Dẹp vấn nạn vi phạm bản quyền báo chí, truyền thông trên môi trường số
Một trong những gợi mở để triển khai hoạt động bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hưu trí tuệ (SHTT) đối với các sản phẩm báo chí truyền thông hiện nay là ứng dụng công nghệ.
Vi phạm bản quyền và SHTT trên môi trường số đang phức tạp
Hoạt động chuyển đổi số (CĐS) báo chí, truyền thông đã và đang được các cơ quan báo chí, truyền thông ở Việt Nam triển khai mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Một trong những nội dung cần được quan tâm của quá trình này là vấn đề bản quyền và SHTT của các sản phẩm báo chí truyền thông.
PGS. TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay hành vi vi phạm bản quyền và SHTT trên môi trường truyền thông số đang trở thành vấn đề khó khăn, phức tạp.
Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, không gian số đã tạo nên một môi trường thúc đẩy các hoạt động lan truyền và quảng bá các sản phẩm báo chí, truyền thông một cách nhanh chóng, mạnh mẽ và không giới hạn về không gian, thời gian. Công nghệ số cũng đã tạo nên các mô hình báo chí mới, đồng thời cũng thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi vi phạm bản quyền thông qua nhiều hình thức khác nhau như sao chép, chia sẻ và sử dụng trái phép các nội dung mà họ chưa được phép.
Hành vi mạo danh tác giả, sao chép tác phẩm, trích dẫn lại, sử dụng lại các sản phẩm đã gây nhiều thiệt hại cho các cơ quan báo chí truyền thông như gây thiệt hại về tài chính, giảm giá trị sản phẩm, gây mất uy tín của chủ sở hữu…
Trong thời gian qua, mặc dù hành lang pháp lý về SHTT đối với các tác phẩm báo chí đã dần từng bước được thể chế hóa, nhưng thực tiễn cho thấy hoạt động vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí, truyền thông không giảm đi mà có xu hướng tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ của thông tin trong kỷ nguyên số.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do nhiều yếu tố như: Do ý thức về quyền SHTT và quyền tác giả; do cạnh tranh thông tin của các phương tiện truyền thông mới; do sự thương mại hóa và thực hiện kinh tế báo chí truyền thông ở nước ta...
Ứng dụng công nghệ để triển khai hoạt động bảo vệ quyền tác giả, quyền SHTT
Theo PGS. TS. Trần Quang Diệu, một trong những gợi mở để triển khai hoạt động bảo vệ quyền tác giả, quyền SHTT đối với các sản phẩm báo chí, truyền thông là ứng dụng công nghệ.
Cuộc cách mạng về công nghệ đã mở ra một cách thức mới trong vấn đề xử lý và bảo vệ bản quyền tác giả và SHTT, đó là ứng dụng dữ liệu lớn và công nghệ blockchain trong quản lý các sản phẩm báo chí, truyền thông. Dữ liệu lớn cho phép lưu trữ, khai thác và truy vết đối với các sản phẩm và blockchain cho phép đảm bảo các dữ liệu không bị thay đổi trong quá trình sản xuất, khai thác các sản phẩm này.
“Blockchain cho phép lưu trữ, khai thác, chỉnh sửa, truy vết một cách thống nhất trong suốt quá trình tồn tại của sản phẩm. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng hỗ trợ kiểm tra, xác thực giữa các nguồn dữ liệu khác nhau để xác định dữ liệu “gốc” do tính chất không thể thay đổi nội dung và khi thay đổi thì mọi dữ liệu gốc đều được lưu trữ của công nghệ này. Thông qua blockchain, sẽ biết ai là người sở hữu, ai là người có quyền hợp pháp cũng như bằng chứng về ý tưởng, sử dụng, các yêu cầu mang tính nguyên gốc của sản phẩm”, PGS. TS. Trần Quang Diệu cho hay.
Chia sẻ vấn đề này, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết: Việc ứng dụng công nghệ để bảo vệ quyền tác giả, quyền SHTT đối với các sản phẩm báo chí, truyền thông hiện nay là rất cần thiết.
Các cơ quan báo chí có thể sử dụng các công cụ giám sát trực tuyến như: Trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi các trang web hoặc trang mạng xã hội có chứa nội dung bản quyền của họ; ứng dụng blockchain trong tòa soạn để giúp xác thực, bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí và bảo vệ quyền lợi của các nhà báo, tác giả, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền cũng như tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu...
Ứng dụng công nghệ để biết được nội dung nào đang bị vi phạm bản quyền và ở đâu. Muốn làm được vậy cần sự can thiệp của kỹ thuật ở giai đoạn đầu, có thể dùng AI để giám sát.
Công nghệ này hạn chế việc sao chép nội dung trái phép và cho phép chủ sở hữu nội dung thực thi các yêu cầu cấp phép. Bảo vệ này được thực hiện bằng cách nhúng mã ngăn nội dung bị phân phối mà không được phép. Nó cũng hạn chế cách người dùng có thể lấy nội dung.
Ví dụ, khi người dùng cố gắng tải một tệp lên YouTube, hệ thống nhận dạng vân tay của YouTube sẽ phân tích tệp và kiểm tra tệp đối với dấu vân tay trong cơ sở dữ liệu của YouTube để xem liệu nội dung có phải là tài liệu có bản quyền hay không.
Lấy dấu vân tay bao gồm quá trình phân tích video và âm thanh để tạo ra một dấu vân tay kỹ thuật số duy nhất cho phần nội dung cụ thể đó (một dạng ID content).
“Để giải quyết vấn nạn vi phạm bản quyền số cũng như bản quyền báo chí truyền thông, bên cạnh việc thực thi pháp luật thì việc ứng dụng công nghệ để rà quét, thống kê công khai đơn vị vi phạm sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng này”, ông Hoàng Đình Chung chia sẻ.
Một số gợi mở bảo vệ quyền SHTT đối với các sản phẩm báo chí truyền thông
Trong bối cảnh CĐS của các cơ quan báo chí, để xây dựng và phát triển bền vững, đặc biệt là hoạt động kinh tế báo chí truyền thông đang ngày càng sôi động và trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí truyền thông, PGS. TS. Trần Quang Diệu đề xuất một số gợi mở để triển khai bảo vệ quyền SHTT đối với các sản phẩm báo chí, truyền thông tại các cơ quan báo chí hiện nay:
Thứ nhất, cần thực hiện hoàn thiện hành lang pháp lý về SHTT, quyền tác giả. Cần có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết về bảo vệ quyền SHTT, quyền tác giả đối với các sản phẩm báo chí, truyền thông, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số hiện nay.
Thứ hai, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ để triển khai các biện pháp bảo hộ dựa trên công nghệ đối với các sản phẩm báo chí truyền thông. Dữ liệu lớn và blockchain có thể được coi là công nghệ nền để triển khai các hoạt động bảo vệ SHTT và quyền tác giả đối với các sản phẩm báo chí, truyền thông
Thứ ba, nâng cao nhận thức, năng lực kiểm tra, thực hiện giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền SHTT đối với các sản phẩm báo chí, truyền thông. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể và thiết chế truyền thông cần phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động bảo vệ quyền SHTT và sở hữu tác giả.
Thứ tư, nâng cao nhận thức và năng lực của công chúng và người dân về quyền tác giả và SHTT thông qua các hoạt động tập huấn, truyền thông, tổ chức các hội nghị, hội thảo về vấn đề quyền SHTT và quyền tác giả của các sản phẩm báo chí truyền thông.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo hộ quyền tác giả và quyền SHTT đối với các sản phẩm báo chí, truyền thông thông qua nhiều biện pháp và cách thức khác nhau như tham gia ký kết các điều ước quốc tế về thực thi quyền tác giả và quyền SHTT, nghiêm chỉnh thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Thực hiện hợp tác quốc tế, nhất là đối với các quốc gia và tổ chức quốc tế về SHTT, đặc biệt là các sản phẩm báo chí truyền thông./.