Chuyển động ICT

Tăng cường ứng dụng CNTT kiểm tra chất lượng dịch vụ chứng thực chữ ký số

QA 24/12/2023 07:07

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hình thức trực tuyến, sử dụng các hệ thống thông tin có sẵn để rà soát, đánh giá, kiểm tra hồ sơ thuê bao chứng thư chữ ký số (CKS).

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về CKS và dịch vụ chứng thực CKS, năm 2023, NEAC - Bộ TT&TT tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ đối với 08 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng bao gồm BkavCA, FPT-CA, EFY-CA, One-CA, EASYCA, HILO-CA, SAFE-CA, WINCA. Công tác kiểm tra tập trung vào đảm bảo điều kiện tài chính, nhân sự, kỹ thuật, cung cấp dịch vụ, quản lý thông tin và tuân thủ chế độ báo cáo.

chu-ky-so-vnpt.jpeg

Theo NEAC, từ năm 2020 đến nay, trong hoạt động kiểm tra, ngoài những nội dung cần kiểm tra trực tiếp, Trung tâm đã áp dụng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hình thức trực tuyến, sử dụng các hệ thống thông tin có sẵn để rà soát, đánh giá, kiểm tra hồ sơ thuê bao.

“Thông qua hoạt động kiểm tra hàng năm, NEAC đã đánh giá mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành và hướng tới chuẩn hoá hoạt động của các CA công cộng đáp ứng quy định quốc tế”, đại diện NEAC khẳng định.

Từ năm 2018 - 2022, Bộ TT&TT đã xử phạt 08 doanh nghiệp có các vi phạm như: hồ sơ thuê bao chưa hợp lệ, thiếu một số thành phần. Sau khi bị xử phạt, được nhắc nhở, chấn chỉnh thì không còn phát hiện các sai phạm và trong quá trình kiểm tra 08/22 CA công cộng (năm 2022) và 04 CA công cộng (6 tháng đầu năm 2023), cho thấy các CA công cộng được kiểm tra không còn các sai phạm nói trên.

Về cơ bản, trong năm 2023, các CA công cộng được đánh giá tuân thủ quy định tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan, đặc biệt là về hồ sơ đề nghị cấp chứng thư CKS (không có trường hợp cấp chứng thư chữ ký số cho thuê bao không có hồ sơ).

Căn cứ kết quả kiểm tra, NEAC cũng yêu cầu các CA công cộng nghiêm túc tuân thủ các quy định về hồ sơ thuê bao, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các CA công cộng cùng các đại lý tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực CKS của CA công cộng để đảm bảo chất lượng của dịch vụ chứng thực CKS công cộng và giảm thiểu những rủi ro gây mất an toàn trong giao dịch điện tử.

Hoạt động kiểm tra là hoạt động thường niên của NEAC góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức và thúc đẩy ứng dụng CKS

Từ năm 2018, Bộ TT&TT liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của CKS và dịch vụ chứng thực CKS; phổ biến các văn bản hướng dẫn, quy định mới trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực CKS, hướng dẫn quy trình ứng dụng CKS cho văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước.

Năm 2023, thay vì tổ chức các hội nghị tuyên truyền mang tính khu vực và đối tượng tỉnh như mọi năm, NEAC đã phối hợp Sở TT&TT các tỉnh Yên Bái, Sóc Trăng và Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Tuyên truyền về CKS, dịch vụ chứng thực CKS với sự tham gia của không chỉ các cán bộ đại diện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh mà còn mở rộng đối tượng tuyên truyền đến cả cán bộ cấp xã (bộ phận một cửa).

Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng trình bày về vai trò, lợi ích của CKS trong các hoạt động của Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kiến thức bổ ích để trang bị cho các cán bộ công chức, viên chức, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chất lượng, hiệu quả công tác này, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chuyển đổi số quốc gia.

Việc tăng cường triển khai các dịch vụ sử dụng CKS, đặc biệt là trong các dịch vụ công là chìa khóa để tạo nên các công dân số, đưa người dân lên môi trường số sẽ là mục tiêu của giai đoạn sắp tới.

Năm 2022, Bộ TT&TT xây dựng, công bố Báo cáo tình hình phát triển và ứng dụng CKS tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022. Đây là ấn phẩm thường niên cung cấp thông tin về CKS, dịch vụ chứng thực CKS nói riêng, giao dịch điện tử, Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và chuyển đổi số nói chung.

Bộ TT&TT đã phối hợp với 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng; các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng và các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến có sử dụng CKS để thu thập số liệu, tổng hợp và phân tích thông tin chính xác nhằm xây dựng Báo cáo.

Báo cáo tập trung vào một số nội dung chính như: Quản lý nhà nước về CKS và dịch vụ chứng thực CKS; Tình hình phát triển và ứng dụng CKS công cộng; Tình hình phát triển và ứng dụng CKS chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước; Tình hình phát triển và ứng dụng CKS chuyên dùng trong tổ chức, doanh nghiệp; Tình hình phát triển và ứng dụng CKS nước ngoài tại Việt Nam và ứng dụng CKS tại Việt Nam trong các lĩnh vực.

Báo cáo đã được phát hành rộng rãi đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và 63 địa phương.

Bộ TT&TT đã và đang tiếp tục có các định hướng, giải pháp để xây dựng các kế hoạch quản lý, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm nâng cao chất lượng quản lý và cung cấp dịch vụ chứng thực CKS, xác thực điện tử./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường ứng dụng CNTT kiểm tra chất lượng dịch vụ chứng thực chữ ký số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO