Đào tạo sinh viên báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số

17/06/2021 13:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh các cơ quan báo chí – truyền thông đang tồn tại, thích nghi và tiến tới làm chủ quá trình chuyển đổi số, các cơ sở đào tạo báo chí cũng đang nỗ lực “tự chuyển đổi” về tư duy, phương pháp, cách thức đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực nhà báo trẻ được đào tạo chính quy, bài bản, đa kỹ năng.

PGS,TS ĐỖ THỊ THU HẰNG – Viện trưởng Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Dù ở giai đoạn nào trong lịch sử, Khoa Báo chí trước đây và Viện Báo chí hôm nay đều chú trọng rèn "bút sắc, lòng trong" cho sinh viên báo chí. Yêu cầu khắt khe với sinh viên là phải học tốt cả lý thuyết và thực hành, tinh thần ham học, có phương pháp học lý thuyết và học trong thực tế, học suốt đời để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Đầu ra theo nguyên tắc: lý thuyết là nền tảng, thực hành là yêu cầu bắt buộc của đầu ra.

Bài toán giữa nhu cầu thị trường và nhu cầu tuyển dụng

Báo chí luôn là ngành học hấp dẫn, thu hút được nhiều học sinh thi tuyển, trong đó có nhiều học sinh giỏi. Ngày 18/5, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công bố thống kê nguyện vọng, chỉ tiêu năm 2021, số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào khối ngành Báo chí và Thông tin xếp thứ 2 với 311,65%, cao gấp hơn 3 lần tổng chỉ tiêu, độ "hot" chỉ đứng sau khối ngành An ninh, Quốc phòng.

Hiện nay, có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành Báo chí tại Việt Nam như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Đại học Văn hoá Hà Nội, Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, Đại học Khoa học (Đại học Huế)… Lịch sử tuyển sinh của một số trường, ngành Báo chí - Truyền thông luôn là ngành "hot" thuộc top cao nhất với mức điểm chuẩn cao chót vót. Năm 2020, thậm chí có tổ hợp, thí sinh đạt trung bình mỗi môn 9 điểm vẫn không đỗ.

Đào tạo sinh viên báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số - Ảnh 3.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi tuyển sinh đầu vào ngành Báo chí luôn "hot", các cơ quan báo chí vẫn luôn có nhu cầu tuyển người, nhưng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành của các trường không cao. Đơn cử như tại Đại học Văn hoá Hà Nội, tỉ lệ này trong 3 năm trở lại đây dao động trong khoảng trên dưới 40% (trên tỉ lệ >90% sinh viên có việc làm). Tỉ lệ tại một số trường khác mấy năm nay cũng đã giảm so với trước đây. Nhiều sinh viên báo chí ra trường đều làm các công việc khác trong lĩnh vực truyền thông

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài yếu tố về chuyên môn báo chí, nhà báo Lê Quỳnh Trang – Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô cho rằng: "Số phóng viên ra trường tác nghiệp được thành thạo các ứng dụng công nghệ không nhiều. Phần đông các em phải đào tạo lại". Trong bối cảnh mô hình toà soạn "hội tụ", phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương thức trở thành xu hướng, các cơ quan báo chí đòi hỏi nhà báo phải đa năng, "n in 1", nắm bắt được kỹ năng của nhiều loại hình báo chí, thành thạo công nghệ, kỹ thuật với các phương pháp làm báo trên nhiều nền tảng khác nhau.

Như nhà báo Lê Mỹ Ái Linh – Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News nhận định, "đây là xu hướng không thể đảo ngược. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo đang phải nỗ lực "tự chuyển đổi" về tư duy, phương pháp sản xuất, phân phối nội dung và cả kinh doanh các sản phẩm truyền thông".

Chính vì vậy, các cơ quan báo chí đặt ra tiêu chí rất cao đối với sinh viên khi tuyển dụng. Sau khi tốt nghiệp đại học có không ít tân cử nhân báo chí đã "vỡ mộng" khi tấm bằng đại học không đủ đáp ứng nhu cầu của các cơ quan tòa soạn. Nhiều em thử việc ở nhiều nơi, có thừa đam mê, nhiệt huyết nhưng vẫn không trụ được trong môi trường cạnh tranh, đào thải khốc liệt. Từ góc độ khác, nhà báo Nguyễn Thu Hà – Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thời sự – Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ với khó khăn của cơ sở đào tạo: "Cũng như các tòa soạn, các trường đào tạo sinh viên báo chí cũng phải giải quyết bài toán khó về nghiệp vụ cần đào tạo và tương lai nghề nghiệp của các em".

TS.TRIỆU THANH LÊ – Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông – ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Sinh viên của Khoa được tạo điều kiện để cộng tác với các cơ quan báo chí, truyền thông một cách thường xuyên. Khoa cũng duy trì đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và chuyên gia khách mời là những nhà báo dày dặn kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, luôn sẵn sàng truyền đạt những bài học sinh động về nghề nghiệp và hướng dẫn sinh viên tham gia làm báo ngay từ năm nhất.

TS ĐỖ THỊ THU THUỶ – Trưởng Khoa Viết văn, Báo chí - Đại học Văn hoá Hà Nội

Đào tạo báo chí tại trường cũng đã/đang hướng tới việc khai thác, phát huy thế mạnh đặc thù riêng của khoa, trường: báo chí văn hóa, văn nghệ. Tuy nhiên, nhìn trong tương quan đòi hỏi của thực tiễn báo chí hiện nay, hoạt động đào tạo báo chí tại các trường ĐH nói chung, ĐH Văn hóa HN nói riêng vẫn tồn tại "độ vênh" nhất định nhìn từ "sản phẩm" đào tạo cần khắc phục.

Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân

Hằng năm Báo Quân đội Nhân dân đều tiếp nhận sinh viên của các cơ sở đào tạo báo chí đến thực tập. Chúng tôi thấy sinh viên có kiến thức cơ bản về báo chí khá vững, không bị bỡ ngỡ khi thực tập tác nghiệp. Nhiều em sau khi ra trường đã trở thành các nhà báo giỏi. Từ thực tiễn tại Báo Quân đội Nhân dân, chúng tôi đề nghị cần có sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo ngành báo chí với các cơ quan báo chí truyền thông.

Nhà báo LÊ ANH ĐẠT - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết

Nhà báo Lê Anh Đạt đề xuất: 1. Cho sinh viên tiếp cận với các tòa soạn sớm nhất có thể và thời gian thực tập tại các tòa soạn dài hơn, hiệu quả hơn bằng cách phối hợp giữa tòa soạn và nhà trường trong cách đánh giá thực tập thực chất hơn, có tính ràng buộc cao về điểm số tốt nghiệp, tránh hình thức, đánh trống ghi tên. 2. Tăng số lượng giảng viên đứng lớp là các nhà báo, các nhà quản lý báo chí, chuyên gia truyền thông để cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn báo chí.

Bài toán giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo báo chí

Trong bối cảnh nêu trên, nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo báo chí là phải tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn ở cả 3 yếu tố phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng một cách toàn diện, chuyên nghiệp. Mô hình chung hiện tại trong đào tạo báo chí truyền thông là gắn chặt giữa các lý luận nền tảng với thực hành nghề nghiệp và công nghệ đa phương tiện. Các trường luôn nỗ lực tìm cách rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn trong công tác đào tạo. Hầu hết các trường thời gian qua đều điều chỉnh tăng lượng thực hành. Có những môn, thời lượng thực hành chiếm tới 2/3 chương trình. Nhiều hoạt động thực tế, thực tập, ngoại khoá cũng hỗ trợ tích cực cho sinh viên nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

Khẳng định vai trò quan trọng của cả lý thuyết và thực hành, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, "sinh viên buộc phải nắm vững lý thuyết và có tác phẩm/ sản phẩm thực hành cụ thể, với yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiến độ hoàn thành. Ngoài thực tế chính trị xã hội, thực tập năm ba và thực tập tốt nghiệp, sinh viên được thực hành nghề nghiệp qua từng môn học, tham gia các dự án và hoạt động tại Báo chí Trẻ, Truyền thông Trẻ, các Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông CJC, Báo chí điều tra...".

Tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), kể từ năm 2017, cấu trúc chương trình đào tạo ngành Báo chí được thiết kế theo chuẩn CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate). TS Triệu Thanh Lê – Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông chia sẻ quan điểm mấu chốt là "lấy năng lực nghề nghiệp làm trung tâm. Thời lượng dành cho thực hành được tăng lên. Các môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành được thiết kế và đánh giá kết quả dựa trên việc thực hiện các tác phẩm báo chí".

Chương trình đào tạo ở mỗi cơ sở đào tạo có những điểm nhấn riêng tùy theo điều kiện, năng lực, thế mạnh… của cơ sở đào tạo đó. Hầu hết các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay không phân chia chuyên ngành theo từng loại hình như trước, mà chuyển qua hướng tích hợp, nghĩa là trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng sản xuất trong tất cả các loại hình báo chí. Riêng tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia thành nhiều chuyên ngành nhỏ: báo in, ảnh báo chí, phát thanh, truyền hình, quay phim truyền hình, báo mạng điện tử để đáp ứng đầu ra có tính chuyên sâu, tuy nhiên chương trình đào tạo vẫn đảm bảo sinh viên được học kỹ năng tổng hợp. Đây cũng là trường duy nhất tổ chức thi năng khiếu báo chí bao gồm cả phần trắc nghiệm và tự luận, tự ra đề, tự chấm thi. Còn các trường ĐH Văn hoá Hà Nội, ĐH Văn hoá Nghệ thuật Quân đội phát huy thế mạnh đặc thù về báo chí văn hóa, văn nghệ. Nói về vấn đề này, TS Đỗ Thị Thu Thuỷ – Trưởng Khoa Khoa Viết văn, Báo chí – Đại học Văn hoá Hà Nội cho biết đào tạo báo chí tại trường những năm gần đây được thực hiện với hàng loạt những việc làm cụ thể: "điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo; tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác với các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực báo chí truyền thông để mở rộng cơ hội thực tế, thực tập, cộng tác cho sinh viên; mở các lớp đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ báo chí; tổ chức các hội thảo, tọa đàm…".

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên có tư duy tốt, tích cực cộng tác với các cơ quan báo chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhanh chóng thích ứng với môi trường báo chí hiện đại. Đồng thời, hoạt động đào tạo báo chí tại các trường ĐH nói chung vẫn tồn tại những điểm yếu cho khả năng của sinh viên: khả năng tác nghiệp chưa chuyên nghiệp; khả năng làm chủ và ứng dụng công nghệ chưa cao; thiếu các kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…; trình độ tin học, ngoại ngữ chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Tại nhiều trường, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp chậm tiến độ do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ - tiếng Anh là rất cao.

Có nhiều thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo về giảng dạy báo chí: cơ chế, người học, chất lượng giảng viên, chương trình giảng dạy, hệ thống cơ sở vật chất… Ví dụ, đào tạo nghiệp vụ báo chí vốn cần sự linh hoạt, sinh động về phương pháp nhưng giảng viên phải theo thời gian quy định, ra chơi và vào lớp phải đúng giờ; việc cho sinh viên đi thực tế cần báo cáo, thủ tục phức tạp; việc mời nhà báo, chuyên gia giảng dạy khó khăn vì ít người tham gia, kinh phí hạn hẹp; cơ sở vật chất chưa đầy đủ và hiện đại đáp ứng hoạt động thực hành của sinh viên…

Nhìn nhận vấn đề này, nhà báo Lê Anh Đạt – Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho rằng "Báo chí là nghề có tính thực tiễn rất cao. Ngay cả các cơ quan báo chí, hằng ngày tiếp xúc với công nghệ làm báo và công chúng vẫn luôn phải chuyển mình để phù hợp với thực tiễn báo chí và sự thay đổi thói quen của công chúng. Bởi vậy, cơ sở đào tạo báo chí sẽ còn có "độ trễ" nhất định so với thực tiễn bởi tính ổn định của lý thuyết, giáo trình, và mô hình...".

 Nhà báo Nguyễn Hải Hồng – Tổng Biên tập Tạp chí Bảo hiểm Xã hội cũng cùng quan điểm trên: "Trong những năm gần đây, các cơ sở đào tạo báo chí đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo. Sinh viên báo chí được truyền thụ những kiến thức cơ bản và được hướng dẫn cụ thể cách thức làm báo hiện đại. Có nhiều chương trình và sân chơi được tạo ra để cho sinh viên báo chí tập làm nghề "cầm tay chỉ việc". Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, xu hướng tiếp cận thông tin của công chúng báo chí có nhiều thay đổi, nên cách tiếp cận và thể hiện tác phẩm báo chí cũng khác xa cách làm báo truyền thống. Trong khi đó, các giáo trình đào tạo báo chí chưa thay đổi kịp. Việc sinh viên báo chí nắm vững lý thuyết là rất quan trọng nhưng rất cần thực hành, học cách làm việc nhóm, tư duy phân tích, phản biện, nhìn nhận một sự việc dưới nhiều góc độ..."

Vai trò của các cơ quan báo chí trong đào tạo nguồn nhân lực trẻ

Đào tạo nhân lực trong nhà trường không thể tách rời hoạt động của cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí rất tích cực trong công tác liên kết đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí cho sinh viên. Theo chia sẻ của Đại tá Đỗ Phú Thọ - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, "hằng năm, Báo đều tiếp nhận sinh viên của các cơ sở đào tạo báo chí đến thực tập". Báo cũng phối hợp thành lập câu lạc bộ đọc báo Quân đội Nhân dân, cử nhà báo tham gia công tác giảng dạy và tập huấn nghiệp vụ cho sinh viên, trao học bổng cho sinh viên, phối hợp tổ chức và tài trợ các sự kiện, giải thưởng báo chí cho sinh viên… Hoặc ĐH Văn hoá Nghệ thuật Quân đội có lớp Báo chí quân sự Lào, Báo đã đón đoàn đến thực tế, đăng tải các bài viết cộng tác đầu tiên bằng tiếng Việt cho các học viên của lớp.

Mặt khác, nhiều báo đã có các hình thức phối hợp nhưng chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể về vấn đề thực tập, mặc dù có thay đổi, nhưng hình thức thực tập của sinh viên như hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Một số cơ quan báo chí từ chối hoặc nhận sinh viên thực tập một cách miễn cưỡng, có nơi nhận nhưng để sinh viên tự xoay sở, việc hướng dẫn và cho điểm thực tập chưa chặt chẽ… Ví dụ, nhiều cơ quan báo chí vẫn phản ánh về việc sinh viên không có ý thức tốt, nghiệp vụ kém…, nhưng khi nhận xét vào sổ thực tập vẫn đánh giá tích cực, cho điểm rất cao. Nói như nhà báo Lê Anh Đạt là việc "hình thức, đánh trống ghi tên"

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: do cơ quan báo chí phải nhận nhiều đợt sinh viên của nhiều trường khác nhau; do không đủ nhân lực hướng dẫn; do sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với cơ quan báo chí chưa tốt; do ý thức của sinh viên chưa cao… Một số nhà báo cũng biện luận rằng do họ "thương sinh viên", "không nỡ", "tạo điều kiện"… Chính điều đó đã góp phần tạo tâm lý ỉ lại cho sinh viên, không công bằng với sinh viên giỏi, tích cực, và gây khó khăn cho cơ sở đào tạo trong đánh giá thực chất kết quả thực tập.

Nhà báo LÊ QUỲNH TRANG – Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô

Nhà báo Lê Quỳnh Trang kiến nghị: Thứ nhất, các nhà trường cần tiếp tục nghiên cứu các môn học mang tính ứng dụng cao hơn, học viên cần được đào tạo cả về công nghệ số một cách thực chất để có thể tác nghiệp trong môi trường báo chí số. Thứ hai là vấn đề đạo đức báo chí cần được rèn luyện để các nhà báo tương lai nằm lòng, buộc phải tuân thủ như một nguyên tắc quan trọng nhất khi làm nghề báo.

Nhà báo NGUYỄN THU HÀ – Phó Trưởng ban Thời sự – Đài Truyền hình Việt Nam

Nhà báo Thu Hà đưa ra quan điểm: Có lẽ chính các chuyên gia nghiên cứu tại các trường Đại học, các thầy cô nên đưa chủ đề thảo luận về tương lai nào cho báo chí, các nghiệp vụ của một nhà báo cần có trong thời đại số, làm thế nào để cạnh tranh thành công và giành lại ưu thế so với mạng xã hội. Tôi tin rằng chính các bạn trẻ, những công dân sinh ra và lớn lên trong thời đại 4.0 sẽ tìm được lời giải tốt hơn chúng ta. Theo đó các trường nên tăng tỷ trọng các giờ học seminar, thảo luận, với những dẫn chứng của báo chí đương đại. Gia tăng các buổi học với các nhà báo có kinh nghiệm trong và ngoài nước, kể cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Nhà báo NGUYỄN HẢI HỒNG – Tổng Biên tập Tạp chí Bảo hiểm Xã hội

Nhà báo Hải Hồng cho rằng: nên chăng, các cơ sở đào tạo báo chí ký kết chương trình hợp tác với các toà soạn báo, gửi sinh viên báo chí từ năm thứ 2 đến thực tập, và có đánh giá qua tác phẩm báo chí được đăng tải. Các cơ quan báo chí hiện nay gần như đều hoạt động tự chủ kinh tế. Vì thế các trường cũng nên tăng cường thời lượng đào tạo bộ môn kinh tế báo chí, để sinh viên khi ra trường đi làm vững vàng khi tác nghiệp, phân định rõ ranh giới hoạt động nghiệp vụ báo chí và cách thức tăng nguồn thu cho đơn vị, không bị đi sai đường, bị "bẫy", "mua chuộc" hay tai nạn nghề nghiệp...

Nhà báo BÙI THỊ THANH HƯƠNG – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc

Nhà báo Thanh Hương gợi ý: Thực tế, khi đứng trước lựa chọn phóng viên trẻ, các Tòa soạn sẽ căn cứ vào những kiến thức về xã hội, kinh tế, cách thể hiện quan điểm và phản xạ khi xử lý tình huống, kĩ năng công nghệ, trình độ ngoại ngữ… bên cạnh các kĩ năng báo chí. Hay như Tạp chí sẽ là những kiến thức căn bản về lĩnh vực chuyên môn để có thể phát triển, bồi dưỡng sau này. Do vậy, để đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, cơ sở đào tạo báo chí có vai trò quan trọng không chỉ đào tạo chuyên môn ngành Báo chí, mà còn là cầu nối để sinh viên tiếp cận tới các lĩnh vực khác; thúc đẩy tinh thần học hỏi đa dạng, liên tục để làm nền tảng cho hoạt động báo chí sau này.

Bà NGUYỄN THỊ VŨ ANH - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên

Nhà báo Vũ Anh chia sẻ hai kiến nghị để có sự hợp tác tốt giữa cơ sở đào tạo và cơ quan báo chí: 1. Cần quan tâm tăng cường quan hệ hợp tác đào tạo (ký quy chế hợp tác, kế hoạch hợp tác…), hạn chế để sinh viên tự đi liên hệ thực tập gây khó khăn cho cả sinh viên và cơ quan báo chí. 2. Nội dung, yêu cầu thực tập cần được xem xét phù hợp với từng đợt sinh viên đi thực tập nhưng để thực chất thì ngoài yêu cầu thực hiện tin, bài, sinh viên cần có các báo cáo thực tập chuyên sâu vào một vấn đề thực tiễn của cơ quan báo chí nơi mình thực tập; đề xuất những vấn đề mình quan tâm.


Nhà báo LÊ MỸ ÁI LINH – Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News

Nhà báo Ái Linh cho biết: Báo điện tử VTC News đang trong quá trình đẩy mạnh xây dựng mô hình toà soạn đa phương tiện, phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương thức. Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo đang phải nỗ lực "tự chuyển đổi" về tư duy, phương pháp sản xuất, phân phối nội dung và cả kinh doanh các sản phẩm truyền thông. Bên cạnh việc tự đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, chúng tôi cũng mong muốn và sẵn sàng đón nhận, cộng tác với các đồng nghiệp trẻ được đào tạo chính quy, bài bản, đa kỹ năng từ các cơ sở đào tạo báo chí uy tín trong nước.

Giải pháp cần đi vào thực tiễn

Các cơ sở đào tạo muốn đạt được chất lượng đào tạo đáp ứng thực tiễn báo chí, không bị rơi vào tình trạng "đào tạo cái mình có", mà không phải là "cái đối tượng cần", nhìn từ góc độ của nhà tuyển dụng, theo ý kiến của các lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ bản có những đề xuất về chuẩn hoá chương trình, đội ngũ giảng viên, tăng thực hành, đầu tư kỹ thuật công nghệ, và hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần thúc đẩy sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với cơ quan báo chí./.

(Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT chào mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021).

Bài liên quan
  • Năm 2024, 28 cơ quan báo chí đạt "Xuất sắc" về mức độ chuyển đổi số
    Kết quả đánh giá, xếp hạng này là cơ sở để các cơ quan báo chí theo dõi lộ trình thực hiện chuyển đổi số hằng năm của đơn vị, từ đó các cơ quan báo chí xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số phù hợp với đặc thù và mục tiêu hướng tới của đơn vị.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo sinh viên báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO