Truyền thông

Đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Trâm Anh 08/11/2024 15:09

Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa không chỉ giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam mà còn lan tỏa giá trị truyền thống độc đáo ra thế giới. Đây là cầu nối hiệu quả để đưa văn hóa, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế trên bản đồ toàn cầu.

Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và đa dạng, trải rộng khắp cả nước, với gần 40.000 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và hơn 59.000 di sản văn hóa phi vật thể.

Nhiều di sản quý giá đã được UNESCO vinh danh, không chỉ khẳng định giá trị vô giá mà còn mở ra tiềm năng chuyển hóa thành các sản phẩm, dịch vụ độc đáo. Đây là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, đồng thời nâng tầm thương hiệu và vị thế văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

picture6.png
Nghệ nhân vẽ mặt nạ tuồng cổ Việt Nam ở Hội An. (Ảnh: dsvh.gov.vn)

Tầm nhìn và nỗ lực thúc đẩy phát triển

Hoạt động sản xuất các sản phẩm mang yếu tố văn hóa, bên cạnh việc lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu hằng năm vẫn duy trì sự phát triển tương đối ổn định. Tuy nhiên, văn hóa Việt Nam vẫn chưa đạt được sự nhận diện rộng rãi đối với công chúng quốc tế, chưa thực sự trở thành một thương hiệu đủ mạnh để tạo nên bước đột phá ấn tượng.

Trong khi, hàng hóa văn hóa nước ngoài nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, … ngày càng phổ biến, với sức ảnh hưởng lớn và sự chi phối mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam, việc này đặt ra thách thức lớn cho việc phát triển và lan tỏa giá trị văn hóa quốc gia.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, để xây dựng một đời sống văn hóa vừa sôi động, đa dạng, vừa có chiều sâu với những sản phẩm có giá trị cao cũng như tạo ra một thương hiệu mạnh cho đất nước, góp phần đem lại những lợi ích đa dạng cả về xã hội, kinh tế, văn hóa, chúng ta phải có tầm nhìn chiến lược cũng như những giải pháp phù hợp, không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức để tiềm năng văn hóa Việt Nam có thể biến chuyển thành một ngành công nghiệp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng, tạo ra ưu thế cạnh tranh trong nước và trên trường quốc tế.

picture7.png
Mô hình múa rối nước mini thu hút sự quan tâm của khách phương Tây trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Việt Nam. Ảnh: Hồng Hà

Những năm gần đây, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển, đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức, tạo nên một thị trường văn hóa ngày càng sôi động. Nhiều loại hình, sản phẩm mới đã được tìm tòi, thử nghiệm và trình diễn, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng có chiều sâu.

Nhiều tác phẩm được sáng tạo, đầu tư và dàn dựng công phu, mang tính nghệ thuật cao, đánh dấu sự xuất hiện của những điểm sáng nổi bật trong các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và giải trí.

Một số sản phẩm và dịch vụ nổi bật như “À Ố show”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Ký ức Hội An”, hay chương trình múa rối “Nhịp điệu quê hương” không chỉ tạo ấn tượng sâu sắc mà còn thu hút sự quan tâm của khán giả trong nước và khách du lịch quốc tế.

picture8.png
Xiếc tre Việt là loại hình nghệ thuật Việt Nam được mời lưu diễn quốc tế với hơn 500 suất diễn tại 17 quốc gia. Ảnh: Lune Production

Các sản phẩm văn hóa mang tầm thời đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc đòi hỏi sự chung tay của đội ngũ sáng tạo và trí thức am hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời nắm vững "ngôn ngữ" của thời đại. Việc phát huy tính năng động, nhạy bén của các chủ thể trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa là rất cần thiết, đặc biệt cần nhấn mạnh vai trò của nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài cũng như các nghệ sĩ, trí thức quốc tế đang sinh sống tại Việt Nam.

Đội ngũ này, với vốn văn hóa và kinh nghiệm quốc tế phong phú cùng sự thấm nhuần văn hóa Việt, chính là cầu nối hiệu quả để truyền tải văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới bằng ngôn ngữ quốc tế.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh, người được biết đến với việc lưu giữ nét văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam qua bộ sưu tập búp bê thủ công độc đáo, chia sẻ: “Qua nhiều năm tháng rèn luyện, được đi, trải nghiệm và khám phá, tôi đã tích lũy được nhiều vốn sống để thổi hồn vào những tác phẩm của mình. Tôi luôn mong muốn đưa hình ảnh đất nước mình đến với bạn bè quốc tế, thể hiện niềm tự hào dân tộc”.

Theo đó, mỗi một sản phẩm đều mang sứ mệnh truyền tải văn hóa, là cầu nối đưa sản phẩm của Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đến gần hơn với khách quốc tế.

picture9.png
Búp bê quảng bá vẻ đẹp truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam do Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh sáng tác. Ảnh: Vũ Mừng

Ngoài ra, để đẩy mạnh các sản phẩm và dịch vụ văn hóa phát triển bền vững, cần tăng cường sự tham gia của công chúng vào quá trình hình thành và phát triển. Từng bước xây dựng cộng đồng người tiêu dùng văn hóa trong và ngoài nước thông qua các hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng sản phẩm văn hóa.

Bên cạnh đó, là việc đẩy mạnh vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đơn vị, tổ chức văn hóa nhằm phát triển năng lực hiểu biết, giúp họ trở thành những người tiêu dùng văn hóa chủ động và sáng tạo.

picture10.png
Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2024 được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: H.A

Chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2024” với chủ đề “Hội tụ tinh hoa ngàn năm - Vươn mình trong kỷ nguyên mới” được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Đây là thời điểm 20 nền kinh tế lớn nhất hành tinh và nhiều quốc gia thành viên cùng tụ họp, là cơ hội để các sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam tiếp cận được số lượng lớn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị, qua đó góp phần lan tỏa các nội dung, hoạt động tới người dân Brazil nói riêng và đông đảo bạn bè quốc tế nói chung.

Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đồng thời đẩy mạnh tăng cường kết nối mạng lưới, giao lưu văn hóa quốc tế không chỉ góp phần nâng cao năng lực sáng tạo, biểu diễn của ngành văn hóa Việt Nam mà còn giúp quảng bá hiệu quả hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.

Qua đó, ngành văn hóa không chỉ hội nhập sâu rộng mà còn tiếp thu và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa toàn cầu, khẳng định vị thế văn hóa Việt Nam trong dòng chảy chung của nhân loại./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO