Truyền thông

Đẩy mạnh Chuyển đổi số ngành In

PV 05:44 23/03/2024

Mục tiêu chuyển đổi số ngành in Việt Nam hướng tới là đổi mới toàn diện hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực in theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ

Chiều ngày 22/3/2024, tại Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBIPH), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành In năm 2024.

Chung tay xây dựng ngành in phát triển mạnh mẽ, toàn diện

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhận định: In không chỉ là ngành công nghiệp, nó còn là ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng ảnh hưởng hầu hết các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện nay. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, trên 85% sản phẩm cung ứng trên thị trường đều liên quan đến sản phẩm in. Do đó, các quốc gia muốn đẩy nhanh công nghiệp hóa đều quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp này.

z5274472125547_6011824ee1b1dd85c085a5c2e8346e7a.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, thời gian qua, bên cạnh những việc làm được thì ngành in Việt Nam vẫn còn đó những vấn đề tồn tại như: (1) Quy hoạch ngành In, trong gần 10 năm thực hiện quy hoạch, số lượng cơ sở in di chuyển ra khỏi các khu dân cư khoảng 50 cơ sở, chiếm 2% trên tổng số lượng cơ sở trên toàn quốc. Tỷ lệ này là quá thấp so với mục tiêu đặt ra. (2) Chúng ta chưa đủ nguồn lực, từ nguồn lực về nhận thức, về công nghệ, về nhân lực, tài chính để quan tâm xây dựng các tiêu chuẩn hòa nhập những tiêu chuẩn của quốc tế (ISO, GMI, G7…) để tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa cung ứng toàn cầu; chưa giải quyết được những thách thức về nguồn nhân lực, lao động kỹ thuật. Nguồn nhân lực ngành in phải được đào tạo bài bản mới đảm bảo được chất lượng sản phẩm in và năng suất cao. Nhờ máy móc, thiết bị ngày một hiện đại, mức độ tự động hóa cao nên nhân lực cần ít đi nhưng đòi hỏi nền tảng kiến thức cao hơn, cần chương trình đào tạo mới, khó đào tạo hơn…

Hiện, Bộ TT&TT đã và đang chỉ đạo triển khai thực hiện rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới phương thức quản lý nhà nước theo hướng tạo những điều kiện thông thoáng nhằm thúc đẩy ngành in, đặc biệt là in thương mại, in bao bì, in xuất khẩu phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu, rộng hơn.

Ngày 13/10/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1983/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành in Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch có mục tiêu tổng quát là: (i) đổi mới toàn diện hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực in theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; (ii) thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, sử dụng các vật liệu in thân thiện với môi trường; (iii) ứng dụng chuyển đổi số trong việc quản lý quy trình sản xuất, kiểm soát hiệu suất của thiết bị sản xuất và quản lý được lượng khí thải tạo ra từ quá trình sản xuất.

Để đạt được mục tiêu, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng mong muốn các nhà in chung ta thực hiện các công việc: áp dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, giảm tác động của ngành in lên môi trường; phát triển mô hình nhà máy thông minh “Smart Factory”; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành in bằng việc đổi mới cách thức tuyển sinh, hình thức đào tạo, gắn đào tạo với doanh nghiệp, tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp để có trách nhiệm hỗ trợ cùng phát triển...; xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam cho ngành in, bám sát với các tiêu chuẩn quốc tế, để từ đó có những quy chuẩn chung cho sản phẩm, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và quy trình sản xuất để giúp chuẩn hóa ngành công nghiệp in; phát huy vai trò của các Hiệp hội nghề; đẩy mạnh công tác phòng, chống in lậu và phát hành sách lậu…

Để thành công và phát triển, toàn ngành cần nỗ lực cùng nhau thực hiện các mục tiêu đã nêu với một quyết tâm mới. Cục XBIPH, Sở TT&TT và Hiệp hội in Việt Nam phải là cơ quan, tổ chức đi đầu, đồng hành cùng doanh nghiệp in, dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu đó. Lãnh đạo Bộ TT&TT mong chờ sự nỗ lực của các đơn vị và sự đột phá của Ngành in trong thời gian tới”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

z5274472154763_5787db6e6884e01acb5b5db0869cf442.jpg
Cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn ngành in

Báo cáo đánh giá hoạt động ngành In năm 2023, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục XPIPH cho biết: Năm 2023, số lượng cơ sở in có sự tăng trưởng về quy mô, đầu tư đẩy mạnh cải tiến kỹ thật và đổi mới công nghệ, bắt kịp trình độ phát triển khu vực và thế giới…

Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển của ngành in; thiếu các doanh nghiệp đầu ngành tích cực dẫn dắt và đóng vai trò là đầu tàu trong đổi mới công nghệ; chưa có bất kỳ quy chuẩn hay tiêu chuẩn hóa nào được áp dụng đối với chất lượng của các sản phẩm in”- ông Nguyễn Nguyên đánh giá.

Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhấn mạnh: Để phát triển mạnh mẽ ngành In, thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần:

- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực in theo hướng chuyên nghiệp hiện đại;

- Nâng cao năng lực của cơ sở in, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới;

- Thực hiện vai trò đầu mối, dẫn dắt để các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động in;

- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn ngành in; xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

z5274472155091_089f7890bbbce3e37b9f18c0b8b212c5.jpg
Sở TT&TT đề nghị Cục XBIPH, Bộ TT&TT quan tâm, xem xét, hướng dẫn về cơ chế, chính sách

Tham luận tại Hội nghị, đại diện Sở TT&TT Hà Nội chia sẻ: Hà Nội có trên 370 cơ sở in được các cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy phép hoạt động, trong đó 35% là cơ sở hoạt động in xuất bản phẩm, 30% các cơ sở in có địa điểm sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ, các cơ sở in khác đều có diện tích nhà xưởng nhỏ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Do sự phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng của xuất bản phẩm điện tử, hoạt động in xuất bản phẩm tại Hà Nội có xu hướng giảm. Hoạt động in có sự dịch chuyển và phát triển sang lĩnh vực in bao bì và các sản phẩm in khác, đặc biệt là bao bì chất lượng cao và tem nhãn hàng hóa với sự đa dạng về mẫu mã và chủng loại, kích thước, vật liệu.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động in trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Sở TT&TT đề nghị Cục XBIPH và Bộ TT&TT quan tâm hướng dẫn về cơ chế, chính sách. Đồng thời xem xét nghiên cứu, rà soát sửa đổi, thống nhất những quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực in nhằm đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp in trong quá trình hoạt động.

Xây dựng khung năng lực số cho ngành in

Ông Cao Xuân Vũ - Học viện PrintMedia Việt Nam chia sẻ về “Tiêu chuẩn đánh giá kỹ năng nghề in trong môi trường công nghệ số” đã cho biết: Số lao động làm việc trong ngành in Việt Nam khoảng 70.000 người (con số thống kê được của Cục XBIPH năm 2021 là 58.800 người). Lực lượng lao động kể trên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn nhất của ngành in Việt Nam hiện nay.

Ngành in là một trong những ngành đã được số hóa mạnh mẽ từ khi máy tính ra đời, công nghệ thông tin đã thay đổi hoàn toàn quy trình sản xuất và các công việc trong ngành in. Đến nay, công việc tạo nội dung, thiết kế và chế tạo bản in đều đã được số hóa. Máy in có tính tự động hóa cao và kết nối dữ liệu với các công đoạn trước và sau in, việc in ấn và thành phẩm hoạt động dựa trên giao tiếp và điều khiển kỹ thuật số, đánh giá chất lượng và kiểm soát quá trình, tất cả đều dựa trên nền tảng số.

z5274929653355_5a0cf52aab12e70b663c229d6e714bf5.jpg
Khung năng lực số cho ngành in là điều cần thiết và cấp bách

“Nhân lực có kiến thức và kỹ năng số được xác định là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định tới thành công của chuyển đổi số quốc gia. Để ngành in Việt Nam phát triển, thiết thực với chiến lược của quốc gia, khung năng lực số cho ngành in là điều cần thiết và cấp bách. Các cơ sở đào tạo cần tiếp tục hoàn thiện khung năng lực dự kiến cho ngành in làm cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo, công cụ đánh giá năng lực, thiết kế các khóa học theo nhu cầu của thực tiễn” - Ông Vũ bày tỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Sang - Chủ tịch Hiệp hội In bao bì cũng chia sẻ: công nghiệp bao bì Việt Nam là ngành có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 13%/năm. Những đòi hỏi mới về bao bì xanh, bao bì bền vững; thương mại điện tử; tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh và xu hướng tiêu dùng mới sẽ có vai trò quan trọng tác động tới việc in từ thiết kế cấu trúc đến thiết kế đồ họa của bao bì.

Ông Sang cũng đề xuất một số vấn đề như: Chính phủ sớm công nhận công nghiệp in, công nghiệp bao bì là ngành công nghiệp phụ trợ vì một sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường bắt buộc phải có bao bì, phải có in; các bộ ngành Trung ương hỗ trợ giúp đỡ nhiều hơn nữa trong các vấn đề: Thông tin nhanh, kịp thời các chủ trương chính sách mới, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị trường, đặc biệt là tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. In và Bao bì là 2 ngành công nghiệp gần gũi gắn bó, bình quân in chiếm khoảng 24% - 25% giá trị của một sản phẩm bao bì, nhiều doanh nghiệp là hội viên của cả 2 hiệp hội nên chắc chắn một số hoạt động của các đơn vị trong ngành có thể phối hợp như: truyền thông, huấn luyện, tư vấn, quản lý điều hành hiệp hội, ...

z5274472171497_159cdd7c6040a6cdd4bc712e0bc615ff.jpg
Ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam đánh giá: Năm 2023 là một năm ngành công nghiệp in Việt Nam gặp những khó khăn chưa từng có. Lượng giấy tiêu thụ có dấu hiệu giảm sút nghiêm trọng ngay từ đầu năm. Một vài năm trước, giấy Bãi bằng không đủ cung cấp thì năm vừa qua đã phải cắt giảm sản lượng. Một nhà máy giấy lớn khác của Việt Nam đã phải tìm đối tác nước ngoài để sang nhượng nhưng chưa thành công do thị trường sa sút. Các loại giấy bao bì, mặc dù giá đã giảm rất sâu so với trước nhưng vẫn thiếu đơn hàng, đặc biệt là các loại giấy Ivovy, Craf liên quan đến các mặt hàng bao bì hộp và bao bì đóng gói…

Đào tạo nguồn nhân lực đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách và quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp in Việt Nam. Việc yếu thế trong cạnh tranh tại thị trường trong nước và hội nhập quốc tế phần lớn cũng do chất lượng nhân lực vừa thiếu vừa yếu. Các doanh nghiệp thiếu chủ động và đầu tư cho công tác đào tạo. Trong khi các cơ sở đào tạo hiện nay còn yếu và thiếu nhiều điều kiện để đáp ứng nhu cầu đào tạo.

Ông Dòng mong muốn ngành in sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của Nhà nước về cơ chế chính sách và đặc biệt là sự nỗ lực của các doanh nghiệp in để tạo đà tăng trưởng cho ngành in vươn lên Top 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Nhân dịp này, Bộ TT&TT cũng trao tặng Cờ và Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lĩnh vực In năm 2023.

z5274472102436_47bc0322ed776bb19920e78cda3f3539.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm trao tặng Cờ thi đua cho các đơn vị
z5274472104527_49d3251ebb6ba7bacb944bf2fca29fcc.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm trao tặng Bằng khen cho các đơn vị
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh Chuyển đổi số ngành In
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO