Truyền thông

Mô hình tòa soạn số ở Việt Nam

Trường Thanh 15:28 23/08/2023

Cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, sự phát triển của báo chí cũng mang tính bước ngoặt, không chỉ về loại hình báo chí mà còn về quy trình làm báo, tổ chức bộ máy và cách thức truyền tải nội dung đến với bạn đọc.

Trong xu hướng tất yếu đó, nhiều tòa soạn đã chuyển đổi từ tòa soạn truyền thống sang tòa soạn hội tụ và nay trong quá trình chuyển đổi thành tòa soạn số.

Từ tòa soạn truyền thống đến tòa soạn hội tụ và tòa soạn số

Trước đây, mỗi tòa soạn chỉ tổ chức sản xuất một loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình). Đến khi có Internet và xuất hiện báo điện tử, các báo bắt đầu tổ chức mô hình tòa soạn hội tụ để sản xuất đồng thời nhiều loại hình khác nhau, vừa làm báo in vừa làm báo điện tử, vừa sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình (PTTH), vừa xuất bản các chương trình này lên trang web, mạng xã hội (MXH).

Đánh giá về sự thay đổi này, tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số" do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tổ chức mới đây, nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho rằng, sự thay đổi này buộc các cơ quan báo chí phải tổ chức lại bộ máy vì cần thêm nhân sự, phòng ban để tổ chức sản xuất các nội dung mới hoặc làm mới các nội dung cũ. Quy trình vận hành cũng phải thay đổi khi có thêm các nhánh làm sản phẩm điện tử.

le-xuan-trung.jpg
Nhà báo Lê Xuân Trung: Tòa soạn số cần định danh được người dùng để phục vụ đúng nhu cầu và chăm sóc bạn đọc chu đáo

“Các loại hình báo chí không khác biệt nhiều về bản chất nội dung tin tức, nhưng khác nhau về cách tư duy và khai thác đề tài báo chí vì về cách thức truyền tải nội dung đến người đọc/người xem (người dùng) hoàn toàn khác nhau. Báo điện tử đến với người dùng quá nhanh, quá tiện lợi khi xuất hiện kịp thời trên màn hình máy tính hay điện thoại trong khi báo in, truyền hình, phát thanh vẫn phát tin bài theo ngày giờ cố định bằng phương thức truyền thống, không thể cập nhật liên tục, không thể tiếp nhận phản hồi của độc giả tức thời…”, nhà báo Lê Xuân Trung đánh giá.

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, để sản xuất được các loại hình báo chí mới, nhiều tòa soạn đã tổ chức theo mô hình tòa soạn hội tụ, từ hội tụ nguồn lực đến hội tụ quy trình để có thể kiểm soát nội dung từ đầu vào đến đầu ra một cách thông suốt, nhất quán.

Mô hình này có ưu điểm là đáp ứng được yêu cầu sản xuất đa phương tiện, đặc biệt là loại hình báo điện tử, nhưng đồng thời cũng làm cho khối lượng công việc tăng lên trong khi bộ máy nhân sự không thể đáp ứng vì sẽ làm tăng chi phí.

Để bảo đảm năng suất của tòa soạn hội tụ mà không gia tăng áp lực đối với đội ngũ thì giải pháp khả thi nhất là, tòa soạn phải ứng dụng tối đa công nghệ đi cùng với tối ưu hóa bộ máy, thay đổi quy trình vận hành, xuất bản các sản phẩm.

“Nghĩa là tòa soạn phải chuyển đổi số (CĐS) sao cho phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của các cơ quan báo chí. Khi đó tòa soạn hội tụ phát triển thành tòa soạn số để bảo đảm phát huy được nguồn lực sẵn có nhưng được thiết kế lại bài bản, hiệu quả hơn”, nhà báo Lê Xuân Trung cho hay.

screenshot-22-(2).png
Sự chuyển đổi từ tòa soạn truyền thống đến tòa soạn hội tụ và tòa soạn số

3 trục chính của tòa soạn số phải được kết nối và phát huy tối đa

Nhà báo Lê Xuân Trung cho biết, tòa soạn số cần kết nối và phát huy tối đa 3 trục chính, gồm: Trung tâm phát triển nội dung số; Module dữ liệu nội dung số; Module dữ liệu người dùng.

Trong đó, Trung tâm phát triển nội dung số là đầu mối tổ chức sản xuất nội dung số như text, ảnh, đồ họa, âm thanh (audio), video…

Module dữ liệu nội dung số là bộ máy điều hành hệ thống dữ liệu nội dung số trên cơ sở ứng dụng công nghệ tự động lưu trữ, phân loại, trích xuất, khai thác, sử dụng dữ liệu và sản phẩm số.

Module dữ liệu người dùng là module thu thập, lưu trữ, phân tích và sử dụng dữ liệu người dùng thường xuyên của một cơ quan báo chí.

toa-soan-so.png
Mô hình tòa soạn số

Nhà báo Lê Xuân Trung cho biết, tòa soạn số cần định danh được người dùng để phục vụ đúng nhu cầu và chăm sóc bạn đọc chu đáo.

Theo đó, tòa soạn cần xây dựng module dữ liệu người dùng được phân loại theo các đối tượng khác nhau: Thành viên trả phí (có những ưu đãi, tiện ích riêng); Thành viên chưa trả phí (được gửi thực đơn bằng newsletter thường xuyên để chuyển dần sang đối tượng trả phí); Người dùng đại trà trên các kênh truyền thống (báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh…); Người dùng trên MXH (để quảng bá nội dung, tăng nguồn thu mới và thu hút về các kênh truyền thống, trở thành người dùng thành viên).

Nhà báo Lê Xuân Trung nhấn mạnh, các tòa soạn ở Việt Nam đang trên con đường CĐS để hình thành tòa soạn số thông qua việc phát triển và kết nối một cách có hiệu quả giữa các module nội dung với module dữ liệu và module người dùng.

“Đó là mô hình hoàn chỉnh từ khâu đầu vào đến đầu ra trong một hệ thống quản trị nội dung được ứng dụng công nghệ tương thích với quy mô, tính chất và mục tiêu của một cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng”, Phó Tổng biên tập Lê Xuân Trung chia sẻ.

Tòa soạn số tại VOV và Đài VTV

Theo TS. Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), khi công nghệ số phát triển, các cơ quan báo chí trong đó có VOV đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nội dung và quản trị tòa soạn.

Với 4 loại hình báo chí là phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử, VOV sớm hình thành mô hình tòa soạn số và tổ chức hoạt động chỉ đạo nội dung theo hướng tòa soạn số.

dong-manh-hung.jpg
TS. Đồng Mạnh Hùng: Những lợi ích khi vận hành tòa soạn số giúp VOV nâng cao năng lực chỉ đạo về nội dung, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức, tiền bạc trong sản xuất

TS. Đồng Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay, hệ sinh thái nội dung của VOV được hình thành gồm các thành phần: Các kênh phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử truyền thống/Các ứng dụng (app) chung của Đài/Các trang web, trang thông tin điện tử, các fanpage, podcast, Youtube.

Việc phân phối nội dung của VOV được thực hiện thành 3 lớp.

Lớp 1: Phân phối các sản phẩm báo chí trên các kênh, các báo truyền thống như phát sóng PTTH, đăng tải trên báo điện tử và báo in.

Lớp 2: Phân phối các sản phẩm báo chí lên ba ứng dụng hiện đại, tiện ích để xem truyền hình, nghe phát thanh và đọc báo là VOV Media, VOV Live và VTC Now.

Lớp 3: Là các trang web, fanpage, hoặc các “cổng ra” số khác như Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok và các trang MXH khác.

“Với đặc thù là cơ quan báo chí đa loại hình, đa phương tiện, đa ngôn ngữ, đa nền tảng như VOV, việc phát triển tòa soạn số và phân phối nội dung trên đa nền tảng là mục tiêu quan trọng. Những lợi ích khi vận hành tòa soạn số, giúp VOV nâng cao năng lực chỉ đạo về nội dung, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức, tiền bạc trong sản xuất”, TS. Đồng Mạnh Hùng cho hay.

Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý và kinh doanh nội dung số tại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), nhà báo Nguyễn Vũ Hoàng - Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ, Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số cho biết, trong giai đoạn CĐS, VTV đã đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự thay đổi trong thị trường tiêu dùng, cạnh tranh từ các nền tảng trực tuyến, và sự thay đổi trong hành vi người dùng.

Để nhắm tới sự thành công trong kinh doanh nội dung số, VTV đã phát triển một chiến lược chi tiết và toàn diện. Điều này bao gồm việc xây dựng nội dung chất lượng và đa dạng, phát triển các kênh phân phối hiệu quả, chuyển đổi nhận thức về sản phẩm và dịch vụ.

nguyen-vu-hoang-.png
Nhà báo Nguyễn Vũ Hoàng: Tại VTV, khẩu hiệu “CĐS số hoặc là chết” đã được đặt ra và đi cùng đó là một loạt các hoạt động nghiên cứu, phát triển, thay đổi mô hình tổ chức, dịch vụ và kinh doanh

Trong đó, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng ngày càng chuyển sang nền tảng số, VTV đã tập trung vào việc phát triển các kênh phân phối hiệu quả để đưa nội dung đến tay người dùng. VTV đã xây dựng và phát triển ứng dụng VTVGo trở thành nền tảng truyền hình số trực tuyến quốc gia, cho phép người dùng xem trực tuyến các chương trình và nội dung không những của VTV mà còn của toàn bộ các Đài PTTH trong cả nước.

Các kênh sóng của VTV có mặt trên toàn bộ các nền tảng, hạ tầng của những nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất trên thị trường: Viettel, FPT, VNPT, VieOn,… nhằm tăng độ phủ tối đa về người xem, cùng với đó là khả năng gia tăng nguồn thu về bản quyền tiếp phát sóng.

“Tại VTV, khẩu hiệu “CĐS số hoặc là chết” đã được đặt ra và đi cùng đó là một loạt các hoạt động nghiên cứu, phát triển, thay đổi mô hình tổ chức, dịch vụ và kinh doanh”, nhà báo Nguyễn Vũ Hoàng cho hay./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • AI sẽ tác động như thế nào đến an ninh mạng vào năm 2025?
    Từ các hệ thống phòng thủ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chiến thuật tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) ngày càng tinh vi, năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho ngành an ninh mạng.
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM - Nhìn từ thành công của Singapore trên góc độ công nghệ và kỹ thuật
    Việt Nam đang có tham vọng xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) và Đà Nẵng thành các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
  • Hội nghị WEF lần thứ 55: Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
    Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ trong hai ngày 21 và 22/1/2025.
  • Đại học Oxford và Viện Nghiên cứu, Bệnh viện Tâm Anh ký hợp tác song phương
    Đại học Oxford và Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vừa công bố ký kết hợp tác trao đổi nghiên cứu khoa học và đào tạo y khoa. Đây là hợp tác song phương đầu tiên của trường đại học danh tiếng thế giới với một viện nghiên cứu, hệ thống bệnh viện đa khoa uy tín hàng đầu tại Việt Nam.
  • Thủ tướng làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
    Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc, chiều 19/1/2025, giờ địa phương (tối cùng ngày, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU).
  • Tết còn, còn cơ hội cho sách Tết
    Trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” do NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng xuất bản năm 1933, ở bài mở đầu với tiêu đề “Văn chương với mùa xuân” có viết về thú chơi tết của người Việt như sau: “Coi đó biết chơi xuân là thói quen của người mình, làm người không biết chơi xuân người ta cho là thiệt thòi nhiều lắm”.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
Mô hình tòa soạn số ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO