Đẩy mạnh phát triển KH-CN, ĐMST, CĐS trên trên tất cả các ngành, lĩnh vực
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trên trên tất cả các ngành, lĩnh vực; Tập trung số hóa toàn diện và ứng dụng AI trong hoạt động quản lý nhà nước; Đẩy mạnh triển khai Đề án 06, các phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số”.
Ngày 5/5/2025, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội.

Kỳ họp thứ 9 xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, cấp bách liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và các luật phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương; các vấn đề về kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước (NSNN) và nhiều vấn đề quan trọng, để tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo hành lang pháp lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với tên gọi bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới. Qua đó, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Xem xét, thông qua các dự án luật, dự thảo nghị quyết thuộc các lĩnh vực then chốt, trong đó có KHCN, ĐMST, CĐS
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các luật, nghị quyết đã thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã và đang phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy mọi nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước theo đúng chủ trương của Đảng.

Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày, chia thành 2 đợt, để xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về công tác lập hiến, lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. “Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Để triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Với 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp, trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 14 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, thuộc các lĩnh vực then chốt như: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng - an ninh, tư pháp, tài chính - ngân sách, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số (CĐS)...
Về KT-XH, NSNN, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031…
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.
Bốn Nghị quyết quan trọng được ví như “Bộ tứ chiến lược”
Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2025 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong 4 tháng qua, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 4 Nghị quyết quan trọng được xem là “Bộ tứ chiến lược” thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Cụ thể, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đó, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng toàn bộ năng lực nội sinh và sức sản xuất toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH; Nghiên cứu xây dựng, áp dụng khung pháp lý mới để thúc đẩy KH-CN, ĐMST và chuyển đổi xanh, CĐS; tổ chức thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh.
Tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, nhất là các cơ chế, chính sách Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả; Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các đặc khu kinh tế mới...
Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính (TTHC); hoàn thiện trung tâm phục vụ hành chính công tại các bộ, ngành, địa phương về giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp (DN); đẩy nhanh số hóa, tăng cường tích hợp, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu; bảo đảm thực hiện thông suốt, liên tục các thủ tục hành chính trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh
Thủ tướng nhấn mạnh: Cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp (2013). Hoàn thành việc rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trước ngày 30/6/2025, bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý.
“Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm “Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh”, Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần quyết liệt “không ngừng, không nghỉ”.
Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Rút kinh nghiệm, đề xuất triển khai áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc các cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội.

Lấy KHCN, ĐMST và CĐS làm động lực chính
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy KHCN, ĐMST và CĐS làm động lực chính; Triển khai hiệu quả các phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được phê duyệt; Tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển các thị trường bất động sản, thị trường vốn, trái phiếu DN lành mạnh, minh bạch, bền vững; phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DN nhà nước trong thực hiện các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa cao.
Cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị thành Nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp này về phát triển kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh thu hút, đa dạng hóa đối tác và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư FDI, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT)…; thúc đẩy DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khẩn trương xây dựng Cổng một cửa đầu tư quốc gia và cấp tỉnh.
Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, trong đó: Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh một số ngành công nghiệp nền tảng (như năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng…); phát triển đột phá các ngành mới nổi (như chip, bán dẫn, robot, AI…). Thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng “nông nghiệp xanh - sản phẩm sạch - công nghệ cao - thị trường bền vững”; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm chủ lực. Triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ thẻ vàng IUU. Phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Thực hiện tốt Chương trình kích cầu du lịch 2025; phấn đấu năm 2025 thu hút 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế.
Xem xét, quyết định miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho một số người là nhà khoa học, doanh nhân, nghệ sĩ, vận động viên thể thao… và công dân một số nước, nhất là bạn bè truyền thống, các đối tác quan trọng; Xây dựng mô hình “Cảng miễn thuế” để đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn.
Phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại
Thủ tướng đặt ra yêu cầu phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án quan trọng, động lực khác…
Thủ tướng yêu cầu phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, nhất là vệ tinh viễn thông, trục viễn thông quốc gia, mở rộng vùng phủ sóng 5G. Chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư các dự án lớn giai đoạn 2026 – 2030; Xây dựng chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong năm 2025.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là ngành AI, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân…
Sớm ban hành chính sách cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học cơ bản, văn hóa, nghệ thuật với lãi suất ưu đãi và hạn mức vay phù hợp với học phí, chi phí sinh hoạt; Bố trí nguồn lực để thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả ngay từ năm học 2025 - 2026; Huy động các nguồn lực để xây nhà nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số; Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025.
Tiếp tục đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chuyển từ công tác khám, chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe Nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân; Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các dịch bệnh truyền nhiễm; Đẩy mạnh triển khai Sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử trên phạm vi cả nước trước tháng 9/2025...
Đẩy mạnh phát triển KH-CN, ĐMST, CĐS trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Đẩy mạnh phát triển KH-CN, ĐMST, CĐS trên tất cả các ngành, lĩnh vực; Tập trung số hóa toàn diện và ứng dụng AI trong hoạt động quản lý nhà nước; Đẩy mạnh triển khai Đề án 06, các phong trào “Cả nước thi đua ĐMST, CĐS” và “Bình dân học vụ số”.
Cùng với đó, đẩy nhanh việc tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng cá nhân hóa. Trong năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; Thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu; ban hành chính sách thí điểm thị trường tài sản mã hóa trong tháng 5/2025.
Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục phát triển văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Trong năm 2025, phải cơ bản xoá bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả các chiến lược, đề án, dự án, pháp luật về quân sự, quốc phòng, an ninh; hoàn thành việc sắp xếp tổ chức quân sự địa phương “tinh - gọn - mạnh”. Đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, phát triển KH-CN quân sự, sản xuất vũ khí, trang bị công nghệ cao...
Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; Chủ động hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích ĐMST, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt; Đẩy mạnh truyền thông chính sách, nhất là về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những nội dung định hướng quan trọng về kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng và các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước năm 2025, góp phần tạo động lực trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý về KH-CN, ĐMST, CĐS và kinh tế số
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát, phân tích kịp thời diễn biến kinh tế thế giới, chính sách của các nền kinh tế lớn, xu thế chuyển dịch toàn cầu để chủ động điều hành; đồng thời, củng cố nội lực, giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định.
Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và khai thác hiệu quả các động lực mới (CĐS, ĐMST, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số).
Thứ ba, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, gắn với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng; có giải pháp giảm chi phí vốn, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích các ngân hàng chia sẻ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn; phát triển thị trường tài chính lành mạnh, đa dạng hóa các kênh huy động vốn; kiểm soát rủi ro trái phiếu DN đáo hạn cuối năm.
Thứ tư, tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu; Tiếp tục thực hiện các biện pháp hữu hiệu, cơ cấu lại thu, chi NSNN, nợ công, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội; Quản lý chặt chẽ chi NSNN, siết chặt hơn chi thường xuyên, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi có nguồn đảm bảo.
Thứ năm, chủ động ứng phó với các rủi ro từ chiến tranh thương mại, điều chỉnh thuế quan; xây dựng phương án hỗ trợ thiết thực cho DN chịu ảnh hưởng, nhất là DN nhỏ và vừa.
Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất mới; đẩy mạnh ĐMST, CĐS; nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý về KH-CN, ĐMST, CĐS và kinh tế số; kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát hiệu quả; kiên quyết cắt giảm chi phí tuân thủ cho DN và người dân; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các quy định mới ban hành, bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, đất đai, quy hoạch để khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân…
Thứ tám, điều hành chi ngân sách chủ động, tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát bội chi và nợ công trong giới hạn an toàn; mở rộng hợp lý chính sách tài khóa để thúc đẩy đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường quản lý thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Thứ chín, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Thứ mười, chủ động nghiên cứu và sớm ban hành các chính sách ứng phó với nguy cơ thất nghiệp cơ cấu do tự động hóa, AI và CĐS; đồng thời, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động chịu tác động…/.