Diễn đàn

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là nhiệm vụ của lĩnh vực viễn thông

Hoàng Linh 16:36 29/03/2023

Đây là yêu cầu đặt ra đối với lĩnh vực viễn thông trước xu hướng bùng nổ kết nối trí tuệ nhân tạo (AI), chatGPT, mạng ảo, robotics, phần mềm điều khiển eKYC.

Tại hội thảo và triển lãm World Mobile Broadband & ICT năm 2023 diễn ra sáng 29/3 tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định lĩnh vực viễn thông phải có những chuyển dịch mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số.

Tương lai của viễn thông là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV) cho biết hội thảo là sự kiện thường niên do REV và IDG Việt Nam phối hợp tổ chức, là một diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm, đề xuất mô hình, giải pháp xây dựng, thiết lập hạ tầng băng thông rộng di động, cố định và các dịch vụ giá trị gia tăng, qua đó góp phần thúc đẩy việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số (CĐS) tại Việt Nam. Với sự bảo trợ của Bộ TT&TT, các hội thảo về băng thông rộng di động và ICT đã mang lại những giá trị tích cực cho lĩnh vực viễn thông nói riêng và cho ngành TT&TT nói chung.

ong-tran-duc-lai.jpg
Ông Trần Đức Lai: Ngành TT&TT đã và đang nỗ lực thực hiện và đề xuất nhiều quyết sách, giải pháp

Những năm gần đây thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch REV cho biết: “Ngành TT&TT đã và đang nỗ lực hết mình thúc đẩy những tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với lĩnh vực Điện tử Viễn thông và CNTT, thực hiện và đề xuất nhiều quyết sách, giải pháp nhằm đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội với nhiều định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển”.

Đó là những chính sách, kế hoạch thực hiện các chiến lược Make in Viet Nam, xây dựng và phát triển hạ tầng CNTT-TT số, đặc biệt là chiến lược CĐS quốc gia - một quyết sách rất quan trọng đã được khẳng định tại Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương VI khoá 8, theo đó CĐS là một phương thực mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Năm nay, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh các nhà cung cấp dịch vụ băng rộng và cộng đồng ICT đang tiếp tục tăng tốc CĐS, đẩy mạnh các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, đòi hỏi hạ tầng băng thông rộng và cố định cần có những cải tiến rất là tích cực. Các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng băng thông rộng, tốc độ cao bước vào một cuộc chuyển đổi mang tính bước ngoặt, đem lại cơ hội thuận tiện cho các doanh nghiệp Việt Nam CĐS.

Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, hội thảo có các nội dung chuyên sâu và hấp dẫn trong bối cảnh bùng nổ của các công nghệ mới trong các lĩnh vực viễn thông, đang tạo ra động lực để CĐS Quốc gia.

ong-le-van-tuan-29032023.jpg
Ông Lê Văn Tuấn: Tương lai của viễn thông đang đứng trước sự thay đổi

Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện - Bộ TT&TT cho biết tương lai viễn thông đang đứng trước những sự thay đổi. Tháng 2 và đầu tháng 3/2023, một sự kiện lớn của viễn thông thế giới là Đại hội di động thế giới (MWC) 2023 tại Barcelona với hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới tham gia. Thông thường MWC là nơi để giới thiệu những công nghệ mới về thông tin di động như 2G, 3G, 4G, 5G, nhưng các hội nghị chuyên ngành hiện nay cho thấy công nghệ di động chỉ chiếm một phần rất nhỏ của chương trình mà đang chuyển dần sang xu thế CĐS, chuyển đổi xanh với các ứng dụng, giải pháp cho ngành viễn thông, đặc biệt là di động.

Cục trưởng Lê Văn Tuấn cho biết 5G là một phần không lớn lắm tại MWC 2023, nhưng mở rộng kết nối (connectivity) sang các lĩnh vực khác và đang rất được quan tâm. “Vấn đề CĐS, chuyển đổi xanh là những vấn đề được quan tâm. CĐS, chuyển đổi xanh đã thành một nhiệm vụ để đến năm 2050, phát thải carbon bằng 0 là một trách nhiệm của nhà mạng”.

Với Việt Nam, ông Lê Văn Tuấn cũng cho biết chúng ta đang trong quá trình đó. “Thị trường viễn thông Việt Nam cũng giống thị trường thế giới đang trong quá trình bão hoà. Tuy nhiên, thị trường cáp quang đến hộ gia đình đang phát triển tốt, tác động đến rất nhiều mô hình phát triển”.

Vào cuối năm 2022, ông Lê Văn Tuấn cho biết Việt Nam đạt tỷ lệ cáp quang đến hộ gia đình là 75%, không nhiều nước trên thế giới làm được những điều này. “Cáp quang đến hộ gia đình đang thay đổi, tác động tới nhiều điều, trong đó có một ví dụ điển hình là tác động đến ngành truyền hình khi số lượng người xem trên kênh truyền hình truyền thống đang ít đi. Các chỉ số đo lường đang cho thấy điều đó, kể cả truyền hình số mặt đất. Người dân hiện nay xem truyền hình qua Internet ngày càng nhiều”.

Thông tin cụ thể hơn, ông Lê Văn Tuấn cho biết ngay tại trung tâm Barcelona, Tây Ban Nha còn hộ gia vẫn dùng anten thu truyền hình số mà việc này đã không còn có ở Hà Nội, thậm chí ở các địa phương. “Điều này tác động tới sự thay đổi hạ tầng viễn thông. Hạ tầng thay đổi đang làm thay đổi đến các phương thức truyền thông khác như truyền hình, sau đó là phát thanh và tác động đến người làm công tác quản lý tần số, phổ tần trước việc các hộ gia đình sử dụng tần số lớn đang thay đổi”.

Đi kèm với phát triển của cáp quang là sự phát triển của WiFi và hệ sinh thái WiFi. Ông Lê Văn Tuấn cho biết ngày càng nhiều người kết nối qua WiFi, IoT qua WiFi, do đó người dùng cần băng thông lớn hơn để trải nghiêm kết nối Internet tốt hơn. Vì vậy, một trong những nội dung quan trọng mà Hội nghị thông tin Vô tuyến châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 và Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (WRC) sắp tới sẽ trao đổi là có hay không có băng tần cho WiFi. Điều này cho thấy sự cạnh tranh giữa mảng di động truyền thống và DN ủng hộ WiFi lấy bao nhiêu băng tần này cho WiFi.

3 trụ cột cho tầm nhìn 6G

Là chuyên gia trong lĩnh vực tần số VTĐ, ông Đoàn Quang Hoan, Tổng thư ký REV đã chia sẻ về sự phát triển 5G và 6G trên thế giới và Việt Nam. Theo các số liệu, đến cuối năm 2022, số lượng thuê bao 5G đạt 1 tỷ thuê bao. Mức độ triển khai thuê bao 5G nhanh hơn 4G sau khi ra mắt vào năm 2009, đạt 1 tỷ thuê bao sớm hơn 2 năm so với 4G. Dự báo đến cuối năm 2028, 5 tỷ thuê bao 5G trên toàn cầu, chiếm 55% tổng số thuê bao di động.

Tuy nhiên, có một số hạn chế như IoT thực tế khác xa tầm nhìn, vùng phủ 5G vẫn bị hạn chế không như kỳ vọng.

ong-doan-quang-hoan-29032023.jpg
Ông Đoàn Quang Hoan:  Tầm nhìn 6G gồm 3 trụ cột

Ông Đoàn Quang Hoan cũng đã chia sẻ về tầm nhìn 6G. Theo đó, 6G đang được hình dung như một nền tảng có thể đáp ứng các đổi mới đến từ nhiều lĩnh vực, bao gồm kết nối, điện toán, trí tuệ nhân tạo (AI), mạng cảm biến và ảo hóa. “Những đổi mới này cần được thực hiện nguyên bản trong mạng lõi và mạng truy cập vô tuyến”.

Cơ sở hạ tầng 6G phải cung cấp các giải pháp tổng thể và từ đầu đến cuối để kích hoạt một loại ứng dụng mới, bao gồm metaverse, truyền thông avatar, bản sao số và mạng cảm biến.

6G cũng được thiết kế để giải quyết các yêu cầu về phạm vi phủ sóng toàn cầu, hiệu quả phổ tần, lượng khí thải carbon, hiệu quả chi phí, an ninh mạng và trí thông minh nhúng thông qua triển khai AI tự nhiên

Nhấn mạnh về tầm nhìn 6G, ông Đoàn Quang Hoan cho biết phải theo 3 trụ cột: (1) hội tụ điện toán - truyền thông; (2) hội tụ viễn thông; (3) hội tụ không gian vật lý và không gian kỹ thuật số./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là nhiệm vụ của lĩnh vực viễn thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO