Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa chúc mừng các học viên tham gia Chương trình đào tạo và 21 doanh nghiệp tham gia Liên minh
Công bố Chương trình đào tạo, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TTTT cho biết: Kinh nghiệm và thực tế CPĐT tại Việt Nam cho thấy muốn triển khai, hiệu quả, chúng ta cần có chuyên gia nòng cốt về CPĐT. Chương trình đào tạo nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia CPĐT tại tất cả các tỉnh, thành phố.
Chương trình có 3 mục tiêu: Trang bị những kiến thức chuyên sâu về công nghệ, các bài học kinh nghiệm hay về triển khai CPĐT trên thế giới và Việt Nam; Mỗi học viên sẽ được tham gia vào chương trình đào tạo thống nhất, thường xuyên, liên tục trong nhiều năm để trở thành những chuyên gia về CPĐT, để từ đó, Bộ ngành, địa phương đủ sức giải quyết các vấn đề đặt ra của Bộ, ngành, địa phương mình và 100 chuyên gia tham gia chương trình đào tạo sẽ hình thành một mạng lưới các chuyên gia CPĐT từ trung ương đến địa phương nhằm trao đổi, chia sẽ tri thức.
Cũng tại Hội nghị, Bộ TTTT cũng ra mắt liên minh phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Huy Dũng cho biết: Liên minh gồm 21 doanh nghiệp (DN) thành viên ban đầu cam kết tập trung nguồn lực phát huy thế mạnh đặc thù của từng DN để phát triển sản phẩm có chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài để hình thành hệ sinh thái đầy đủ của Việt Nam.
Sản phẩm của các DN trong liên minh có khả năng tương thích kết nối liên kết với nhau trở thành các bộ giải pháp hoàn chỉnh phục vụ CPĐT, đô thị thông minh và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Các DN cũng cam kết đồng hành cùng nhau trong việc bảo vệ các hệ thống thông tin của Việt Nam.
Trước đó vào giữa tháng 12/2019, để tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng phục vụ CPĐT, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) và các DN, Bộ TTTT đã có thông báo và giao nhiệm vụ phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam.
Cụ thể, Bộ giao các DN nghiên cứu, sản xuất sản phẩm an toàn thông tin (ATTT) mạng và sản phẩm nền tảng của Việt Nam để đáp ứng tối đa nhu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo 8 nhóm sản phẩm, bao gồm: Sản phẩm an toàn cho thiết bị đầu cuối; Sản phẩm an toàn lớp mạng; Sản phẩm an toàn lớp ứng dụng; Sản phẩm bảo vệ dữ liệu; Nhóm giải pháp định hướng phát triển theo hình thức cung cấp dịch vụ; Sản phẩm trình duyệt; Sản phẩm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Sản phẩm nền tảng điện toán đám mây phục vụ CPĐT.
Trên cơ sở 8 nhóm sản phẩm nêu trên, theo Bộ TTTT sẽ hình thành Hệ sinh thái sản phẩm ATTT mạng Việt Nam đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước xuất khẩu.
Cùng với đó, Bộ đã giao các DN ATTT, trước mắt là 21 tham gia sản xuất sản phẩm an toàn, an ninh mạng phối hợp với Cục ATTT để thành lập Liên minh sản xuất sản phẩm ATTT mạng nhằm nâng cao sự hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau trong phát triển sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm có sự liên thông, kết nối với nhau trong mô hình tổng thể phục vụ CPĐT, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Theo thống kê của Cục ATTT, trên 80% sản phẩm an toàn an ninh mạng được sử dụng tại Việt Nam hiện nay là nhập khẩu. Trong khi đó, DN Việt Nam đã làm chủ công nghệ và có khả năng đáp ứng trên 60% một hệ sinh thái an toàn an ninh mạng đầy đủ.
Bộ TTTT cũng đã giao nhiệm vụ và lộ trình cụ thể, đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020, sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam sẽ đáp ứng đầy đủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng, phấn đấu đến năm 2025, sản phẩm an toàn an ninh mạng của Việt Nam chiếm trên 70% thị trường trong nước và xuất khẩu các nước trong khu vực.