Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình “Công dân học tập”

Bình Minh| 08/06/2022 14:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030” mới được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung thúc đẩy việc học tập suốt đời để con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Trong đó, giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình “Công dân học tập” đóng vai trò hết sức quan trọng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình “Công dân học tập” - Ảnh 1.

Học viên trường Đại học Nội vụ ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ học tập. Ảnh: Bình Minh

Danh hiệu "Công dân học tập" phải có những kỹ năng số

Chương trình "Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030" (Chương trình) mới được phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mục tiêu chung nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời để con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả... trên cơ sở hình thành mô hình "Công dân học tập" nhằm khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công một xã hội học tập.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình xác định, đến năm 2025, 100% cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam được học tập quán triệt các tiêu chí xây dựng mô hình "Công dân học tập"; 40% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập (thôn, bản, tổ dân phố và tương đương), 60% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và ở cơ quan trung ương đạt danh hiệu "Công dân học tập";

Tiếp đó, 70% những người đạt danh hiệu "Công dân học tập" đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia; trong đó 60% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá "Công dân học tập" trên môi trường số hóa.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình cũng phấn đấu đến năm 2030, tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam để hiểu rõ và triển khai hiệu quả các tiêu chí xây dựng mô hình "Công dân học tập"; 60% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập (thôn, bản, tổ dân phố và tương đương), 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và ở cơ quan trung ương đạt danh hiệu "Công dân học tập".

Đáng chú ý, 90% những người đạt danh hiệu "Công dân học tập" đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia; trong đó 80% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá "Công dân học tập" trên môi trường số hóa.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình "Công dân học tập"

Để đạt được các mục tiêu chung và cụ thể trên của Chương trình, giải pháp hàng đầu là xây dựng và hoàn thiện Bộ tiêu chí khung để áp dụng cho các đối tượng khác nhau.

Trong đó, nghiên cứu, xây dựng, ban hành những Bộ tiêu chí có chỉ số đo khác nhau cho các nhóm đối tượng là nông dân, công nhân, công chức, viên chức, doanh nhân, cán bộ quản lý để bảo đảm mức độ hợp lý và tính khả thi trong triển khai đại trà chủ trương xây dựng mô hình "Công dân học tập" trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống xã hội; Biên soạn và in ấn tài liệu tập huấn, hướng dẫn xây dựng mô hình "Công dân học tập" theo những Bộ tiêu chí cụ thể.

Giải pháp tiếp đó đóng vai trò hết sức quan trọng đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình "Công dân học tập".

Cụ thể, sẽ tổ chức tuyên truyền thông qua hệ thống báo chí, bản tin, nội san, các trang tin điện tử của Hội Khuyến học các cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trong các cơ quan, tổ chức, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang. Đi kèm với đó là phát động phong trào thi đua học tập suốt đời, xây dựng mô hình "Công dân học tập" trong phạm vi cả nước.

Cùng với các nhóm giải pháp về tập huấn, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc xây dựng mô hình "Công dân học tập" và huy động nguồn lực xã hội hóa, thì Chương trình cũng xác định cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình công dân học tập.

Trong đó, nghiên cứu, xây dựng phần mềm nhằm số hóa việc thu thập minh chứng, cho điểm, đánh giá, tổng hợp, báo cáo... việc thực hiện các tiêu chí xây dựng mô hình "Công dân học tập" theo các mục tiêu của Chương trình.

Đồng thời, xây dựng trang thông tin điện tử, học liệu mở, chuyên đề... giúp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nâng cao hiểu biết cho cán bộ hội, hội viên khuyến học và người dân về các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập, nhằm tạo sự chuyển biến về chất việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình và đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài trên phạm vi toàn quốc.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình “Công dân học tập”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO