Đến năm 2025, Bình Phước cơ bản hình thành chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

Trường Thanh| 02/06/2022 10:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Đó là một trong những nội dung đặt ra tại Kế hoạch 162/KH-UBND phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn tỉnh Bình Phước được UBND tỉnh ban hành mới đây.

Theo Kế hoạch, phong trào thi đua sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Đối tượng thi đua gồm: tập thể là các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp (DN), tổ chức hợp pháp; cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, DN, tổ chức hợp pháp trên địa bàn tỉnh.

Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Trong đó, năm 2022 ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua và UBND tỉnh yêu cầu 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch phát động, triển khai phong trào thi đua trong phạm vi lĩnh vực, đối tượng phụ trách. Năm 2023, thực hiện triển khai sâu rộng phong trào, tổ chức thực hiện các nội dung kế hoạch; tổ chức sơ kết phong trào thi đua vào quý IV năm 2023. Giai đoạn 2024 - 2025, tiếp tục triển khai phong trào thi đua theo nội dung đã phát động; tổ chức tổng kết phong trào thi đua vào quý IV năm 2025.

Kế hoạch cho biết, thông qua phong trào thi đua nhằm phát huy, khuyến khích tính sáng tạo của các tổ chức, cá nhân, từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng; hoàn thiện nền tảng dữ liệu số; quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn các giao dịch trên không gian mạng.

Phong trào thi đua cũng nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số (CĐS) trong xã hội và hành động đồng bộ ở các cấp, với sự tham gia của toàn dân thực hiện thắng lợi chương trình CĐS của tỉnh, quốc gia.

9 nhóm nội dung thi đua chuyển đổi số

UBND tỉnh yêu cầu tập trung vào 9 nhóm nội dung thi đua CĐS giai đoạn 2022-2025, cụ thể:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về CĐS; nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS, gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của CĐS với các nghị quyết, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hai là, xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình CĐS theo từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho CĐS, thúc đẩy Chính phủ số, khuyến khích DN tham gia vào nền kinh tế số, phát triển xã hội số.

Ba là, tích cực bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người dân và DN; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CNTT, thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh.

Bốn là, ưu tiên đảm bảo các nguồn lực để thực hiện các hoạt động CĐS.

Năm là, tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp, công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS.

Sáu là, đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các DN công nghệ nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất sản phẩm, dịch vụ mới, từng bước ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... trong tổ chức quản lý, phát triển kinh tế của tỉnh.

Bảy là, tích cực xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, DN khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tám là, tăng cường đảm bảo an ninh thông tin và an toàn dữ liệu, phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử, kịp thời cảnh báo cũng như xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Chín là, chú trọng ưu tiên, đẩy mạnh thi đua CĐS ở một số lĩnh vực: dân cư, tài nguyên, giáo dục và đào tạo, y tế, tài chính - ngân hàng, dịch vụ công, nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, sản xuất công nghiệp.

Triển khai xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở

UBND tỉnh yêu cầu phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực và đạt hiệu quả.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, DN phải coi việc thực hiện phong trào thi đua là nhiệm vụ quan trọng, luôn song hành trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của đơn vị, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy nhanh tiến độ CĐS theo từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc bình xét, lựa chọn và đề nghị khen thưởng phải được thực hiện từ cơ sở và đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch và kịp thời.

Trước đó, ngày 28/5, UBND tỉnh Bình phước cũng đã ban hành Công văn 1231/UBND-KGVX về triển khai tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tổ công nghệ số cộng đồng do UBND cấp xã quyết định thành lập. Mỗi xã sẽ thành lập 01 tổ công nghệ số cộng đồng; mỗi thôn, ấp, khu phố thành lập 01 tổ công nghệ số cộng đồng với những thành viên có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn để hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.

Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác CĐS đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện CĐS trong từng lĩnh vực của đời sống, từ đó cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại thôn, ấp, khu phố.

UBND tỉnh yêu cầu Sở TT&TT hướng dẫn, giao chỉ tiêu tổ công nghệ số cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời tổ chức hướng dẫn, theo dõi giám sát và kiểm tra công tác thiết lập tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương; kịp thời báo cáo UBND tỉnh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để có sự điều chỉnh, đảm bảo hiệu quả công tác triển khai tổ công nghệ số cộng đồng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2025, Bình Phước cơ bản hình thành chính quyền số, kinh tế số, xã hội số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO