Dịch vụ thoại và tin nhắn miễn phí (OTT) : Hiện trạng và những thách thức đối với Doanh nghiệp Viễn thông Việt Nam

03/11/2015 21:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (Facebook, Twitter…) thì những ứng dụng nhắn tin miễn phí trên điện thoại - OTT (Over the Top), như Viber, WhatsApp, Line, KakaoTalk đã bắt đầu bùng nổ từ 2 năm qua và tác động mạnh đến doanh thu của tất cả các các nhà mạng trên thế giới.

Nguyên nhân đó chính là vì nhiều năm nay các dịch vụ nhắn tin là một trong những nguồn thu lớn của các nhà mạng nhưng nay một số lượng lớn tin nhắn đã đổ dồn sang những dịch vụ miễn phí. Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Ovum, sự gia tăng của các ứng dụng nhắn tin miễn phí đã khiến các nhà mạng bị “nẫng tay trên” đến 23 tỷ USD doanh thu trong năm 2012, và dự đoán con số này sẽ tăng lên 54 tỷ USD trong năm 2016.

 Theo một báo cáo của Mobile SQUARED được thực hiện tại 68 thị trường viễn thông hành đầu thế giới (có Việt Nam) công bố vào tháng 8/2012 thì Skype đang dẫn đầu của thị trường OTT với hơn 900 triệu người dùng sử dụng khoảng hơn 1 tỷ phút miễn phí/ngày và hơn 40 triệu phút trả phí giá rẻ/ngày. Theo số liệu thống kê thì có tới 79% nhà mạng đồng ý rằng khách hàng của dịch vụ OTT đang đe dọa trực tiếp đến doanh thu từ dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống của mình. 

  Cũng theo Báo cáo này thì có tới 73.7% nhà mạng cho rằng, dịch vụ OTT đang ảnh hưởng nhất đến dịch vụ nhắn tin của các nhà mạng. Theo dự báo của MobileSQUARED, tổng số thuê bao điện thoại toàn cầu vào khoảng 7 tỷ thuê bao, riêng số thuê bao sử dụng dịch vụ OTT sẽ tăng từ 276,8 triệu thuê bao năm 2012 lên 1,32 tỷ thuê bao vào năm 2016. Nếu như năm 2012, 20% người sử dụng điện thoại thông minh sử dụng dịch vụ OTT thì con số này sẽ tăng lên 45% vào năm 2016. Cũng theo dự báo này thì thị trường OTT sẽ có giá trị khoảng 166,5 tỷ $ vào năm 2016 và những ảnh hưởng của nó đến doanh thu của các nhà khai thác viễn thông có thể nhìn thấy ngay từ bây giờ. Dịch vụ OTT ảnh hưởng đến dịch vụ nhắn tin từ mức 4,2 tỷ $ năm 2012 lên 12,5 tỷ $ vào năm 2016. Ảnh hưởng của dịch vụ OTT lên dịch vụ thoại thậm chí còn rõ rằng hơn với lợi nhuận dự báo giảm từ 714 tỷ$ (năm 2012) xuống 573,51 tỷ $ (năm 2016).

Về sự phát triển của dịch vụ OTT tại Việt Nam, hiện Viber đã đạt được cột mốc 3,5 triệu người dùng tại Việt Nam dù hãng này không có bất kỳ hoạt đồng quảng bá nào. 3 ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng khác là Line, Kakao Talk, Zalo cũng lần lượt công bố số người dùng của mình ở Việt Nam đạt mốc 1 triệu người dùng và chạy đua quảng bá hình ảnh để sớm đạt cột mốc 2 triệu thuê bao. Mặc dù số lượng thành viên mà Line, Kakao Talk, Zalo hay Viber công bố không mang nhiều ý nghĩa vì đó chủ yếu là số liệu lượt tải chứ không phải số liệu thành viên sử dụng thực sự (active user) và cũng không có sự kiểm chứng của các đơn vị độc lập nhưng theo các chuyên gia thì số lượng active user trung bình của các ứng dụng như Line, Kakao Talk, Zalo... dao động ở mức 50 - 60%. Hiện chưa có thống kê về các dịch vụ OTT của các nhà cung câp hàng đầu trên thị trường như  Skype, Facebook Messenger hay Yahoo Messenger, Opera… (xem Bảng 1 và 2).

Theo số liệu thống kê, sau 20 năm phát triển viễn thông, Việt Nam đang có 71.534 trạm phát sóng di động, với mạng 2G phủ sóng 100% dân số và mạng 3G đã phủ sóng đến 70% dân số. Phục vụ cho 30,2 triệu người sử dụng với 37% thuê bao ở khu vực thành thị, 63% ở nông thôn. Hiện cứ 5 người Việt Nam có 1 người dùng Smartphone, cứ 20 người Việt Nam có 1 người dùng máy tính bảng (5/2013), có tới 19 triệu người truy cập Internet qua di động chiếm 21,6% dân số. Số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường di động Flurry (Mỹ) cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng số lượng smartphone, tablet chạy Android và iOS trong năm 2012; cộng thêm việc cước 3G của Việt Nam thấp hơn các nước khoảng 40% càng chứng tỏ Việt Nam đang là một thị trường thích hợp để các ứng dụng OTT phát triển. Như vậy, có thế thấy, dịch vụ OTT đang có mảnh đất mầu mỡ và rất tiềm năng để phát triển tại Việt Nam.

Về những ảnh hưởng của dịch vụ OTT lên thị trường viễn thông Việt Nam, theo đánh giá củaTập đoàn VNPT, các dịch vụ OTT để gọi điện thoại, nhắn tin di động miễn phí qua môi trường Internet đã gây thiệt hại rất lớn đến doanh thu của VNPT (từ 9-10% tổng doanh thu). Thống kê của MobiFone cho thấy, số lượng cuộc gọi trên Viber ở Việt Nam khoảng 280.000 cuộc/ngày và 8,7 triệu SMS/ngày. Như vậy, mỗi năm MobiFone thất thu xấp xỉ 1.000 tỷ đồng do OTT trong khi lượng tiền data thu về không đáng bao nhiêu. Chưa dừng ở đó, theo MobiFone, trong dịp Tết Nguyên Đán 2013, số lượng thuê bao và lưu lượng 3G tăng rất mạnh, gấp khoảng 5 lần so với ngày bình thường, khi nhiều thuê bao đã sử dụng các dịch vụ trên nền 3G như SMS, thoại miễn phí, mạng xã hội. Vì vậy, các dịch vụ SMS và thoại truyền thống của MobiFone trong dịp Tết đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn đại diện Viettel Telecom nhận định rằng, do xu hướng các dịch vụ OTT như gọi điện thoại, nhắn tin di động miễn phí qua Internet tăng rất nhanh nên Viettel bị tác động giảm doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm. Một điều dễ hiểu vì sao những ứng dụng nhắn tin này đã khiến các nhà mạng đau đầu. Nguyên nhân đó chính là vì nhiều năm nay các dịch vụ nhắn tin là một trong những nguồn thu lớn của các nhà mạng nhưng một số lượng lớn tin nhắn đã đổ dồn sang những dịch vụ miễn phí.

Một trong những nguyên nhân khiến cho các nhà mạng tại Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi các dịch vụ OTT là do cách thức kinh doanh của các nhà mạng Việt Nam khác với các hãng viễn thông trên thế giới, cũng như tình trạng phát triển thuê bao trả trước gấp nhiều lần thuê bao trả sau do chính sách khuyến mại của doanh nghiệp viễn thông. Tại hầu hết các thị trường viễn thông các nước phát triển, các nhà mạng đều ký hợp đồng với người sử dụng dịch vụ theo hợp đồng 12 hoặc 24 tháng. Chỉ số doanh thu bình quân thuê bao/ tháng (ARPU) thường ở mức cao gấp 5-10 lần so với mức ở Việt Nam (3-4$/tháng). Ví dụ: Với gói cước từ 29$/tháng, ngoài được tặng máy, người sử dụng dịch vụ có thể hưởng nhiều tiện ích gọi điện nội mạng, nhắn tin miễn phí và dữ liệu truy cập Internet thoải mái, miễn phí khi truy cập các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, TWITTER…

GIẢI PHÁP CỦA CÁC NHÀ MẠNG VỚI DỊCH VỤ OTT VÀ ĐỀ XUẤT VỚI DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG VIỆT NAM

Trước sự phát triển nhanh và mạnh của các dịch vụ OTT, các hãng viễn thông trên thế giới đều thấy rõ những tác động của dịch vụ OTT đến doanh thu các dịch vụ truyền thống của mình. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như vừa cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ của mình vừa tiến hành bắt tay hợp tác nhằm tiến tới mục tiêu tối đa hóa các tiện ích dành cho khách hàng. Theo nghiên cứu của Mobile SQAURED, khoảng 16% nhà mạng tin rằng họ có thể tại ra doanh thu từ các dochj vụ OTT, trong khi có tới 2/3 các nhà khai thác tin rằng họ có thể kiếm tiền từ các dịch vụ OTT, nhưng chỉ ở chi phí của doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn.

 Một giải pháp mà người ta nhắc đến nhiều nhất đó là cần có một cái bắt tay hợp tác giữa các nhà mạng và các nhà phát triển OTT. Mặc dù việc hợp tác một mặt sẽ giúp bùng nổ các dịch vụ OTT và làm giảm doanh thu từ tin nhắn SMS, nhưng mặt khác sẽ giúp các nhà mạng vẫn theo kịp xu hướng phát triển của thị trường, và cũng sẽ tăng được doanh thu thông qua các gói cước thuê bao của dịch vụ nhắn tin miễn phí này. Mạng 3HK (

www.three.com.hk) của Hong Kong vừa ký hợp đồng độc quyền với dịch vụ WhatsApp, cho phép người dùng đóng phí 1 USD/tháng để sử dụng các dịch vụ của WhatsApp thoải mái mà không bị ảnh hưởng đến chất lượng dữ liệu kể cả khi đi nước ngoài. Tương tự, Liên minh Viễn thông Ấn Độ cũng ra mắt gói dịch vụ “WhatsApp Plan” với giá 0,3 USD/tháng, cho phép người dùng sử dụng WhatsApp và Facebook không giới hạn. Trong khi đó, tập đoàn KDDI (Nhật Bản) cũng đã bắt tay với Line theo một cách thức hoàn toàn khác. Nhà mạng này bổ sung Line vào danh mục dịch vụ khuyến mãi cùng với 500 ứng dụng khác. Người dùng sẽ trả cước 4,7 USD/tháng. Tương tự như vậy, các nhà mạng tại Anh, Mỹ, Úc cũng thực hiện mục tiêu bắt tay với các dịch vụ OTT bằng việc đưa gói dịch vụ này nằm trong gói cước hàng tháng (Plan/Contract), theo đó, người sử dụng khi sử dụng gói cước của nhà mạng cung cấp theo hợp đồng, sẽ được miễn phí dữ liệu các dịch vụ OTT (Facebook, Twitter, WhatsApp, Skype… ) và xem dịch vụ OTT như một đối tác kinh doanh của mình. Chẳng hạn, Skype là đối tác hàng đầu của mạng 3UK và Verizon.

 Đối đầu cũng là một giải pháp mà một số nhà mạng trên thế giới lựa chọn để “sống còn” với các đối thủ OTT. Verizon Wireless (Mỹ) đang nâng cấp dịch vụ nhắn tin Verizon Messages để cho phép người dùng gửi và nhận tin nhắn SMS và MMS trên nhiều nền tảng khác nhau, điện thoại, máy tính bảng Android, iOS. Tin nhắn của Verizon được lưu trữ đám mây cho tất cả các thiết bị và có thể lưu được tối đa trong 90 ngày nếu người dùng không xóa. Người dùng cũng có thể lưu tin nhắn trong thẻ nhớ.  Dịch vụ Verizon còn cho phép người dùng cài đặt thông điệp tin nhắn trả lời tự động (Auto Reply) và các thông báo có thể tùy biến. Một công cụ tìm kiếm nội dung (Content Finder) giúp người dùng tìm kiếm hình ảnh, link trang web, thông tin liên lạc trong các tin nhắn một cách dễ dàng hơn. Có thể thấy đây là một động thái cạnh tranh mạnh mẽ của nhà mạng trước sức ép quá lớn từ các ứng dụng OTT. Tương tự, mạng T-Mobile USA giới thiệu Bobsled và Telefonica giới thiệu Tu Me là những ứng dụng cho phép gọi điện và nhắn tin miễn phí. Còn các nhà mạng như Orange, Vodafone, Telefonica, Telenor và T-Mobile cũng đang cố gắng tại ra một tiêu chuẩn dịch vụ OTT mới bằng cách cho phép triển khai  Rich Communication Services (RCS-e)- Dịch vụ cung cấp tin nhắn tức thời, video trực tiếp hoặc chia sẻ tập tin trên bất kỳ mạng và thiết bị nào với tất cả các địa chỉ liên lạc trong danh bạ. Các nhà mạng cũng tiến hành khóa/chặn dịch vụ OTT bằng nhiều cách khác nhau. Theo thống kê, số lượng các nhà mạng chặn dịch vụ OTT tăng từ 5,4% (2011) lên 10,5% (2012). Số lượng các nhà mạng đặt thêm phụ phí với dịch vụ OTT tăng gấp 3 lần từ 5% lên 15,8%.

 Tại Việt Nam, đối đầu hay hợp tác với các dịch vụ OTT cũng đang được các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà mạng quan tâm vì những ảnh hưởng của dịch vụ này đến doanh thu của thị trường viễn thông và sự phát triển lành mạnh của thị trường viễn thông Việt Nam trong xu hướng hội tụ của công nghệ viễn thông và Internet. Đứng ở góc độ nhà quản lý, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT khẳng định các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí là xu hướng của cả thế giới và không thể đi ngược lại xu hướng đó. Hay nói khác đi, thị trường viễn thông thế giới đã chấp nhận xu hướng này thì Việt Nam không có lý gì để đi ngược lại. Với các nhà mạng tại Việt Nam, bắt tay với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT để đưa ra gói cước mới, ăn chia doanh thu với những doanh nghiệp OTT đều là những giải pháp với những ưu và nhược điểm riêng. Quan điểm của VNPT là chấp nhận dịch vụ OTT như một xu thế công nghệ mới và nhà mạng không thể "cưỡng" lại được. Trên cơ sở đó, VNPT sẽ ngồi lại, thống nhất với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT để đưa ra giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp, nhà mạng và nhất là quyền lợi của người dùng di động. Đại diện MobiFone và Viettel đều khẳng định mong muốn hợp tác với doanh nghiệp nội dung để đưa ra những gói cước phù hợp. Công ty VNG- công ty phát triển dịch vụ Zalo, đã ngỏ ý muốn hợp tác cùng với các nhà mạng nhằm cung cấp các dịch vụ gia tăng để sau đó chia sẻ lợi nhuận. Mặc dù vậy, để tránh việc các doanh nghiệp di động cạnh tranh quá mức dẫn đến phá giá, theo các chuyên gia viễn thông thì Bộ TT&TT nên quy định các gói cước cũng như giá sàn cước dữ liệu.

Tuy nhiên trong khi chờ đợi các giải pháp thiết thực thì giải pháp đầu tiên mà các nhà mạng triển khai đó chính là nâng giá cước thuê bao 3G từ 40.000/tháng lên 50.000/tháng. Hướng xử lý này sẽ giúp các nhà mạng thu về thêm 100 tỷ đồng mỗi tháng. Tuy vậy, có vẻ như đây không phải là giải pháp dài hơi bởi việc tăng giá cước đã gây ra nhiều tranh cãi. Mặc dù giá cước chỉ tăng lên 10.000 đồng/tháng, nhưng đây lại là mức tăng 25% so với giá trước đó. Trong khi đó, không phải tất cả khách hàng thuê bao 3G đều sử dụng các dịch vụ OTT nên sẽ có nhiều người không chấp nhận việc nhà mạng tăng giá để bù lỗ do OTT gây nên.

Phát triển dịch vụ OTT của riêng mình cũng là giải pháp đối với các nhà mạng tại Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia về công nghệ, đứng trước sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ OTT, nếu không có một hợp đồng chung hợp lý thì chính các nhà mạng nên tự phát triển dịch vụ của riêng mình. Bởi, lợi thế của nhà mạng đã quá rõ. Các nhà mạng có một đặc quyền riêng, và chỉ có họ mới có thể tạo sự liên thông giữa các ứng dụng VoIP và VoLTE. Các nhà mạng có kinh nghiệm trong việc kết nối người dùng với các mạng lưới và các vùng địa lý khác nhau, và chính vì thế họ có thể tạo ra sự liên thông trong các ứng dụng. Nhờ đó, nếu các nhà mạng tham gia thị trường OTT thì họ sẽ có thế mạnh riêng, và tạo ra được sự khác biệt khi “mở” các ứng dụng OTT vốn bị “đóng” trong một nhóm người dùng. Nhờ đó, OTT của chính các nhà mạng sẽ hấp dẫn người dùng hơn các dịch vụ khác. Theo các chuyên gia về viễn thông, việc sự khác biệt là yếu tố “sống còn” giúp các nhà mạng tạo ra các sản phẩm cạnh tranh trong cuộc chạy đua với các ứng dụng OTT. Ngoài ra, các nhà mạng cũng cần phải kiểm soát được lộ trình phát triển dịch vụ của mình nhằm sáng tạo và đổi mới mà không cần phụ thuộc vào các bên thứ 3.

Bên cạnh các xu hướng trên, một trong những vấn đề cốt lõi mà các nhà mạng Việt Nam cần phải thay đổi đó chính là thay đổi tư duy kinh doanh của mình. Một thị trường viễn thông Việt Nam muốn phát triển lành mạnh và ổn định, thu hút nguồn đầu tư và công nghệ không thế đi ngược lại xu hướng chung của các nhà mạng trên thế giới đó là: phát triển mạnh thuê bao trả sau qua các hợp đồng (Plan/Contract) với các gói cước hợp lý (bao gồm cả thoại, tin nhắn và dữ liệu miễn phí) nhằm duy trì ổn định tỷ lệ ARPU và giảm thiểu các tác động của dịch vụ OTT lên doanh thu; nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đồng thời là nhà cung cấp thiết bị đầu cuối,  nâng cấp chất lượng dịch vụ và công tác chăm sóc khách hàng; hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ OTT để cùng "kích cầu" thị trường thông qua những gói cước mới để từ đó kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng và ăn chia doanh thu. Việc hợp tác này phải dựa trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các nhà mạng di động, doanh nghiệp nội dung Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài và đem lại cơ hội tốt nhất cho người dùng.

Tài liệu tham khảo:

1. White paper: “ Over The Top (OTT) Services: How Operators can ocercome the Fragmentation of Communication”. Report by Mobile SQUARED. August 2012.

2. Thế Phương, Nhà mạng mất hàng nghìn tỷ đồng/năm vì ứng dụng OTT. Chi tiếthttp://ictnews.vn/home/Vien-thong/5/Nha-maHYPERLINK "http://ictnews.vn/home/Vien-thong/5/Nha-mang mat-hang-nghin-ty-dongnam-vi-ung-dung-OTT/108832/index.ict"nHYPERLINK "http://ictnews.vn/home/Vien-thong/5/Nha-mang mat-hang-nghin-ty-dongnam-vi-ung-dung-OTT/108832/index.ict"g mat-hang-nghin-ty-dongnam-vi-ung-dung-OTT/108832/index.ict

3. Báo điện tử: Lao động, Dân trí, Thời báo kinh tế Việt Nam, …

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ thoại và tin nhắn miễn phí (OTT) : Hiện trạng và những thách thức đối với Doanh nghiệp Viễn thông Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO