ở Việt Nam.

Hoạt động sản xuất là sự tích hợp một chuỗi các công đoạn với các điều kiện kỹ thuật khác nhau, thiết bị công nghệ khác nhau và dữ liệu đa dạng khác nhau. Mức độ số hóa và ứng dụng công nghệ số trong từng cấu phần công nghệ kể cả sơ đồ quản lý, tổ chức cũng khác nhau. Việc đánh giá mức độ trưởng thành số (digital maturity) là nội dung quan trọng của đơn vị, là cơ sở để lựa chọn chiến lược và hoàn thiện lộ trình CĐS thành công.

Bài viết trình bày những nội dung chính trong công tác đánh giá mức độ trưởng thành số, giới thiệu các mô hình đánh giá mức độ trưởng thành, phân tích ưu nhược điểm và điều kiện ứng dụng của các mô hình. Với kết quả tư vấn thành công cho một số đơn vị SXKD, bài viết cũng trình bày mô hình đánh giá mức độ trưởng thành số của Công ty tư vấn CĐS Dr.SME giúp các đơn vị có thêm thông tin trong quá trình thực thi CĐS.

CĐS bắt đầu từ đâu?

Trong những năm gần đây, CĐS được các quốc gia, các tổ chức và tập đoàn kinh tế đặc biệt quan tâm. Tuy vậy, quá trình CĐS bắt đầu từ đâu vẫn là câu hỏi luôn được đặt ra. Các công ty tư vấn công nghệ số thường lựa chọn các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt mà chưa chú trọng đến hiệu quả lâu dài của doanh nghiệp (DN). Nhiều chuyên gia tư vấn CĐS trên thế giới đều thống nhất quan điểm rằng: Chiến lược là động lực chính quyết định sự thành công của CĐS, công nghệ chỉ là một cấu phần trong toàn bộ quá trình đó. [1]

Như vậy, CĐS bắt đầu bằng cách xác định chiến lược phát triển cho DN mình bằng cách nghiên cứu các xu hướng: thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, hệ sinh thái, công nghệ. Chiến lược phát triển là tiền đề cho chiến lược CĐS [2]: 

Đánh giá mức độ trưởng thành số: Một bước quan trọng trong quy trình CĐS - Ảnh 1.

Hình 1: Mối tương quan chiến lược DN và chiến lược CĐS [2]

 Tiếp theo, DN cần phải xác định mình đang ở đâu trong hành trình CĐS. Hay nói cách khác, cần đánh giá mức độ trưởng thành số (digital maturity). Điểm mấu chốt quan trọng nhất trong hành trình CĐS đó là DN cần phải biết mình đang ở đâu, mình yếu ở đâu, mạnh ở đâu. Điều này rất giống với việc chữa trị cho người bệnh hay hướng dẫn mọi người phát triển năng lực bản thân. DN cần được các chuyên gia tư vấn CĐS “khám sức khỏe tổng quát”. Dựa trên kết quả chẩn trị này, mới bắt đầu tư vấn các loại thuốc và phác đồ điều trị phù hợp. 

Lợi ích của việc đánh giá mức độ trưởng thành số

Các lợi ích mà DN xác định được mức độ trưởng thành số gồm:

Cắt giảm chi phí: công cụ đánh giá giúp DN biết được điểm mạnh, điểm yếu của toàn bộ hệ thống SXKD, vận hành trong DN và từ đó có thể giảm được chi phí vận hành. Theo thông lệ, giảm 10 - 20% chi phí vận hành hoặc chi phí nhân công.

Tạo ra các sản phẩm dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh mới để có các nguồn thu mới hoặc để bù đắp cho các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Doanh thu bình quân tăng từ 2 - 6%; Rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

Tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, khiến họ trở nên trung thành hơn, tăng tỷ lệ chuyển đổi người quan tâm (conversion rate) của khách hàng từ 1.2x - 1.7x lần, tối ưu 2 - 6%.

Ra quyết định nhanh, chính xác: Lãnh đạo DN ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ phân tích và quản trị tốt dữ liệu. DN cũng tối ưu hóa được cách thức quản lý, quy trình vận hành để tăng năng suất.

Theo nghiên cứu của hãng tư vấn Deloitte, những công ty, DN có mức trưởng thành số cao sẽ tăng trưởng doanh thu 45% và biên lợi nhuận ròng 43% [5]. Tóm lại, đánh giá mức độ trưởng thành số là một bước quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho công cuộc CĐS vốn khó khăn và nhiều rủi ro khi thực hiện.

Chọn mô hình đánh giá mức độ trưởng thành số nào?

Trên thế giới, trong những năm gần đây, đã có khá nhiều mô hình, khung đánh giá mức độ trưởng thành số (DMM - Digital Maturity Model) được nghiên cứu và đề xuất ứng dụng, bao gồm các mô hình nổi bật sau đây [3]. 

Đánh giá mức độ trưởng thành số: Một bước quan trọng trong quy trình CĐS - Ảnh 2.

Hình 2: So sánh các mô hình và khung CĐS nổi bật [3]

Các tổ chức, hãng tư vấn, diễn đàn, mỗi bên có những quan điểm về CĐS khác nhau và quan tâm đến các khía cạnh khác nhau. Nhưng tất cả đều đồng thuận rằng CĐS là chuyển đổi DN (business transformation). Bên cạnh lĩnh vực công nghệ, công nghệ thông tin (CNTT) thì các lĩnh vực khác của DN quan trọng không kém trong quá trình CĐS. Theo một nghiên cứu của hãng tư vấn Accenture 75% các rào cản để CĐS thành công là do những yếu tố phi kỹ thuật (non-technical factors) như văn hóa, con người, kỹ năng, cơ cấu tổ chức. 

Đánh giá mức độ trưởng thành số: Một bước quan trọng trong quy trình CĐS - Ảnh 3.

Hình 3: 75% yếu tố phi kỹ thuật là rào cản thành công của CĐS [4]

Phân tích xác định sáu lĩnh vực/khía cạnh hành động được áp dụng nhiều nhất, đó là công nghệ, văn hóa (trong 13 mô hình/khung), công nghệ (12), chiến lược (11), tổ chức (10), khách hàng (10) và con người/nhân viên (9). 

Đánh giá mức độ trưởng thành số: Một bước quan trọng trong quy trình CĐS - Ảnh 4.

Hình 4: 6 lĩnh vực chủ chốt cần đánh giá trong DN [3]

 Ayman El-Safadi, dựa trên công trình nghiên cứu của Jimmy Bumann, Marc K. Peter, tiếp tục so sánh và đánh giá mức độ phổ biến của mô hình trong giới nghiên cứu và cộng đồng tư vấn CĐS cho DN, đã xác định 5 mô hình được dùng nhiều nhất là: Open Roads, Deloite-TM Forum, The Digital Capability Model, Boston Consulting Group và Capgemini [4]. 

Đánh giá mức độ trưởng thành số: Một bước quan trọng trong quy trình CĐS - Ảnh 5.

Hình 5: Phân tích các mô hình DMM

 Mô hình Open Roads: Cộng đồng Open ROADS đã phát triển hai khung. Mô hình trưởng thành kỹ thuật số mở (ODMM) là một công cụ đánh giá đánh giá mức độ trưởng thành kỹ thuật số với các mục tiêu CĐS và hiệu suất của các tổ chức. Khung còn lại là Digital Mastermind, một khuôn khổ toàn diện để điều hướng hành trình CĐS. 

Mô hình Open Roads dùng cho cộng đồng mở nên miễn phí, có thể dùng chung để đánh giá mức độ trưởng thành số cho các ngành công nghiệp khác nhau, cho nên nó mang tính tổng quát, không chuyên biệt.

Mô hình Deloite-TMForum: Deloitte phát hành 2 khung CĐS:

Một khung được xuất bản vào năm 2017 bởi chi nhánh kỹ thuật số của Deloitte - được gọi là Khung chuyển đổi công nghiệp Deloitte (Deloitte Industrial Transformation Framework) và tập trung vào các ngành Sản xuất, Năng lượng và Xây dựng. Khung Chuyển đổi Công nghiệp Kỹ thuật số của Deloitte đưa ra 5 câu hỏi thiết yếu. Mỗi câu hỏi đều xoay quanh khái niệm về sự nhanh nhạy trong kinh doanh, áp dụng kỹ thuật số và thành công của khách hàng: Khát vọng chiến thắng của chúng ta là gì? Chúng ta sẽ chọn chơi ở đâu? Những năng lực nào là cần thiết? Những năng lực nào phải được xây dựng, hoàn thiện hoặc thuê ngoài? Những quy trình kinh doanh, công nghệ và hệ thống quản lý nào được yêu cầu?

Khung thứ hai được xuất bản vào năm 2019 và được cung cấp bởi Cộng đồng TMForum - được gọi là Khung chuyển đổi công nghiệp Deloitte hay gọi là mô hình DMM của TMForum. Mô hình TMForum thì tập trung vào ngành Viễn thông. Đó cũng là lý do hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sử dụng mô hình này để đưa ra Bộ chỉ số đánh giá mức độ CĐS của DN (Digital Business Index).

Mô hình đánh giá sự sẵn sàng số hóa (Digital Readiness Assessment) của EY: Đây là mô hình do Ernst & Young đề xuất nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng trong CĐS trên 7 lĩnh vực trọng tâm. Mô hình này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khuyến nghị dùng cho các DN nhỏ và vừa (SME).

Mô hình The Digital Capability: Bên cạnh các lĩnh vực phổ biến như các mô hình đánh giá trưởng thành số, mô hình này nhấn mạnh vào hai

khía cạnh là tiếp thị và bán hàng. Tác giả của mô hình là Jan Ace đưa ra 77 khối cơ bản (building block) để xây dựng chương trình CĐS toàn diện.

Mô hình của Boston Consulting Group (BCG):

Mô hình chia quá trình CĐS thành ba giai đoạn: ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn. BCG nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa và con người trong quá trình CĐS nên tập trung đánh giá vào các hạng mục này.

Mô hình đánh giá mức độ trưởng thành số của Dr. SME

Theo các nghiên cứu, hiện có rất nhiều mô hình đánh giá mức độ trưởng thành (DMM) (vài chục mô hình) với nhiều khác biệt về chọn chiều kích (dimensions), lĩnh vực đánh giá. Câu hỏi đặt ra là có một mô hình mang tính phổ quát cho mọi DN? Mô hình nào mang lại thành công cho công cuộc CĐS? trong khi lĩnh vực nghiên cứu về trưởng thành số (DMM) mới ở mức độ sơ khai ngay cả ở trên thế giới.

Qua nghiên cứu, thực tiễn tư vấn, công ty tư vấn Tái cấu trúc - CĐS Dr.SME đã xây dựng và hoàn thiện mô hình trưởng thành số, tham chiếu từ nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước, đo lường toàn diện mức độ sẵn sàng CĐS của DN tổng thể trên 6 khía cạnh chính trong hoạt động SXKD của DN gồm: (1) Khách hàng, (2) Chiến lược, (3) Vận hành, (4) Công nghệ, (5) Văn hóa, (6) Dữ liệu. 

Đánh giá mức độ trưởng thành số: Một bước quan trọng trong quy trình CĐS - Ảnh 6.

Hình 6: Mô hình đánh giá mức độ trưởng thành số của DN

 Mô hình DMM này chủ yếu dựa trên mô hình DMM của TMForum mà Bộ TT&TT dùng để đánh giá các tập đoàn, DN lớn.

Ngoài ra, vì mô hình này tập trung vào viễn thông và các ngành dịch vụ, nên Dr.SME bổ sung thêm các phần đánh giá về công nghệ nhân bản (human technology) và công nghệ vận hành (operation technology) để tăng cường và hoàn thiện mô hình do TMForum đề xuất trong đó chú trọng hơn đến con người và khai thác vận hành, những vấn đề đặc biệt quan trọng trong các ngành sản xuất, năng lượng. 

Đánh giá mức độ trưởng thành số: Một bước quan trọng trong quy trình CĐS - Ảnh 7.

Hình 7: Mô hình HT và OT (Nguồn: Dr.SME)

Các DN, tổ chức sau khi được đánh giá sẽ được sắp xếp theo các mức độ trưởng thành số, gồm 5 mức như Hình 8. 

Đánh giá mức độ trưởng thành số: Một bước quan trọng trong quy trình CĐS - Ảnh 8.

Hình 8. Thang đo mức sẵn sàng CĐS

Quy trình đánh giá gồm các bước như Hình 9. 

Đánh giá mức độ trưởng thành số: Một bước quan trọng trong quy trình CĐS - Ảnh 9.

Theo khảo sát của công ty Tái Cấu trúc và CĐS Dr. SME thì đa số các công ty mới chỉ ở mức 1, một số công ty đang ở mức 2, còn mức 3 là các công ty công nghệ lớn như Viettel, FPT, mức 4 và 5 rất ít công ty ở Việt Nam đạt được. Chính vì xuất phát điểm thấp nên có lẽ việc đầu tiên cần làm là số hóa hệ thống quản trị của DN và sau đó là ứng dụng CNTT vào SXKD, rồi mới đến thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh sang DN số theo chiến lược của DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Strategy, not Technology, Drives Digital Transformation, Gerald C. Kane, Doug Palmer, Anh Nguyen Phillips, David Kiron and Natasha Buckley, 2015, MIT Sloan Management Review and Deloitte.

2. Digital Business Transformation and Strategy: What Do We Know So Far?, Mariam H. Ismail, Mohamed Khater, Mohamed Zaki, 2018, University of Cambridge

3. Action Fields of Digital Transformation - A Review and Comparative Analysis of Digital Transformation Maturity Models and Frameworks, Jimmy Bumann, Marc K. Peter, 2019, Edition Gesowip

4. The Top 5 Digital Transformation Frameworks, Ayman El- Safadi, 2021

5. Uncovering the connection between digital maturity and financial performance, Ragu Gurumurthy, David Schatsky, Jonathan Camhi, 2020, Deloitte Insights.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2022)

Xem thêm
Bài khác
Đánh giá mức độ trưởng thành số: Một bước quan trọng trong quy trình CĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO