Truyền thông

Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện ngành báo chí

Ánh Dương 17/08/2023 12:12

Một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được xem như là một chìa khóa để mở ra con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn hiện đại.

Đây là khẳng định của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (BCVT) (PTIT) tổ chức sáng ngày 17/8/2023.

333.jpg
Ông Lê Quốc Minh: Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện ngành báo chí. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS. TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT; PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chủ trì hội thảo.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng công nghệ trên thế giới, xu thế tất yếu hình thành những mô hình về tòa soạn số trên thế giới nói chung và các cơ quan báo chí ở Việt Nam nói riêng; thảo luận về những giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số; thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số ở Việt Nam.

Trong xu thế chuyển đổi số (CĐS) chung của tất cả các ngành lĩnh vực, CĐS báo chí sẽ trở thành hướng đi tất yếu ở tất cả cơ quan báo chí. Thực chất của CĐS báo chí là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.

Chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng, 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Mô hình “tòa soạn số” trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Lê Quốc Minh cho biết: “Một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được xem như là một chìa khóa để mở ra con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn hiện đại”.

Để thực hiện được việc này, cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo, theo đó mô hình “tòa soạn số” trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí thế giới nói chung, cơ quan báo chí Việt Nam nói riêng”.

Theo ông Lê Quốc Minh, xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí, đặc biệt là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn; chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm.

Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.

Trong số những công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay thì nổi bật là vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) trong quản lý tòa soạn số, trong tổ chức sản xuất sản phẩm cũng như phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông.

Dựa trên thực tế đó, Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” ngày hôm nay, bên cạnh việc tiếp tục công bố các nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng AI; giới thiệu về blockchain, còn mở rộng bàn luận nhằm tìm kiếm các sáng kiến ứng dụng công nghệ số trong mọi bước, mọi khâu, mọi lớp cấu trúc của toà soạn số, thực tiễn và kinh nghiệm quản trị tòa soạn số ở các cơ quan báo chí - từ vấn đề quản trị tác quyền và sở hữu trí tuệ, đến phân phối và quản lý nội dung, quản trị nhân sự, quản trị công nghệ, quản trị kinh doanh và kinh tế báo chí.

Hội thảo bao gồm 2 phiên: Giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số; Thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số ở Việt Nam. Hội thảo chú trọng bàn tới chủ thể số, nền tảng số và các công cụ số cho sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, phân phối và kinh doanh các loại hình báo chí số như: báo chí đa loại hình, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động.

z4611118696715_57dd8aedda9b7e13a0347ca7aa906958.jpg
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện xu thế tất yếu hình thành những mô hình về tòa soạn số trên thế giới nói chung và các cơ quan báo chí ở Việt Nam nói riêng.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đã có những chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn cụ thể về việc các cơ quan báo chí đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn ở cơ quan báo chí của mình như thế nào.

Đây sẽ là gợi mở về cách thức triển khai mô hình tòa soạn số, trong đó có công nghệ blockchain và AI, từ đó góp phần thúc đẩy hiệu quả CĐS cơ quan báo chí và hướng tới một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Chia sẻ về ý nghĩa của buổi Hội thảo này, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Đây là hội thảo rất lớn trong mảng CĐS ở lĩnh vực báo chí truyền thông, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông, những người làm báo cả nước và cả các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ cùng trao đổi về ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí , chia sẻ những mô hình tào soạn số ở Việt Nam hiện nay cùng những giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn”.

“Chỉ một thời gian ngắn, Hội thảo đã nhận được 12 tham luận từ chuyên gia công nghệ, nhà báo, các nhà quản lý báo chí gửi về Ban tổ chức. Điều này cho thấy chủ đề mà Hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay”, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Có thể nói, đây là hội thảo có ý nghĩa trong lĩnh vực báo chí khi ứng dụng các công nghệ vượt trội từ đó thay đổi tư duy, lối mòn quản trị cũng như thể hiện năng lực trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, hội thảo được tổ chức gắn với chủ trương và chiến lược phát triển chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Học viện Công nghệ BCVT quyết tâm đổi mới trong đào tạo báo chí số

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS. TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT cho biết: “Học viện hiện là một trong Top 5 trường đại học đào tạo hàng đầu về ICT cũng là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành truyền thông và báo chí số cho xã hội. Việc hội tụ cả hoạt động đào tạo nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ và lĩnh vực truyền thông báo chí đã giúp Học viện có những lợi thế nhất định trong mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc”.

Hiện tại, Học viện đã có những sản phẩm lai ghép nghiên cứu về lĩnh vực báo chí có ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ AI trong sản xuất tin tức và video tự động dựa trên từ khóa. Ví dụ như các công nghệ deepfake, AR, VR,…

Ngoài ra, Học viện cũng có giải pháp lắng nghe mạng xã hội (social listening), phục vụ cho các hoạt động quản trị truyền thông của đơn vị và các khách hàng có nhu cầu.

Các nghiên cứu công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực báo chí được giới thiệu trong phần nội dung hội thảo sẽ phần nào thể hiện được sự quyết tâm đổi mới trong đào tạo và nghiên cứu của Học viện cũng như quyết tâm tiên phong trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu vượt trội./.

Bài liên quan
  • AI cảm xúc và đạo đức nhà báo
    Tin giả không phải là một vấn đề mới. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT, chúng ta đang sống trong một thời đại nơi mà tin giả có thể được tạo ra một cách tự động, mang đến nhiều tiềm tàng rủi ro cho không gian mạng và gây ra ô nhiễm thông tin. Nếu như ChatGPT hay các loại Generative AI (AI tạo sinh) có khả năng tạo ra các đề mục tin giả một cách tự động, thì một nhánh của công nghệ AI mang tên Emotional AI (AI cảm xúc) có khả năng chi phối và khơi gợi cảm xúc thôn
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện ngành báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO