Điện Biên: Tích cực triển khai các chính sách bảo vệ rừng

Đỗ Thêu| 06/12/2022 08:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hiện tượng biến đối khí hậu (BĐKH) có tác động ngày càng rõ nét. Sinh kế của người dân nơi đây chủ yếu vẫn là nông nghiệp, phụ thuộc vào thời tiết, các diễn biến thời tiết cực đoan như: Hạn hán, bão, lũ… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân.

Trong những năm gần đây, các loại hình thiên tai thường xảy ra tại khu vực này bao gồm: Tình trạng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá, lốc xoáy, nắng nóng, hạn hán, rét đậm, rét hại và băng tuyết. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như dông, mưa đá xuất hiện ngày càng nhiều và khó dự báo. Những hiểm họa từ thiên tai đã tác động nhiều tới kinh tế và đời sống của đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Điện Biên. Các lĩnh vực kinh tế bị tác động nặng nề bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp.

Điện Biên: Tích cực triển khai các chính sách bảo vệ rừng - Ảnh 1.

Người dân vùng cao tỉnh Điện Biên phát dọn thượng bì ngắn ngừa cháy rừng

Từ thực tế trên, UBND tỉnh Điện Biên đã giao cho ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ và người dân về những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của BĐKH với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân tích cực nhận khoán, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng rừng nhằm nâng cao chất lượng rừng và tỷ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. 

Cùng với đó tỉnh cũng tăng năng suất đầu tư của các hộ cá nhân, tổ chức tham gia trồng rừng phòng hộ và đặc dụng; công tác bảo tồn thiên nhiên cũng được đẩy mạnh, đa dạng sinh học thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên. Đặc biệt, tỉnh Điện Biên đã huy động nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương để triển khai các dự án thành phần trong Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã làm thay đổi nhận thức của bà con về bảo vệ rừng cộng đồng trên địa bàn huyện được nâng lên. Đồng thời, giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập từ DVMTR, qua đó tạo động lực để bà con gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh. Từ nguồn tiền DVMTR nhận được, các hộ gia đình có thêm khoản tiền để đầu tư sinh kế. Còn các cộng đồng dân cư, có nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, cổng chào thôn, nhà văn hóa, sân thể thao, kênh mương thủy lợi, đường điện chiếu sáng,… hoàn thành được nhiều chỉ tiêu trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy, từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, việc bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đã cơ bản giảm. Cùng với đó, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

Điện Biên: Tích cực triển khai các chính sách bảo vệ rừng - Ảnh 2.

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ địa phương khảo sát năng suất rừng trồng

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đánh giá: Việc giao khoán bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng cho các cộng đồng góp phần tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm, vùng lõi các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; tạo động lực khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Thông qua việc giao khoản bảo vệ rừng, các Ban quản lý rừng được tăng cường thêm lực lượng tuần tra bảo vệ rừng giúp hạn chế cháy rừng và các vụ vi phạm, xâm phạm diện tích rừng. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa người dân với lực lượng bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Từ những diện tích rừng không ngừng được tăng lên, phủ xanh đất trống đồi trọc, một số con suối trước đây cạn trơ đáy giờ đã bắt đầu có nước trở lại. Lũ ống lũ quét giảm rõ rệt, những khu vực cắm biển cảnh báo có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá… như khu vực bản Tâu, bản Co Pục xã Hua Thanh, huyện Điện Biên hơn chục năm nay cũng không xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét.

Có thể thấy, công tác phát triển rừng ở Điện Biên đã, đang đi đúng hướng. Nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng được nâng cao. Rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng, phá rừng giảm nhiều qua các năm. Hướng đi này vừa đảm bảo đời sống của người dân, vừa cân bằng hệ sinh thái, đặc biệt trong việc ứng phó BĐKH và phòng, chống thiên tai./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Tích cực triển khai các chính sách bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO