Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo như “ngọn lửa đang âm ỉ cháy”, cần môi trường và “chất xúc tác” thuận lợi
Với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nuôi dưỡng khát khao thay đổi vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Sáng 30/10, Diễn đàn Quỹ Đầu tư ĐMST Việt Nam 2023 với chủ đề “Đổi mới vượt qua thách thức: Chiến lược cho một Việt Nam chuyển đổi” đã diễn ra tại Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc. Sự kiện được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, giao NIC phối hợp cùng Quỹ Golden Gate Ventures tổ chức, để cùng tiếp tục trao đổi, đánh giá các cơ hội đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các nhà hoạch định chính sách, các quỹ đầu tư, cộng đồng khởi nghiệp ĐMST và các chuyên gia, cố vấn đã cùng trao đổi, chia sẻ góc nhìn về tương lai của thị trường đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm 2024. Với sự tham gia của hơn 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư nước ngoài, Diễn đàn hướng tới mục tiêu xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, góp phần tạo lập sức mạnh cho nền kinh tế toàn cầu.
Hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo như một “ngọn lửa đang âm ỉ cháy”
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, bất chấp những khó khăn khó lường của năm 2023, Việt Nam đã thu hút gần 20,21 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhờ có sự ủng hộ vững chắc từ các mối quan hệ giao thương trên trường quốc tế.
Việt Nam nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn FDI và phát triển cơ chế hỗ trợ hệ sinh thái ĐMST và số hóa. Các chính sách và đối tác là chìa khóa giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì đúng hướng theo Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 đến 2030.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho biết: “Có thể nói, chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức, đồng thời cũng có nhiều cơ hội đan xen. Để tận dụng được các cơ hội, chúng ta phải hiểu rất rõ những thách thức đang có. Đó cũng chính là ý nghĩa chủ đề mà chúng tôi lựa chọn trong Diễn đàn năm nay: “ĐMST vượt qua thách thức: Chiến lược cho một Việt Nam chuyển đổi”/ “Innovating Through Adversity: Strategies for a Transformative Vietnam”.
Báo cáo Chỉ số ĐMST Toàn cầu (GII) năm 2023 đã chỉ ra rằng, trong năm qua tuy tốc độ và tổng giá trị giao dịch đầu tư mạo hiểm có sự suy giảm đáng kể, nhưng số lượng giao dịch lại tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng chi tiêu cho R&D từ cả khu vực Chính phủ và khu vực tư nhân trên toàn cầu tiếp tục tăng lên theo giá trị thực và vẫn đạt mức cao trong lịch sử. Làn sóng ĐMST của thời đại chuyển đổi số (CĐS) và khoa học chuyên sâu đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển của các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế, năng lượng.
Những điều này cho thấy, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo như một “ngọn lửa đang âm ỉ cháy”, chỉ cần môi trường và “chất xúc tác” thuận lợi là có thể bùng lên mạnh mẽ. Việt Nam đang kiến tạo môi trường và những yếu tố thuận lợi cho ĐMST nói chung và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.
Về mặt chính sách, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp, hướng đến trở thành một hệ sinh thái năng động trong khu vực. Đảng và Nhà nước đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 với động lực chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, ĐMST và CĐS.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chủ trương về thúc đẩy khoa học công nghệ, ĐMST và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Trong đó, tập trung vào 3 đột phá chiến lược: hệ thống thể chế; nguồn nhân lực, đặc biệt biệt là nhân lực chất lượng cao; và cơ sở hạ tầng.
Việt Nam đang viết nên một trang mới về tốc độ tăng trưởng mà các thị trường khác sẽ học hỏi
Không giống nhiều thị trường tăng trưởng khác trên thế giới và đặc biệt ở châu Á, Việt Nam đã vạch ra chiến lược thành công của riêng mình, tận dụng tầm nhìn dài hạn về tăng trưởng và sự linh hoạt để thích ứng với môi trường kinh tế đang thay đổi nhằm tạo ra khả năng phục hồi trước những biến động thách thức của năm 2023.
Kể từ năm 2018, với tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các trung tâm sản xuất lớn trên thế giới đã dần chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam, với đà tăng không ngừng từ năm 2021 đến nay. Điều này được thúc đẩy nhờ vào việc Việt Nam tập trung tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện, vị trí chiến lược là cửa ngõ vào các thị trường đang phát triển nhanh khác, nguồn lao động dồi dào và có tay nghề, chi phí lao động cạnh tranh và nhiều chính sách ưu đãi.
Đây là những yếu tố hấp dẫn đối với các công ty muốn mở rộng sản xuất trong khu vực, là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu mới nổi lên gần đây. Khi các trung tâm sản xuất trên thế giới đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu, lấy hoạt động sản xuất là trung tâm, Việt Nam hoàn toàn có triển vọng trở thành trung tâm sản xuất mới trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2023 cũng đánh dấu một dấu mốc quan trọng của vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu khi tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu với Israel, Trung Quốc, Philippines và Singapore.
Gần đây nhất, Việt Nam cũng đã nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong tăng cường hợp tác song phương. Nhìn chung, các hiệp định thương mại này đã vạch ra một lộ trình dài hạn cho Việt Nam không chỉ với tư cách là một trung tâm sản xuất hàng đầu mà còn là trung tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có giá trị cao.
“Trong một năm đầy thách thức đối với hầu hết các nền kinh tế, Việt Nam đã chuyển hướng phát triển kinh tế sang tốc độ cao, khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á. Với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đang phát triển mạnh mẽ, nuôi dưỡng khát khao thay đổi thế giới của Việt Nam. Việt Nam đặt mình ở vị thế độc tôn, viết nên một trang mới về tốc độ tăng trưởng mà các thị trường khác sẽ học hỏi”, ông Vinnie Lauria, Đối tác sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures cho biết.
Khuyến khích DN Việt niêm yết tại thị trường quốc tế
Hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển hết sức tích cực. Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế (theo Báo cáo Chỉ số ĐMST Toàn cầu 2023) và là một trong ba quốc gia có kết quả ĐMST vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo cũng như số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam vẫn đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị đầu tư đạt 413 triệu USD. Một minh chứng cho đà tăng trưởng ổn định của Việt Nam chính là danh sách các công ty Việt Nam niêm yết tại thị trường quốc tế. Sau sự kiện niêm yết của VinFast và Society Pass vào năm 2023, dự kiến trong 18 tháng tới đây sẽ có các sự kiện niêm yết được kỳ vọng của VNG, TIKI và The CrownX.
“Việt Nam đã nổi lên nhanh chóng không chỉ ở châu Á mà còn trên thị trường toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến các công ty chất lượng có chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ, thành tích tăng trưởng cao. Đó là tín hiệu tích cực với Việt Nam khi đã có một chiến lược rõ ràng về thị trường trong và ngoài nước”, ông Delano Musafer, Giám đốc Thị trường vốn châu Á - Thái Bình Dương (APAC), Sở Giao dịch chứng khoán New York cho biết.
Dự báo 05 lĩnh vực sẽ chi phối tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ Đầu tư ĐMST Việt Nam, NIC và Golden Gate Ventures cũng công bố báo cáo chiến lược phát triển quốc gia: “Con đường dẫn tới thành công: Nhìn lại hành trình phát triển của Việt Nam”. Báo cáo cung cấp thông tin về khả năng đối phó với khó khăn của kinh tế Việt Nam và xem xét những yếu tố tiềm ẩn trong quá trình tăng trưởng của Việt Nam trong vài năm tới.
Theo báo cáo của NIC và Golden Gate Ventures, 5 lĩnh vực chính được dự đoán sẽ chi phối nền tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai bao gồm: Công nghệ y tế, công nghệ tài chính, công nghệ hỗ trợ hậu cần, nền kinh tế xanh và công nghệ giáo dục.
Chi tiêu chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua. Giá trị giao dịch trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kép 15% trong 4 năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của 70% người dân Việt Nam hiện vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng. Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ hỗ trợ hậu cần, các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ cũng đóng vai trò quan trọng.
Bên cạnh đó, đối với kinh tế xanh, Việt Nam đang dẫn đầu trong nỗ lực phát triển năng lượng sạch ở Đông Nam Á với các đổi mới về năng lượng gió và mặt trời. Cuối cùng, lĩnh vực công nghệ giáo dục được đánh giá có đà tăng trưởng tự nhiên, ngày càng thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam./.