1. Mở rộng kết nối không gian mạng - xương sống của nền kinh tế số: Với 125.000 người dùng mới truy cập Internet mỗi ngày, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN dự kiến sẽ phát triển đáng kể, bổ sung ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD vào GDP khu vực trong mười năm tới. Việt Nam có 68,17 triệu người (1/2020) sử dụng Internet (chiếm 70% dân số). Trong đó, số người lên mạng trên điện thoại di động lên đến 3,6 giờ mỗi ngày, cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Vì vậy, ASEAN cần sự phối hợp chủ động giữa khu vực công và tư cũng như phương thức quản lý nhà nước chủ động để khơi thông những khoản đầu tư cần thiết về hạ tầng số và nâng cao tính cạnh tranh trong ngành viễn thông.
Các nước ASEAN tích cực đầu tư vào nhiều dự án phát triển thông tin, truyền thông với khoảng 100 tỷ USD năm 2015. Nổi bật trong đó là các sáng kiến tạo ra một ASEAN phẳng, không chuyển vùng quốc tế, thành lập trường đại học về công nghệ thông tin và truyền thông của ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thành lập Trung tâm chia sẻ thông tin an ninh mạng ASEAN.
2. Khuyến khích thanh toán số: Thanh toán số là một trong những trụ cột căn bản để tạo nên nền kinh tế số. Tuy nhiên, thanh toán số vẫn chưa phát triển ở Đông Nam Á so với những nơi khác trên thế giới. Ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt
Đông Nam Á vẫn phụ thuộc vào tiền mặt nhưng số lượng người dân thanh toán bằng tiền mặt đã giảm từ 40% năm 2019 xuống 34% năm 2020. Để tạo môi trường thuận lợi về tài chính số, ASEAN tiếp tục triển khai các hệ thống định danh số hiện đại cùng với hàng loạt những quy định. Đồng thời, các khoản chi trả của chính phủ, lương hưu, hỗ trợ tài chính có điều kiện và các chương trình xã hội khác - cũng được áp dụng công nghệ số.
3. Nâng cao kiến thức về đồng tiền kỹ thuật số và kỹ năng mềm cho người lao động: Đồng tiền kỹ thuật số chung cho khu vực ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích, làm giảm đáng kể thời gian và chi phí thực hiện các giao dịch và thanh toán xuyên biên giới. Việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ diễn ra giữa người dân và doanh nghiệp của các quốc gia trong khu vực sẽ thuận lợi hơn khi sử dụng chung một loại tiền tệ để thanh toán thay vì phải quy đổi ra tiền tệ của đối tác như hiện nay.
Kỹ năng của lực lượng lao động trong khu vực ASEAN được bắt nhịp cùng với chuyển đổi công nghệ số đang diễn ra ở tất cả các ngành kinh tế và giáo dục có vai trò chính trong việc phát triển kiến thức kỹ thuật và kỹ năng mềm của nền kinh tế số đầy tính cạnh tranh. Khi công nghệ đang thay đổi với tốc độ nhanh, khả năng thích ứng và học trọn đời càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa khu vực công và khu vực tư. Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, ASEAN cần có cam kết hơn nữa về phát triển nguồn nhân lực số và tạo điều kiện di chuyển lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao trong khu vực.
4. Phát triển ngành dịch vụ hậu cần logistics: Kinh tế số ở Đông Nam Á không thể chỉ phụ thuộc vào những nền tảng ảo. Hậu cần vẫn là một rào cản trong thương mại điện tử và việc đưa sản phẩm đến được điểm đến với chi phí hiệu quả và đáng tin cậy là một trong những thách thức lớn nhất. Hậu cần logistics phát triển góp phần hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa chứng từ trong kinh doanh quốc tế. Hậu cần cung cấp các dịch vụ đa dạng, trọn gói có tác dụng giảm rất nhiều các loại chi phí giấy tờ, chứng từ trong buôn bán quốc tế. Các dịch vụ hậu cần hiệu quả sẽ làm giảm mức chi phí đầu vào của các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong khối ASEAN. Nhờ đó, hoạt động thương mại, đầu tư và liên kết ASEAN tăng lên, bảo đảm chống lại sự dao động giá cả trong khu vực, tạo ra thị trường khu vực ngày càng phát triển. Giảm chi phí từng khâu trong dịch vụ hậu cần là phương pháp cạnh tranh tối ưu nhất của ASEAN.
5. Mở rộng liên kết hội nhập khu vực: Đại dịch COVID-19 đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN nhìn nhận, cân nhắc những hướng đi mới trong tương lai, khẳng định sự cần thiết gắn kết giữa các quốc gia trong khu vực để nâng cao phát triển con người cũng như kinh tế. Để mở rộng và kết nối hội nhập khu vực, ASEAN đưa ra các quy định và tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các quốc gia Đông Nam Á nhằm tạo ra một thị trường số tích hợp đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong khu vực. ASEAN hỗ trợ và thúc đẩy sự hợp tác với khu vực tư nhân trong việc ban hành các chính sách
6. Ban hành các quy định và tiêu chuẩn hóa nhằm xử lý rủi ro liên quan đến chuyển đổi số:Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục hồi trong ASEAN là 1 trong 5 chiến lược phục hồi chính của Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai sau dịch bệnh COVID-19 bao gồm: Tăng cường hệ thống y tế; Bảo đảm an ninh con người; Thúc đẩy thị trường và liên kết nội khối; Đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng tương lai bền vững, tự cường. Để thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số, ASEAN đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các chính sách khu vực, bao gồm khuôn khổ thanh toán xuyên biên giới, kế hoạch thúc đẩy sản xuất thông minh và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái 5G. Triển khai Sáng kiến ASEAN số nhằm góp phần vào quá trình chuyển đổi. Cùng với tốc độ chuyển đổi như vậy, đầu tư cơ sở hạ tầng số và đầu tư kỹ năng số sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh./.