ĐHQG Hà Nội hướng tới xây dựng ĐH số, thông minh
Thủ tướng yêu cầu Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội đặc biệt quan tâm, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phát triển nhân lực nghiên cứu về công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn ở Việt Nam; Đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng CNTT hướng tới xây dựng ĐH số, thông minh.
Ngày 14/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc với ĐHQG Hà Nội - cơ sở giáo dục ĐH với bề dày lịch sử 117 năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm trụ sở mới của ĐHQG Hà Nội, nghe lãnh đạo ĐHQG báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động nói chung, trong đó có công tác đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như tình hình đào tạo và nghiên cứu khoa học lĩnh vực vi mạch tích hợp bán dẫn; thăm triển lãm về công nghệ chip bán dẫn của ĐHQG Hà Nội.
Hình thành đô thị ĐH thông minh, hiện đại
Theo báo cáo, khu đô thị ĐH bước đầu được định hình và không ngừng hoàn thiện, theo mô hình 5 trong 1 theo chỉ đạo của Thủ tướng, gồm: Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị ĐH thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.
Với tư cách là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu, ĐHQG Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai Chiến lược khoa học công nghệ (KHCN) và ĐMST của ĐHQG Hà Nội giai đoạn 2021-2030 nhằm định hướng phát triển KHCN trong thời gian tới lên một tầm cao mới, đồng thời là đột phá để phát triển ĐHQG Hà Nội trở thành đại học thông minh, ĐMST.
ĐHQG Hà Nội đã xây dựng và ban hành quy chế đào tạo các bậc học tiệm cận chuẩn mực quốc tế; Mở mới các chương trình đào tạo bậc ĐH theo hướng liên ngành, xuyên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình, đề tài KHCN trọng điểm quốc gia; tích cực tham gia tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương; phối hợp đề xuất một số chính sách thí điểm để thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu từ đầu tư công vào sản xuất kinh doanh.
ĐHQG đã đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về năng lượng, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, điện tử y sinh...
Đặc biệt, ĐHQG Hà Nội là một trong các đơn vị tiên phong, có năng lực tham gia, dẫn dắt hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển ứng dụng về công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn. Mỗi năm cung cấp cho thị trường lao động gần 1.200 sinh viên có chuyên môn liên quan đến thiết kế vi mạch, nâng tổng số sinh viên đã tốt nghiệp các ngành này đến nay lên trên 12.000 người.
Đầu tư phát triển nhân lực nghiên cứu công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần quan tâm đào tạo nhân lực trong cả 3 lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản, quản lý và ứng dụng, nhất là các ngành mũi nhọn, các xu thế phát triển mới để có thể "đi sau, về trước" như CĐS, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, ĐMST, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng khi thăm triển lãm về công nghệ chip bán dẫn, mặc dù còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết để nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất chip.
Thủ tướng đề nghị, ĐHQG Hà Nội không ngừng ĐMST để xây dựng ĐHQG Hà Nội thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học theo mô hình hiện đại, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và quốc tế; Phát triển toàn diện cả bề rộng và chiều sâu, tập trung vào một số lĩnh vực khoa học cơ bản, đào tạo chuyên ngành, mũi nhọn, chất lượng cao, có thế mạnh của Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới, nhất là đào tạo chuyên sâu về CĐS, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, ĐMST, kinh tế tuần hoàn…
Cùng với đó gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng…; Thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST, thương mại hóa các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học trên cơ sở tăng cường hợp tác công tư; Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng CNTT hướng tới xây dựng ĐHQG số, thông minh.
Thủ tướng yêu cầu ĐHQG Hà Nội đặc biệt quan tâm, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phát triển nhân lực nghiên cứu về công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn ở Việt Nam; chú trọng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa trong lĩnh vực này./.