Kinh tế số

Cần cơ chế rõ ràng nhằm thúc đẩy các ứng dụng fintech phát triển

NK 05/06/2023 16:13

Sự “hậu thuẫn” từ các ông lớn trong ngành chứng khoán, ngân hàng giúp một số ứng dụng fintech về đầu tư hạn chế rủi ro cho người tham gia. Tuy nhiên, để thúc đẩy thị trường, cơ quan quản lý cần sớm ban hành cơ chế thử nghiệm (sandbox).

Sẽ giúp tận dụng sức mạnh của cả 2 bên

Trong thời đại công nghệ phát triển không ngừng, việc đầu tư và tích lũy đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Với sự ra đời của nhiều ứng dụng đầu tư thời gian qua như Tititada, Fmarket… người dùng Việt Nam có thêm hàng loạt cơ hội tiếp cận kiến thức đầu tư cũng như thị trường chứng khoán một cách dễ dàng, nhanh chóng và hoàn toàn tự động.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã có không ít những lo lắng khi các ứng dụng này gặp khủng hoảng, mất khả năng thanh toán cũng như tính minh bạch của ứng dụng. Do đó, cuối năm 2022, Uỷ ban chứng khoán nhà nước đã đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các ứng dụng (app) giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Trước tình hình này, nhằm đảm bảo tâm lý dài hạn cho nhà đầu tư, một số ứng dụng đã nhanh chóng “bắt tay” hợp tác với các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán đã được Uỷ ban chứng khoán cấp phép thành lập và hoạt động trên thị trường. Điển hình, Tititada đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities), nằm trong hệ sinh thái Ngân hàng VPBank.

Chia sẻ về thương vụ bắt tay này, nhà sáng lập Tititada Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, với việc hợp tác cùng công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường như VPBank Securities, nhà đầu tư có thể yên tâm về tính an toàn, đồng thời có trải nghiệm đầu tư tối giản và dễ dàng. Trước đó, 2 bên Tititada và VPBankS đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược vào ngày 30/3/2023 nhằm mở ra cơ hội kết nối khách hàng và tạo ra các sản phẩm tài chính, tiện ích.

Tititada đóng vai trò cung cấp giải pháp công nghệ cho giao diện đơn giản hơn, thiết kế tối giản cho các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường dễ dàng tìm hiểu về thị trường chứng khoán và đầu tư dài hạn thông qua một thư viện kiến thức đầu tư thông minh.

Hệ thống giao dịch đã được thiết kế với công nghệ tiên tiến để đảm bảo sự an toàn thông tin của nhà đầu tư. Các giao dịch và thông tin cá nhân của người dùng được bảo vệ một cách tuyệt đối.

Cũng theo bà Giang, việc bắt tay giữa VPBank Securities và Tititada đã cho thấy một xu hướng hợp tác chiến lược lâu dài, nhằm tận dụng được sức mạnh của 2 bên và phù hợp với xu thế thị trường. Các công ty tài chính công nghệ (fintech) có thể tập trung vào phát triển các tính năng nhằm tăng trải nghiệm khách hàng một cách nhanh chóng. Trong khi đó, công ty chứng khoán truyền thống tập trung vào các dịch vụ lõi (core) và các sản phẩm tài chính.

"Chúng tôi cũng tin rằng, do trải nghiệm của mỗi nhóm khách hàng có nhu cầu về sản phẩm khác nhau, nên việc kết hợp giữa fintech và công ty chứng khoán là sự kết hợp thế mạnh của hai bên. Từ đó cho ra nhiều trải nghiệm phù hợp và tốt nhất với nhiều nhóm khách hàng", bà Giang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc hợp tác này cũng sẽ giúp giải quyết 2 bài toán cho nhà đầu tư. Thứ nhất nhà đầu tư sẽ mở tài khoản chứng khoán tại công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại với các sản phẩm tài chính đa dạng. Thứ hai nhà đầu tư có thể đo lường rủi ro, tự quản lý danh mục đầu tư của chính mình một cách bài bản.

Thị trường đầu tư và quản lý tài chính tại Việt Nam còn rất tiềm năng

Trước đó, vào tháng 9/2022, ứng dụng đầu tư thông minh Tititada vừa hoàn thành huy động 1,5 triệu USD vòng tiền hạt giống (pre-seed) từ Golden Gate Ventures. Thương vụ này cũng đánh dấu đợt huy động vòng tiền hạt giống có quy mô lớn nhất của một quỹ mạo hiểm vào công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.

Tại thời điểm đó, quỹ Golden Gate Ventures khẳng định, thị trường đầu tư và quản lý tài chính cá nhân ở Việt Nam từ lâu đã được nhìn nhận là đầy tiềm năng và sẽ có những bước tiến đột phá. Thời điểm hiện tại chính là lúc các yếu tố khách quan như dân số trẻ có sự tiếp cận công nghệ cao, sự tăng trưởng thu nhập đầu người, tăng trưởng tầng lớp trung lưu, sự thay đổi trong tư duy đầu tư dài, đang cùng hội tụ. Điều này tạo nên một môi trường tăng trưởng đầy tiềm năng cho Tititada.

Tuy nhiên, với việc thị trường quốc tế và trong nước đều bị ảnh hưởng do lạm phát và những bất ổn từ chiến tranh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường đầu tư tại Việt Nam. Trong thời gian này, Tititada tập trung vào việc phát triển sản phẩm, để có thể tạo thêm giá trị cho khách hàng.

Mặc dù vậy, với khoảng 20 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính và đầu tư tại Việt Nam, bà Giang khẳng định, đầu tư chứng khoán không phải là một hành trình ngắn hạn. Thị trường chứng khoán có tính biến động cao và có thể trải qua các giai đoạn suy thoái hoặc tăng trưởng.

Chưa kể, tại Việt Nam, tỉ lệ hiểu biết tài chính (financial literacy) so với các nước Đông Nam Á còn khá thấp, nhất là tỉ lệ quản lý tài chính cá nhân, hay tham gia đầu tư hoặc hoạch định cho hưu trí. “Do đó, tôi tin rằng tiềm năng phát triển của thị trường đầu tư và quản lý tài chính cá nhân còn rất nhiều”, bà Giang bày tỏ.

Mặc dù ứng dụng đầu tư đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam và Tititada không phải là nền tảng đầu tiên trên thị trường, nhưng đội ngũ phát triển tự tin vào sản phẩm phù hợp với đối tượng mình nhắm đến phục vụ. Đó là giới trẻ, là những người muốn bắt đầu đầu tư nhưng còn ít vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Vì vậy, Tititada đã xây dựng một ứng dụng đầu tư dễ hiểu, dễ sử dụng, và còn tích hợp những kiến thức về quản lý tài chính cá nhân ngay trong nền tảng để có thể cùng đồng hành với người sử dụng.

Cần cơ chế rõ ràng nhằm thúc đẩy các ứng dụng fintech phát triển

Cũng theo bà Giang, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra cảnh báo cho nhà đầu tư trong giai đoạn cuối năm 2022 là một trong những động thái tích cực trong việc phát triển thị trường. Bởi vì, đầu tư là có rủi ro và việc quan trọng nhất nhà đầu tư phải xác định được mức độ rủi ro của mình.

Ở các nước phát triển, hệ thống tài chính đều được quản lý nghiêm ngặt và rõ ràng. Ví dụ tất cả các khuyến cáo mua bán đều phải có thông báo Tuyên bố từ chối trách nhiệm (disclaimer) về việc đầu tư là có rủi ro.

Bên cạnh đó, nhà sáng lập Tititada khẳng định, hiện cần có một cơ chế rõ ràng để thúc đẩy các công ty fintech phát triển. Do lĩnh vực này là nơi tập trung các doanh nghiệp (DN) trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo, mong muốn giải quyết các vấn đề bằng công nghệ và cũng là động lực cho sự phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới.

Trong đó, một trong số những quy định cần ban hành sớm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, hướng dẫn cho các DN và đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý và DN.

Thời gian qua, mặc dù việc chậm ban hành sandbox và quy định liên quan có thể tạo ra một số rủi ro và thách thức đối với các ứng dụng đầu tư thông minh. Do đó, việc sớm ban hành quy định về sandbox và hay có hướng dẫn cụ thể hơn sẽ giúp các công ty fintech thử nghiệm và phát triển các ý tưởng mới, qua đó tạo đột phá để mang lại những sản phẩm và trải nghiệm xuất sắc cho người dùng.

“Giống như quan điểm về đầu tư, đó là luôn có rủi ro và cần phải xác định chiến lược phù hợp. Tương tự về mặt chính sách, tất cả các mô hình, ngành nghề sẽ đều có rủi ro nhất định. Để giải quyết bài toán này, cần xây dựng được cơ chế rõ ràng quản lý triển khai và cho cơ hội, để từ đó tìm cách triển khai, hạn chế rủi ro, nhưng cũng đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển, để không ngừng đưa Việt Nam tăng trưởng và cạnh tranh so voi các nước trong khu vực”, bà Giang nhận định.

Điều này càng được thể hiện rõ ràng hơn khi mà gần đây, số lượng các thương vụ về đầu tư công nghệ ở Việt Nam đang có xu hướng giảm đáng kể so với các nước trong khu vực, khi mà một phần nguyên nhân đến từ sự quan ngại của các quỹ đầu tư.

Về lời khuyên cho các startup, theo nhà sáng lập Tititada, khi muốn tham gia thị trường, dù là trong ngành đầu tư hay không thì đều cần lấy khách hàng là trọng tâm. Như đối với Tititiada việc lấy khách hàng làm trong tâm bao gồm đặt an toàn của nhà đầu tư lên hàng đầu. 

Đối với nhà đầu tư, bà Giang cho rằng, do bất kì ai cần phải đầu tư để tích luỹ tài sản trong dài hạn, chuẩn bị cho một tương lai an toàn tài chính. Việc hiểu mình, hiểu mức độ chấp nhận rủi ro của mình là quan trọng. Do đó, một khi nhà đầu tư biết rõ mục tiêu tài chính, và khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân thì có thể lựa chọn được cách thực hiện phù hợp./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế rõ ràng nhằm thúc đẩy các ứng dụng fintech phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO