Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế

Lan Phương| 14/07/2017 15:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo 16 công tác trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2017, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Ngày 14/7/2017, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017. Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ ngành, các Hội, Hiệp hội TT&TT. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Một số nét nổi bật trong công tác TT&TT 6 tháng đầu năm 2017

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2017, Ngành TT&TT đã có nhiều kết quả đáng mừng. Sự cố gắng, nỗ lực của toàn Ngành TT&TT, của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp (DN) đã góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Cụ thể, một số nét nổi bật trong hoạt động lĩnh vực TT&TT là:

Với sự ra đời của Thông tư 38/2016/TT-BTTTT về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, nhiều DN lớn trên thế giới như Google, Facebook đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Điều này được phản ánh rõ nét thông qua việc các DN này đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện xử lý hàng nghìn nội dung thông tin vi phạm pháp luật (riêng Youtube đã gỡ bỏ hơn 3000 clip, xóa 106 tài khoản giả mạo, Facebook đã xóa 600 tài khoản).

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, tình trạng SIM rác tin nhắn rác đã có sự chuyển biến mạnh mẽ sau nhiều năm là vấn nạn của xã hội. Gần 24 triệu SIM rác đã bị xử lý. Dư luận của xã hội về vấn đề này là bằng chứng cụ thể nhất cho những nỗ lực của Bộ TT&TT trong quyết tâm làm lành mạnh hóa thị trường viễn thông Việt Nam.

Đồng thời, việc các DN viễn thông lớn tại Việt Nam đang tăng cường thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ 4G trên phạm vi toàn quốc cũng như chủ động thực hiện điều chỉnh giá cước chuyển vùng (roaming) quốc tế chiều về theo hướng dẫn của Bộ TT&TT đã phản ảnh rõ nét việc các đơn vị quản lý nhà nước, các DN viễn thông ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo lợi ích, quyền lợi cho khách hàng, cung cấp các dịch vụ tốt hơn, rẻ hơn cho người dân.

Công tác tuyên truyền, quản lý các cơ quan báo chí tại các điểm nóng ở một số địa phương trên cả nước, các thông tin, diễn biến phức tạp liên quan đến các mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị,... cũng đã được Bộ TT&TT thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Ngoài ra, việc nhiều cơ quan báo chí, phóng viên sai phạm tại cả trung ương và địa phương trong những tháng đầu năm được xử lý nghiêm đã thể hiện nỗ lực của Bộ TT&TT trong việc làm lành mạnh hóa lĩnh vực báo chí tại Việt Nam.

Song song với công tác thực thi các quy định của pháp luật, Bộ TT&TT cũng thực hiện nghiêm túc, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng VBQPPL. Trong 6 tháng vừa qua Bộ TT&TT đã tập trung nguồn lực triển khai xây dựng đúng tiến độ nhiều VBQPPL. Tính đến nay, Bộ đã hoàn thành gần 70% kế hoạch (so với 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 15%). Đặc biệt, Lãnh đạo Bộ và các đơn vị trong Bộ cũng rất cầu thị, sẵn sàng tiếp thu và điều chỉnh đối với các ý kiến góp ý chính xác, phù hợp.

Về công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành của Bộ, Bộ trưởng nhấn mạnh trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành TT&TT đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực TT&TT tiếp tục được duy trì tốt, góp phần xây dựng Chính phủ và hệ thống hành chính liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và DN. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong Ngành ổn định, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh những kết quả, ưu điểm đã đạt được, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế. Đó là một số văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch do Bộ ban hành còn phải điều chỉnh tiến độ xây dựng; Tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục; Việc vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu các DN truyền hình trả tiền. Một số trang thông tin điện tử có bài viết, clip mang tính chất tuyên truyền, cổ xúy, đưa thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện; Việc cấp đổi Giấy phép hoạt động của một số nhà xuất bản còn gặp nhiều khó khăn do chưa đáp ứng các quy định của pháp luật về tổ chức và điều kiện hoạt động, tình trạng in lậu sách vẫn còn diễn ra với các thủ đoạn ngày càng tinh vi;

Việc duy trì Điểm Bưu điện - Văn hóa xã ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn gặp nhiều khó khăn do điều kiện vật chất chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thu nhập cho nhân viên thấp, các loại hình dịch vụ được cung cấp không nhiều.

Tình trạng SIM kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao không đúng, SIM rác vẫn còn tồn tại; mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về đăng ký và quản lý thuê bao di động trả trước còn chưa mang tính răn đe, trong khi một số quy định hiện hành chưa phù hợp. Nhiều người dùng phản ánh nhận được nhiều cuộc gọi quảng cáo không mong muốn, gây phiền phức. Các tuyến cáp quang biển liên tục gặp sự cố làm ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền Internet;

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại nhiều địa phương đạt hiệu quả chưa cao, thậm chí nhiều dịch vụ không có hồ sơ trực tuyến hoặc số lượng hồ sơ trực tuyến thấp. Nhiều dịch vụ còn triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lặp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ, sử dụng lại thông tin. Việt Nam vẫn là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới; Nguồn nhân lực an toàn thông tin Việt Nam hiện nay còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Bộ trưởng cho biết thêm "Việc theo dõi, tổng hợp công tác quản lý nhà nước tại địa phương còn khó khăn do một số địa phương gửi báo cáo về Bộ còn chậm và chưa đầy đủ; một số Sở TT&TT chưa chủ động báo cáo công tác xử lý vi phạm".

Một số công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo các công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017. Theo đó, toàn Ngành cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để hoàn thành tốt nhiệm vụ; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng lãng phí.

Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT, trong 6 tháng cuối năm các đơn vị, DN thuộc Bộ, các Sở TT&TT cần thực hiện tốt các công tác trọng tâm sau:

- Triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, cải cách hành chính và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực thi nhiệm vụ.

- Tập trung xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực TT&TT, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

- Triển khai Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước có trình độ cao nhằm nâng cao hiệu quả bộ máy. Phối hợp và hướng dẫn thực hiện mô hình tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ quan thông tấn, báo chí, hoạt động thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại; tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là việc triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch; Thực hiện tốt Luật Báo chí và định hướng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Tiếp tục chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Báo chí; 6 tháng cuối năm đẩy mạnh quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề bản quyền, đặc biệt đối với bản quyền các chương trình truyền hình.

- Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà xuất bản; Tiếp tục triển khai Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Ban hành các văn bản hướng dẫn và tích cực triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng và Nhà nước; Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách phát huy hiệu quả của các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã.

- Xây dựng các chính sách nhằm quản lý thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau, hạn chế SIM rác. Tăng cường các biện pháp thu hồi SIM trôi nổi trên thị trường.

- Hoàn thành việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Chỉ đạo phát triển bền vững dịch vụ viễn thông 4G. Triển khai Đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao. Tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định.

- Quản lý hiệu quả việc phát triển tài nguyên, đảm bảo an toàn hệ thống Internet và hệ thống tên miền quốc gia.

- Triển khai tốt hoạt động của Ủy ban Tần số vô tuyến điện quốc gia; Tập trung hoàn thành giai đoạn 2 và triển khai giai đoạn 3 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020.

Về CNTT, thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Luật CNTT, đồng thời thúc đẩy việc triển khai Chương trình mục tiêu về CNTT; Chương trình phát triển ngành công nghiệp CNTT giai đoạn 2020, tầm nhìn 2025; các khu CNTT tập trung; Tăng cường giám sát, đánh giá công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và triển khai dịch vụ công trực tuyến; tập trung thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; Thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh "Tập trung đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng cũng cần được đẩy mạnh. Tích cực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ATTT và tuyên truyền để nâng cao nhận thức toàn xã hội về công tác bảo đảm an toàn thông tin. Bảo đảm ATTT là trách nhiệm của từng người, từng địa phương, tổ chức... và của toàn hệ thống chính trị, xã hội. Hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức giám sát và ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công mạng. VNCERT, Cục ATTT cần tập trung tập huấn cho các đơn vị về ATTT.

Bên cạnh đó cần thực thi tốt chức năng quản lý nhà nước, chủ sở hữu đối với DN nhà nước; thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa các DN nhà nước thuộc lĩnh vực TT&TT. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TT&TT phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trên tất cả các lĩnh vực TT&TT, đặc biệt là lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông, thông tin điện tử, Internet. Đảm bảo tốt các hoạt động hợp tác quốc tế được Chính phủ phân công. Thực hiện hiệu quả nội dung các văn bản Chính phủ Việt Nam và Bộ TT&TT đã ký kết với các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức nước ngoài. Tăng cường và mở rộng các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương. Tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế; nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ cần quan tâm trả lời các kiến nghị của địa phương. Các địa phương gửi ý kiến về Bộ. Văn phòng Bộ tổng hợp và gửi các đơn vị trả lời. "Các đơn vị phải dứt khoát trả lời các địa phương, không để kiến nghị, thắc mắc của địa phương rơi vào im lặng. Văn phòng Bộ theo dõi các đơn vị trả lời ý kiến của địa phương”.

Kết thúc buổi lễ, Bộ trưởng quán triệt: "Toàn ngành nhất định hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm 2017”.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO