Đẩy mạnh triển khai IPv6, Việt Nam xếp thứ 7 thế giới

Lan Phương| 06/05/2019 11:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau 10 năm triển khai IPv6, Việt Nam đã đạt được những thứ hạng cao về triển khai IPv6 trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới.

Ngày 6/5/2019, tại Hà Nội, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia do Bộ TTTT chủ trì đã tổ chức Hội thảo chủ đề “Chuyển đổi, cung cấp dịch vụ sử dụng IPv6 trong các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số”.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, đại diện các Bộ, Ngành, cơ quan nhà nước (CQNN), các Sở TTTT, các doanh nghiệp (DN) hạ tầng viễn thông - CNTT, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực Internet, CNTT… đã tham dự Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia nhấn mạnh việc chuyển đổi toàn bộ mạng Internet, các hệ thống CNTT sang công nghệ mới IPv6 là bắt buộc, đảm bảo cho phát triển bền vững, đem lại nhiều dịch vụ mới, chất lượng cao.

Tính đến tháng 4/2019, tỷ lệ truy cập Internet qua IPv6 toàn cầu đạt khoảng 26%, tăng trưởng trung bình 200% /năm. Các DN ISP, di động, nội dung số lớn trên thế giới đã đồng loạt triển khai IPv6 và xây dựng kế hoạch tắt dần hệ thống mạng IPv4. Dự báo, đến năm 2020, tỷ lệ IPv6 toàn cầu đạt xấp xỉ 50%, đây cũng là thời điểm IPv4 dần ngừng hoạt động trên Internet toàn cầu.

Tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 4/2019, tỉ lệ ứng dụng của Việt Nam đã đạt 34,08% với hơn 17,68 triệu người sử dụng IPv6 qua các hình thức truy cập FTTH, 3G/4G-LTE. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ hai Đông Nam Á, thứ 04 Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 07 thế giới (sau Bỉ, Mỹ, Ấn Độ, Đức, Malaysia, Hy lạp) về mức độ ứng dụng triển khai IPv6.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định: “Năm 2019 được xác định là năm cuối trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (2011-2019). Đây là năm quan trọng, tập trung thúc đẩy việc triển khai IPv6 đến từng cơ quan, tổ chức, DN CNTT trong nước, chung tay đưa IPv6 lan tỏa sâu rộng trên mạng Internet tại Việt Nam và nước ta sẽ chính thức chuyển đổi các dịch vụ sang hoạt động với nền tảng IPv6.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cùng các đại biểu thuộc CQNN, DN chính thức khai trương cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng IPv6

Các DN cung cấp dịch vụ Internet lớn tại Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom, Mobifone đã triển khai rộng rãi việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Tỉ lệ chuyển đổi, cung cấp dịch vụ IPv6 của VNPT, Viettel đã cán mốc trên 30% (cao hơn mức trung bình toàn cầu).

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết tỉ lệ ứng dụng IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ Internet của các CQNN và DN nội dung tại Việt Nam còn thấp, cần được tập trung thúc đẩy. Tính đến hết tháng 4/2019, khối CQNN có tổng 61 Website hoạt động với IPv6 (chiếm 2,2% trên tổng số website của CQNN) còn khiêm tốn so với các nước có kết quả chuyển đổi IPv6 tốt trong khu vực như Trung Quốc có trên 67% website cơ quan nhà nước hoạt động tốt với IPv6; Malaysia đã có khoảng 500 website (chiếm 50% website) CQNN hoạt động tốt với IPv6...

Đối với mảng nội dung, các DN cung cấp dịch vụ IDC, Cloud như Viettel, VNPT, FPT Telecom, CMC Telecom… cũng đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ sử dụng IPv6. Công ty FPT Online là đơn vị đầu tiên đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Báo điện tử VnExpress (từ năm 2017), Báo Diễn đàn DN (chuyển đổi đầu năm 2019), tuy nhiên hiện nay còn nhiều báo điện tử có lượng truy cập lớn vẫn chưa chuyển đổi sang IPv6.

Vì vậy, trong thời gian vừa qua, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã tập trung đẩy mạnh triển khai IPv6 trong khối CQNN và DN cung cấp dịch vụ nội dung số, tổ chức tuyên truyền phổ biến, đào tạo tập huấn, tư vấn trực tiếp về việc triển khai IPv6 cho toàn bộ các Sở TTTT, các Cục/Trung tâm CNTT của các Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Chính Phủ, Bộ, Ngành.

Với sự nỗ lực của Ban công tác, sự vào cuộc quyết liệt của các CQNN, sự phối hợp các DN Internet, Thứ trưởng cho biết nhiều Cơ quan TW, Tỉnh thành phố đã chuyển đổi thành công sang IPv6 cho hệ thống CNTT, Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến, điển hình như Bộ TTTT, Bộ TN&MT, TP.HCM, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Long An, Đồng Nai …

Triển khai IPv6 đáp ứng phát triển các dịch vụ tiên tiến

Thông tin tổng quan về triển khai IPv6 trên thế giới và tại Việt Nam, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet (VNNIC) quốc gia, Phó Trưởng Ban Công tác thúc đẩy IPv6 cho biết việc triển khai IPv6 rất quan trọng, không chỉ giải quyết sự thiếu hụt của không gian địa chỉ của IPv4 mà còn đáp ứng các nhu cầu dịch vụ của tương lai như IoT, thành phố thông minh, 4G, 5G. Tiểu ban tiêu chuẩn công nghệ thế giới IAB đã thông báo ngừng IPv4,  quy định triển khai IPv6 là yêu cầu bắt buộc.

Ông Trần Minh Tân phát biểu

“Xu thế triển khai IPv6 cũng giống như Word, việc duy trì IPv4 giống như bạn sử dụng các phiên bản Word cũ vẫn kết nối, sử dụng được nhưng chậm và sẽ đứng ngoài cuộc với các dịch vụ tương lai”, ông Tân nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Tân cho biết những công ty công nghệ  lớn như Google, Youtube, Instagram, Facebook, Amakai, CNN… đã chuyển đổi IPv6 và đã duy trì ổn định, đang tắt dần Ipv4. Các CQNN ở các quốc gia ứng dụng IPv6 cao có thể kể đến Trung Quốc là 67%, Malaysia và nhiều quốc gia khác cũng đặt mục tiêu triển khai IPv6 đạt 50% và là yêu cầu bắt buộc. Quốc tế đang triển khai rầm rộ và mức độ triển khai đã đạt 200%.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Việt Nam, hạ tầng đã sẵn sàng đáp ứng IPv6 với hệ thống DNS quốc gia đạt 6/7 cụm máy chủ hỗ trợ IPv6, VNIX có 17/20 ISP kết nối qua IPv4/IPv6. Hạ tầng mạng dịch vụ Internet, 8,6 triệu thuê bao FTTH triển khai IPv6, 8,5 triệu thuê bao có IPv6, 6000 website tên miền .vn đã triển khai IPv6.

Về nguồn nhân lực, các CQNN, DN đã được tập huấn, đào tạo IPv6.

CQNN, DN nội dung cần đẩy mạnh chuyển đổi IPv6 hướng tới hoàn thành tổng thể Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6”, Phó Trưởng ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia nhấn mạnh.

Tiếp nối chương trình Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2019, chương trình tập huấn triển khai IPv6 dành cho CQNN khu vực phía Bắc được tổ chức trong hai ngày 07/5 và 08/5/2019 tại Hà Nội.

Chương trình tập huấn cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về quy hoạch, triển khai hệ thống mạng, dịch vụ trên nền tảng công nghệ IPv6. Các học viên tham dự chương trình sử dụng kiến thức đã được đào tạo, tập huấn để xây dựng kế hoạch, quy hoạch và triển khai mạng IPv6 phù hợp cho đơn vị của mình.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh triển khai IPv6, Việt Nam xếp thứ 7 thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO