“Đập đi làm lại” nền tảng Gotadi vì không muốn thị trường du lịch trực tuyến rơi vào tay nước ngoài

Nguyễn Khiêm| 04/11/2022 07:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Từng đổ 1 triệu USD để xây dựng Gotadi vào thời điểm 2014 và thất bại sau 3 năm ra đời, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, đơn vị phát triển ứng dụng Gotadi thừa nhận từng muốn dừng lại và rời bỏ thị trường du lịch trực tuyến.

Tuy nhiên, với quyết tâm xây dựng sản phẩm của người Việt và không để thua ngay trên sân nhà, ông Đức đã quyết định "làm lại" Gotadi, cạnh tranh thông qua những lợi thế mà doanh nghiệp (DN) nước ngoài không thể có được.

Ngành du lịch Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Báo cáo của Google và Temasek cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến năm 2025 lên tới 9 tỷ USD. Theo nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu bán hàng du lịch trực tuyến tại Việt Nam sẽ duy trì mức độ tăng trưởng 12% trong giai đoạn 2015 - 2020. Mặc dù vậy, ngành du lịch Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả trong giai đoạn bình thường mới.

Lý giải cho điều này, chia sẻ tại một sự kiện được tổ chức mới đây, theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, đơn vị phát triển ứng dụng Gotadi cho biết, nguyên nhân đầu tiên đến từ lượt khách người nước ngoài đến Việt Nam, đối tượng đem lại nguồn thu trọng điểm cho ngành. Trước dịch, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 20 triệu lượt khách và họ tiêu tiền rất mạnh. Tuy nhiên 8 tháng đầu năm, Việt Nam đón 1,4 triệu lượt khách nước ngoài, chưa đến 1/10 con số trước dịch. Bởi vì, nhiều quốc gia còn đóng cửa (Trung Quốc) hoặc mở nhưng chỉ mở "he hé" (Hàn Quốc, Nhật Bản…). Chưa kể, mối quan hệ căng thẳng giữa Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao và đồng Euro rớt giá mạnh (đã giảm kỷ lục hơn 20%) khiến người dân châu Âu hạn chế đến Việt Nam.

"Trong khi đó, khách từ Nga, Hàn, Trung Quốc, Đài Loan những năm qua là đối tượng du lịch chính của nước ta. Nhìn như vậy để hiểu được, ngành du lịch còn cực kỳ khó khăn", ông Đức bày tỏ.

Chưa kể, DN trong ngành còn đang đối mặt khó khăn về nhân sự. Khi trước dịch, thị trường có khoảng 2 triệu người lao động, thì hiện nay họ chuyển sang làm chuyện khác. Nhiều thử thách khiến loạt khách sạn vẫn còn đóng cửa… 

Một khó khăn khác đến từ việc thị trường du lịch trực tuyến gần như bị các OTA (Online Travel Agent, đại lý du lịch trực tuyến) nước ngoài độc chiếm. Số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM) thể hiện các OTA toàn cầu như Agoda, Booking, Traveloka, Expedia… chiếm tới 80% thị phần du lịch trực tuyến Việt Nam. Phần lớn du khách quốc tế và không ít du khách nội địa đều sử dụng dịch vụ của OTA nước ngoài.

Khảo sát nhiều khách sạn lớn cũng ghi nhận tỷ lệ đặt phòng từ kênh OTA chiếm 40 - 60% tổng doanh thu, chủ yếu là OTA nước ngoài. Các chủ khách sạn Việt Nam đang phải trả phí đặt phòng qua trang OTA nước ngoài 30%, thậm chí tới 38%. Đó cũng là lý do tại sao HG Holdings đã phải "đập đi xây lại" Gotadi thay vì từ bỏ cuộc chơi, để mặc hoàn toàn thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Quyết tâm xây dựng sản phẩm Việt để không thua trên sân nhà

Theo ông Đức, nhận thấy thế giới sẽ chuyển lên môi trường số, HG Holding đã quyết định cho ra mắt Gotadi lần đầu tiên vào tháng 10/2014 trong bối cảnh trên thị trường có rất nhiều OTA nước ngoài với những lợi thế: Vượt trội về mặt công nghệ do đã có nhiều năm phát triển; Hơn hẳn về vốn đầu tư và kinh nghiệm; Chưa bị quản lý chặt chẽ như DN Việt Nam.

Với quyết tâm của người sáng lập và đội ngũ lãnh đạo, Gotadi đã thực hiện chuẩn theo các giai đoạn: Thuê tư vấn về công nghệ cho dự án; Lựa chọn công nghệ và đối tác Ấn Độ cung cấp giải pháp sản phẩm; Đầu tư xây dựng và phát triển website du lịch trực tuyến Gotadi.com. Mặc dù vậy, dự án Gotadi đã thất bại sau 3 năm đầu tư với hơn một triệu USD.

Về nguyên nhân thất bại, ông Đức cho rằng có 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên là tại thời điểm đó, do nền công nghiệp phần mềm tại Việt Nam thời điểm đó chủ yếu là gia công, chưa có ADN tập trung phát triển sản phẩm. Nguyên nhân thứ 2 là khi làm về sản phẩm công nghệ, khi làm sai là bỏ nền tảng đó đi luôn chứ không dùng được cho những hướng phát triển khác. Cuối cùng đến từ việc chọn đối tác phát triển sản phẩm (outsource) dẫn đến Gotadi không làm chủ được công nghệ và bị phụ thuộc.

Tại thời điểm đó, ông Đức cho biết đã có nhiều đêm thức trắng để suy nghĩ và dự định từ bỏ cuộc chơi. Khi đó, ông Nguyễn Thanh Hưng (cựu Chủ tịch VECOM) đã đến văn phòng và nói rằng, nếu HG Holding không làm Gotadi thì thị trường du lịch trực tuyến sẽ mãi phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài. Bởi vì, những DN du lịch có tiềm lực tài chính như Sài Gòn Tourist là đơn vị nhà nước nên sẽ không dễ dàng tham gia thị trường này, còn lại đa phần là những công ty vừa và nhỏ, không có nhiều chi phí.

“Đập đi làm lại” nền tảng Gotadi vì không muốn thị trường du lịch trực tuyến rơi vào tay nước ngoài - Ảnh 1.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings: Mục tiêu của HG Holdings và Gotadi là quyết tâm xây dựng được sản phẩm của người Việt cho người Việt cũng như lòng tự tin dân tộc, không để thua ngay trên đất nước mình. (Ảnh: diendandoanhnghiep.vn)

"Để rồi, năm 2017, chúng tôi đã quyết định thiết kế và xây dựng lại nền tảng Gotadi, thay vì phụ thuộc vào nước ngoài như trước. Cuối cùng, sản phẩm đã hoàn thành vào cuối năm 2019, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên phải đến năm 2022 mới có thể chính thức ra mắt. Mục tiêu của HG Holdings và Gotadi là quyết tâm xây dựng được sản phẩm của người Việt cho người Việt cũng như lòng tự tin dân tộc, không để thua ngay trên đất nước mình", ông Đức bày tỏ.

Kế hoạch của Gotadi là có khoảng từ 5.000 - 10.000 giao dịch trên hệ thống mỗi ngày. Trong thời gian tới, Gotadi hướng tới 3 mục tiêu chính. Đầu tiên là đặt khách hàng là trung tâm, đáp ứng mọi nhu cầu du lịch từ vé máy bay, khách sạn, bảo hiểm, thuê xe toàn cầu cho đến các dịch vụ khác. Tiếp theo, trải nghiệm sử dụng trên nền tảng sẽ phải "mượt như sản phẩm của Apple". Cuối cùng là mong muốn người dùng không cần phải gọi điện cho đội ngũ chăm sóc khách hàng mà sẽ được hỗ trợ ngay lập tức.

Hiện nay, Gotadi đã xây dựng hệ thống tự động hóa các quy trình như tìm kiếm, đặt vé, thanh toán, xuất vé… mà không có yếu tố con người. Đây là điều mà ngay cả những nền tảng nước ngoài cũng chưa thể thực hiện được. Mặc dù vậy, theo ông Đức, nền tảng mới chỉ đáp ứng được phần nào đó mục tiêu đề ra, Gotadi đang cố gắng xây dựng hệ thống thông tin quản lý (Management Information System) để có thể tự động hóa gần như toàn bộ mọi quy trình. "Để làm được việc đó, chúng ta cần vẽ toàn bộ chuyển đổi số (CĐS) trong toàn ngành du lịch và Gotadi chỉ là một thành phần trong đó", ông Đức nhấn mạnh.

Nhưng khó khăn nhất hiện nay trong quá trình CĐS là nhiều chủ DN chưa biết mình cần làm gì để CĐS. Đây là nguyên nhân gây ra thất bại trong quá trình CĐS và làm lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc. Nhất là với công nghệ, nếu làm lại thì sẽ phải bỏ đi toàn bộ, khác với những lĩnh vực khác như khách sạn, nếu không thành công có thể sử dụng để làm căn hộ cho thuê, nhà hàng…

Những khó khăn khác bao gồm công nghệ yếu, sản phẩm chưa tốt, khó cạnh tranh với các công ty công nghệ nước ngoài, cộng thêm việc người dùng chưa thực sự có tinh thần ủng hộ sản phẩm Việt Nam. Cuối cùng, đó là việc chưa có các chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ các DN Việt Nam phát triển thị trường và sản phẩm, nhất là khi phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài có tiềm lực mạnh.

Với Gotadi, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào quá trình CĐS. Đây là mục tiêu cấp thiết ngay cả trước thời kỳ dịch bệnh vì nếu không CĐS, DN sẽ không thể tồn tại được. Gotadi cũng muốn từ câu chuyện của mình có thể chia sẻ và truyền cảm hứng cho các DN Việt Nam khác cùng CĐS.

Để đẩy nhanh quá trình CĐS cho Gotadi, theo ông Đức, cần xây dựng được sản phẩm tốt - tử tế - đặt khách hàng làm trọng tâm, đồng thời xây dựng thói quen cho người dùng Việt Nam rằng Gotadi không có giá rẻ, chỉ có giá đúng. Tiếp theo, để tránh lặp lại thất bại trong quá khứ, Gotadi cần làm chủ công nghệ, xây dựng sản phẩm với công nghệ có thể cạnh tranh với thế giới thông qua việc áp dụng các công nghệ mới nhất, đảm bảo khả năng mở rộng (scalable)…

Mở "cánh cửa liên thông" giữa các DN để cùng xây dựng hệ sinh thái

Hiện nay, thông qua các nền tảng, Gotadi đang cung cấp đa dạng các dịch vụ, từ máy bay, khách sạn cho đến các tour. Theo đó, đối với dịch vụ vé máy bay, Gotadi đã kết nối API với 4 hãng hàng không nội địa (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines), 54 hãng hàng không quốc tế đến Việt Nam cùng hơn 900 hãng hàng không trên toàn thế giới. Hay với dịch vụ khách sạn, hệ thống đã kết nối với hơn 6.000 khách sạn trong nước, hơn 400.000 khách sạn quốc tế kết hợp cùng dịch vụ tour trong nước, nước ngoài, teambuilding, gói vé máy bay với khách sạn (Free & Easy).

Để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, theo ông Đức, Gotadi phải có sản phẩm tốt, mô hình tốt, chiến lược marketing thông minh để có thể tạo ra những lợi thế mà DN nước ngoài không có được. Sau đó, phải tạo ra cộng đồng hệ sinh thái các sản phẩm của người Việt Nam, hỗ trợ lẫn nhau, giống như cách mà các công ty Hàn Quốc khi mở rộng sang thị trường nước ngoài. Tiếp theo, cơ quan quản lý cần có các chính sách ủng hộ cho các DN nội cũng như sự ủng hộ của truyền thống/người dùng Việt sử dụng và ủng hộ các sản phẩm của Việt Nam.

Trong đó, với đối tượng khách hàng DN, Gotadi đã ra mắt Nền tảng quản trị du lịch và tăng trưởng Gotadi BTM vào đầu tháng 9/2022. Từ đó, giúp DN giải bài toán về sự minh bạch và tối ưu hóa ngân sách, đặc biệt trong hoạt động quản trị du lịch và đi lại. Bởi lẽ với số lượng nhân sự ngày càng lớn, kế hoạch kinh doanh luôn có sự thay đổi, chủ DN sẽ gặp khó trong việc quản lý.

Ngoài ra, các cấp quản lý khó kiểm soát được lịch trình công tác của nhân viên do làm việc thủ công và không có quy trình chuẩn, gây mất thời gian lên kế hoạch và phê duyệt. Hay đối với nhân viên, vấn đề lớn nhất trong mỗi chuyến công tác là thiếu sự chủ động, hầu như phải phụ thuộc hoàn toàn vào phòng hành chính và các đơn vị hỗ trợ đặt vé.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu công việc, nhân sự cũng có nhiều hoạt động cho chuyến công tác nên gặp khó khăn trong việc quản lý và giải trình hóa đơn, công tác phí.

Những nỗi đau đó của các DN là lý do để HG Holdings ra mắt nền tảng Gotadi BTM, một giải pháp mới của startup Gotadi, giúp DN kiểm soát, tối ưu hóa và hợp lý hóa chi phí, thậm chí tiết kiệm được 20% chi phí đi lại, nhờ năm tính năng đặc biệt: Tự đặt, xuất vé đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng; Công nghệ vượt trội, bảo mật với hệ thống 4.0 hoàn toàn tự động và dữ liệu khách hàng được bảo mật trên AWS; Dễ dàng kiểm soát, tối ưu và tường minh chi phí cho DN; Chủ động quản lý chi phí; Chăm sóc khách hàng 24/7. Đặc biệt, Gotadi BTM cho phép DN có thể xuất hóa đơn.

"Gotadi BTM không chỉ mang lại sự tối ưu về chi phí. Chúng tôi mong muốn nhân sự của các công ty chủ động hơn, năng động hơn, tìm thấy niềm vui trong mỗi chuyến công tác. Còn đối với các chủ doanh nghiệp, chúng tôi cam kết đồng hành để cùng chuyển đổi số toàn diện, chuyển hóa và phát triển lên tầm cao mới", ông Đức chia sẻ.

Đồng thời, Gotadi đã đấu nối giao diện lập trình ứng dụng (API) trực tiếp với nhiều đối tác lớn cũng đồng thời là khách hàng của Gotadi trong các lĩnh vực như ngân hàng, hàng không, thương mại điện tử, ví điện tử... Theo ông Đức, điều này giúp mở "cánh cửa liên thông" giữa các đơn vị trong ngành. Đây cũng là một trong số chiến lược mà Gotadi quyết tâm theo đuổi để có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Còn khách hàng cá nhân, Gotadi đã học và áp dụng các chính sách thông minh để có thể chiếm lĩnh thị trường thông qua kinh nghiệm từ chiến tranh Việt Nam (địa đạo Củ Chi) bằng cách tận dụng các hệ thống "bên dưới" theo mô hình B2B2C (mô hình kinh doanh hợp tác giữa các DN để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng). Cụ thể, Gotadi đã tích hợp và bán hàng trên các trang web thương mại điện tử và ứng dụng ngân hàng… Nền tảng cũng "biến" hàng triệu người kinh doanh online trên môi trường Internet trở thành các đại lý của mình.

Đánh giá về các quy định hiện nay đối với thị trường du lịch trực tuyến, theo ông Đức, đang tạo ra sự bảo hộ ngược giữa DN nội và ngoại, khi các đơn vị nước ngoài không phải thường xuyên báo cáo, không phải chịu thanh tra… như đơn vị trong nước. Gotadi mong muốn tạo ra sự bình đẳng để có cạnh tranh sòng phẳng. Bởi vì, theo ông Đức, Gotadi và các sản phẩm Việt khác như Vingroup, FPT… đã có thể làm chủ về công nghệ và tự tin không thua so với DN ngoại.

"Tôi tin rằng, các DN nước ngoài có thể dẫn đầu tạm thời nhưng về lâu dài, các đơn vị trong nước sẽ giành lại thị phần và dành chiến thắng sau cùng. Điều này có thể rất khó nhưng không có nghĩa chúng ta không làm được, giống như cách Tesla đang vượt qua các ông lớn có truyền thống lâu đời trong lĩnh vực ô tô", ông Đức kết luận.

Lời khuyên cho các startup trong lĩnh vực du lịch, theo ông Đức, thị trường hiện nay đã quá chật chội và không dễ dàng cho các công ty khởi nghiệp vì tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ. Đó cũng là lý do tại sao không nhiều đơn vị lữ hành, chủ khách sạn… tham gia vào thị trường này, nhất là khi họ đều là các DN nhỏ và vừa./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2022) 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Đập đi làm lại” nền tảng Gotadi vì không muốn thị trường du lịch trực tuyến rơi vào tay nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO