Đi tìm giải pháp mạnh để bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân

CTV| 12/11/2021 10:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Thông tin cá nhân đang có xu hướng trở thành "hàng hóa" mà kẻ xấu tìm đủ cách chiếm đoạt và khai thác cho nhiều mục đích khác nhau, điển hình là các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tế đó đòi hỏi cơ quan bảo vệ pháp luật cần mạnh tay hơn trong việc xử lý loại tội phạm này.

Trong nhiều vụ án tội phạm đã dùng thông tin cá nhân của người khác để trục lợi, lừa đảo xảy ra trong thời gian gần đây, các đối tượng phạm tội có trình độ tin học cao đã tiến hành thu thập thông tin cá nhân trái phép bằng cách sử dụng mã độc, phần mềm có tính năng gián điệp để thu thập dữ liệu cá nhân trong môi trường mạng qua máy tính và điện thoại di động. Tội phạm đã tấn công, xâm nhập hệ thống máy tính, làm gián đoạn, tổn hại tới tính bí mật, tính toàn vẹn và sẵn sàng của máy tính người sử dụng để chiếm đoạt thông tin, dữ liệu cá nhân. Các hoạt động thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, kinh doanh đa cấp qua mạng... đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây nguy cơ mất an ninh mạng.

Trên thế giới hiện có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tại Việt Nam, hiện đã có khung pháp lý cơ bản về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân.  Ngày 10/4/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nghị định này lần đầu tiên có quy định tại khoản 5 Điều 3 giải thích: "Thông tin cá nhân" là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: Họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân, số hộ chiếu. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm có hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác."

Đi tìm giải pháp mạnh để bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân - Ảnh 1.

Lực lượng công an kịp thời ngăn chặn các hoạt động lợi dụng việc quản lý các thông tin, dữ liệu cá nhân của công dân để mua bán, trao đổi, sử dụng các thông tin, dữ liệu cá nhân trái pháp luật.

Có rất nhiều trường hợp người dân bắt buộc phải kê khai các thông tin cá nhân như khi mở tài khoản ngân hàng, làm thủ tục đăng ký nhập học cho con, đưa giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, hộ chiếu cho các cơ sở lưu trú sao lưu... Các thủ tục này là hợp pháp. Khi thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn, an ninh cho thông tin cá nhân mà họ thu thập và lưu trữ; Ngăn ngừa các hành vi đánh cắp hoặc tiếp cận, sử dụng, thay đổi thông tin trái phép. Nhưng một số cơ quan, tổ chức, cá nhân đã bán các thông tin cá nhân cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, đào tạo… kiếm lời.

Để giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hành vi trộm cắp danh tính, phòng ngừa các hoạt động tấn công mạng, tăng cường công tác bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân của công dân, các lực lượng An ninh kinh tế, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát hình sự, An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tham mưu, hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương quán triệt Nghị định 15/2020/NĐ - CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, các doanh nghiệp về các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước các hoạt động quản lý căn cước công dân, hộ tịch, lý lịch tư pháp, hộ chiếu, ngân hàng, bảo hiểm y tế… nhằm kịp thời ngăn chặn các hoạt động lợi dụng việc quản lý các thông tin, dữ liệu cá nhân của công dân để mua bán, trao đổi, sử dụng các thông tin, dữ liệu cá nhân trái pháp luật.

Ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó giao Bộ Công an chủ trì xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm yếu tố pháp lý cho triển khai công tác bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân ở nước ta và bảo đảm hoạt động cho Chính phủ điện tử.

Lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là nòng cốt chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng ngừa tội phạm liên quan tới thông tin, dữ liệu cá nhân; Tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tổ chức, người dân tham gia mua bán, giao dịch liên quan tới thông tin, dữ liệu cá nhân. Các vụ việc an ninh, trật tự liên quan tới thông tin, dữ liệu cá nhân cần được tổng kết, tuyên truyền rộng rãi trên báo chí để nhân dân cảnh giác, phòng ngừa.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm giải pháp mạnh để bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO