Đẩy mạnh thực thi bản quyền tác giả trên môi trường số
Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của không gian số, các vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, phức tạp và khó kiểm soát. Do đó, việc thiết lập các biện pháp bảo vệ bản quyền trên môi trường mạng trở thành một giải pháp hữu hiệu để từng bước tháo gỡ khó khăn này.
Vi phạm bản quyền trực tuyến vẫn "nhức nhối"
Hai năm trước, báo cáo của Media Partners Asia tại hội thảo "Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam" đã cho biết Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ vi phạm bản quyền với khoảng 15,5 triệu lượt người thường xuyên truy cập các trang web chứa nội dung lậu.
Tháng 1/2024, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã công bố hơn 400 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có đến gần 100 website được xác định là địa chỉ chuyên cung cấp dịch vụ cá độ bóng đá, bài bạc trực tuyến, phát sóng các giải đấu thể thao trực tuyến vi phạm bản quyền.
Trong bối cảnh đó, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã quyết định thiết lập Sàn giao dịch bản quyền số (hay còn gọi là Trục bản quyền số quốc gia) nhằm hỗ trợ giao dịch bản quyền và bảo hộ quyền tác giả trên không gian số. Sàn đã ra mắt thử nghiệm vào tháng 4/2023 và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Sàn giao dịch bản quyền số sẽ là nền tảng để các tác giả niêm yết và công bố các sản phẩm của mình, giúp những người có nhu cầu sở hữu bản quyền dễ dàng tìm kiếm và kết nối trực tiếp với tác giả. Ngoài ra, sàn giao dịch sẽ đóng vai trò là đầu mối tiếp nhận, xử lý và giải quyết các vấn đề về vi phạm bản quyền.
Nếu có bất kỳ vi phạm nào đối với sản phẩm, là thành viên của Sàn giao dịch bản quyền kỹ thuật số, các tác giả sẽ có quyền khiếu nại, khi đó những nội dung chưa có sự cho phép sử dụng sẽ bị dừng hoạt động.
Sàn giao dịch bản quyền số còn tích hợp chức năng gắn nhãn bản quyền dựa trên công nghệ Quản lý quyền kỹ thuật số (DRM), công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để quản lý quyền nội dung số. Nhờ công nghệ này, chúng tôi có thể dễ dàng truy vết các nội dung vi phạm bản quyền được phân phối trên Internet, đồng thời xác định địa chỉ phát tán vi phạm.
Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng công nghệ này vào các sản phẩm trước khi phát hành trên môi trường số, nhằm truy vết các vi phạm hoặc các phát hành ngoài ý muốn của chủ sở hữu bản quyền, đảm bảo được tính minh bạch, linh hoạt đối với người dùng và khả năng tạo ra rào cản phức tạp để ngăn chặn người dùng sử dụng bản quyền trái phép.
Đối tượng sử dụng sàn giao dịch bản quyền trước hết là những cá nhân, tổ chức sở hữu bản quyền mong muốn được bảo vệ các tác phẩm của mình trên không gian số.
Đối tượng thứ hai là các cá nhân, đơn vị có nhu cầu sử dụng bản quyền nhằm phục vụ mục đích trong hoạt động của họ.
Đối tượng thứ ba là những cơ quan quản lý bảo vệ bản quyền số của Việt Nam và có thể bao gồm cả những tổ chức liên quan đến công tác bảo hộ quyền tác giả trên không gian số.
Quản lý tốt bản quyền số, tạo ra nhiều giá trị kinh tế
Theo số liệu khảo sát công bố năm 2021 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền thì tại các nước phát triển như Mỹ, đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP, Hàn Quốc là 9,89% GDP, Pháp: 7,02% GDP, Australia: 6,8% GDP, Singapore: 6,19% GDP, Canada: 6,15% GDP; các nước đang phát triển như Trung Quốc đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, Malaysia: 5,7% GDP và Thái Lan: 4.48% GDP, Indonesia: 4,11% GDP.
Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả bản quyền có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Nếu bản quyền trên không gian số được bảo hộ tốt hơn, các đơn vị trong ngành cũng sẵn sàng đầu tư mạnh tay hơn để tạo ra thị trường phong phú hơn, từ đó người dân sẽ được hưởng thụ những nội dung chất lượng không chỉ từ trong nước mà trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc vi phạm bản quyền diễn ra phức tạp, các đơn vị ngập ngừng trong việc đầu tư nhiều hơn, vì e ngại việc bị xâm phạm bản quyền ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của họ.
Sàn giao dịch bản quyền số là hệ thống giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động bảo vệ, khai thác và phân phối bản quyền nội dung số được xây dựng và phát triển thành Hệ sinh thái bản quyền số với 8 nhóm giải pháp, dịch vụ hỗ trợ bao gồm các dịch vụ hỗ trợ miễn phí dành cho thành viên của Trục và các dịch vụ nâng cao dành cho các nhu cầu công nghệ chuyên sâu.
Đối với xã hội, khi sàn giao dịch bản quyền số trở nên phổ biến, điều này sẽ giúp nâng cao ý thức của mọi người trong việc xác định bản quyền cũng là một loại tài sản nên cần có ý thức tôn trọng và cẩn trọng trong việc sáng tạo và sử dụng, từ đó khuyến khích các tác giả chủ động đăng ký bản quyền.
Trước đây, các tác giả khi làm ra một sản phẩm cũng không quan tâm đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, khi bị xâm phạm hay ăn trộm, họ cũng không thể kiện để đòi lại quyền lợi cho mình vì Nhà nước chỉ bảo hộ cho những người đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, khi có một “siêu thị giao dịch bản quyền”, những người có nhu cầu sử dụng bản quyền nội dung sẽ dễ dàng trao đổi với đơn vị sở hữu bản quyền để thực hiện giao dịch với nhau, tạo ra giá trị kinh tế ngay trên sàn giao dịch.
Chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo VMCC Marcom Talk #8: “Character Licensing & Character Marketing: Gia tăng kết nối, Mở lối doanh thu” nhân sự kiện “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” (IP Day) tháng 4/2024 vừa qua, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh sáng tạo nội dung số, nhấn mạnh, thách thức lớn nhất trong thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như bản quyền chính là nhận thức của những người tham gia vào lĩnh vực này, trong đó đặc biệt là chủ sở hữu nội dung và những người thụ hưởng bản quyền. Đôi khi chính những người thụ hưởng không hiểu hết hành vi của mình đang tiếp tay cho hành vi đánh cắp bản quyền. Điều này đòi hỏi cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ trong đó cần đẩy mạnh hơn nữa truyền thông, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia hiểu đầy đủ, tuân thủ bản quyền, sở hữu trí tuệ./.