"Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt": cuốn sách khảo cứu công phu

N.N| 17/06/2020 10:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Tác phẩm "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt" của tác giả Lê Minh Quốc được Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP Hồ Chí Minh xuất bản quý II-2020.

Ấn phẩm bao gồm 5 chương: Vua Hùng và Tứ bất tử, Các vị tổ ngành nghề Việt Nam, Những danh tài sáng tạo tiên phong, Vài cột mốc khơi dòng nghệ thuật hiện đại Nước non nặng một lời thề.

Cuốn sách không đơn giản thuật lại truyền thuyết các bậc tiền nhân đã có công khai sinh, gây dựng, phát triển đất nước, dân tộc Việt như: Vua Hùng, Thánh Tản Viên, Đức Thánh Gióng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử; các vị tổ ngành nghề mộc, ngân khố, dệt lụa, thêu thùa, dệt chiếu, đúc đồng, in ấn, ca hát; những người tiên phong trong các ngành nghề mới du nhập vào Việt Nam như kéo xe, làm đèn, tráng gương, làm diêm, làm mũ, hồ là quần áo... thật sự là những công trình sưu tầm, khảo cứu công phu và có bề sâu.

Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt cuốn sách khảo cứu công phu - Ảnh 1.

Cuốn sách "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt" của tác giả Lê Minh Quốc

Sách cũng đề cập câu chuyện về những danh tài sáng tạo tiên phong thời cận, hiện đại như Cao Thắng, Trương Vĩnh Ký, Bạch Thái Bưởi, Cao Văn Lầu, Phan Khôi, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch... Mỗi nhân vật mỗi dáng vẻ, cốt cách, công đức, nhưng toát lên điểm chung về trí tuệ, vẻ tinh anh, nét văn hóa độc đáo của người Việt trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Tác giả chiêm nghiệm: "Khi khảo sát về ngành nghề, các vị Tổ nghề hoặc các nhân vật tiên phong trong lĩnh vực đó thì cũng là lúc ta thấy được sự phản chiếu, các giá trị văn hóa, tinh thần văn hóa của một dân tộc...".

Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt là một công trình khảo cứu đề cập đến nhiều tên tuổi lớn, nhiều ngành nghề mà cho đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau trong việc xác định ai là "tổ nghề", về hành trạng của những người có công khai phá và phát triển, về thời gian ngành nghề đó được du nhập vào nước ta…

Vì vậy, những tranh luận liên quan đến cuốn sách là điều khó tránh khỏi. Tác giả Lê Minh Quốc nhận thức rõ hơn ai hết về điều này và vẫn quyết tâm dấn thân với tinh thần "mình cứ tâm huyết mà viết, có tranh luận càng tốt". 

Quá trình tìm tòi, khám phá nền văn hóa của dân tộc giúp anh thêm vững tin thực hiện ý nguyện của mình khi "sung sướng nhận ra người Việt mình cực kỳ cầu tiến và luôn có suy nghĩ tích cực là một khi tiếp thu giá trị văn hóa mới bao giờ cũng chọn lọc, cải tiến, nâng cao những gì mình đã có; nếu chưa có thì làm theo nhưng vận dụng phù hợp với tâm lý, tính cách của dân tộc mình, tùy vào điều kiện thực tế".

Xuyên suốt cuốn sách, từng bài viết đều được minh họa sinh động bằng rất nhiều hình ảnh, (trong đó có thể kể đến tranh khắc gỗ của Henri Oger - cựu sinh viên Trường Đại học Sorbonne cùng họa sĩ Việt Nam thực hiện đầu thế kỷ XX…), giúp độc giả hình dung rõ hơn về nội dung được đề cập. Đi cùng với những thông tin, gợi mở hấp dẫn, cuốn sách thực sự là một nghiên cứu thú vị và hữu ích cho độc giả quan tâm đến lịch sử, văn hóa nước nhà.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt": cuốn sách khảo cứu công phu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO