Ứng dụng ĐTĐM để xây dựng nhà máy thông minh là phương pháp hiệu quả hàng đầu được lựa chọn. Tuy nhiên trên thực tế, các DN sản xuất còn gặp khá nhiều thách thức bởi chưa thể làm quen và tự mình chuyển đổi lên đám mây.
DN sản xuất cần cởi mở hơn với công nghệ mới
Hiện nay, DN sản xuất phải mất rất nhiều thời gian và chi phí để xây dựng, vận hành các hạ tầng vật lý (on-premise) nhằm mở rộng quy mô hệ thống. Các hệ thống cơ sở vật chất và cơ sở vật lý mặc dù trả một lần nhưng vốn đầu tư rất lớn, nghĩa là chi phí tài sản cố định (CapEx) sẽ kèm theo những công đoạn như sửa chữa, bảo trì máy móc, nâng cấp chức năng, nâng cấp phần mềm.
Việc triển khai hệ thống on-premise đi vào hoạt động có thể mất nhiều thời gian hơn do phải hoàn thành cài đặt trên máy chủ và từng máy tính/laptop riêng lẻ. Theo phân tích của các chuyên gia, hệ thống on-premise hiện tại vẫn đang là hệ thống được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hệ thống này sẽ gây khó khăn cho DN có mong muốn mở rộng quy mô phát triển và tận dụng ưu thế của công nghệ mới.
Theo chia sẻ của ông Lưu Nhân Khải, Giám đốc, chuyên gia tư vấn của công ty VJIP, tại một hội thảo về nhà máy không giấy tờ do VTI Cloud tổ chức, mô hình nhà máy truyền thống hiện nay đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề, nếu không cập nhật kịp thời các công cụ số mới rất có thể sẽ trở nên lỗi thời.
Trong quá trình tư vấn và làm việc với DN CĐS, ông Khải cũng cho rằng các thách thức mà họ gặp phải chủ yếu liên quan đến việc chưa biết bắt đầu chuyển đổi sử dụng ĐTĐM từ đâu, không thể mở rộng quy mô nhanh chóng, chi phí vận hành tốn kém, nền tảng công nghệ đang sử dụng có tính bảo mật kém, dễ bị rò rỉ thông tin…
Chiến lược ứng dụng ĐTĐM trong ngành sản xuất
ĐTĐM sẽ giải quyết 2 thách thức về chi phí và thời gian trong bài toán mở rộng quy mô của DN. Thực tế DN sẽ đăng ký lưu lượng cần sử dụng và tối ưu toàn bộ dung lượng đó khi chuyển dịch sang ĐTĐM. Ứng dụng ĐTĐM cũng giúp DN giảm thiểu chi phí cả về nhân sự và cơ sở vật chất. Những chi phí liên quan đến nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ được nhà cung cấp đám mây chi trả. Vì vậy, DN có thể tiết kiệm nhiều chi phí nhân sự để cài đặt phần mềm, nhờ đó giảm chi phí hoạt động.
Đối với vấn đề bảo mật thông tin, người sử dụng đám mây - DN có thể quản lý, sử dụng trung tâm dữ liệu (TTDL) của mình một cách linh hoạt, truy cập dữ liệu ở bất cứ đâu nhờ việc lưu trữ dữ liệu trên các đám mây thông tin tại các máy chủ mà không cần mang theo các bộ lưu trữ dữ liệu cồng kềnh, lo lắng vấn đề bảo mật hay bị các phần mềm gián điệp tấn công.
Bên cạnh các nguyên tắc cơ bản, máy chủ đám mây (cloud server) chạy trong các TTDL còn được các chuyên gia quản lý và sử dụng một số công nghệ bảo mật ưu việt. Do đó dữ liệu được lưu trữ trong đám mây sẽ tránh được các lỗ hổng bảo mật, an toàn hơn so với lưu trữ thông thường.
VTI Cloud hiện là đối tác cấp cao của Amazon Web Services (AWS) tại Việt Nam. Công ty đang triển khai các giải pháp tối ưu, hỗ trợ quá trình “lên mây”, xây dựng nhà máy không giấy tờ của DN thuận lợi và dễ dàng hơn. Cụ thể, VTI Cloud đang cung cấp các giải pháp và tư vấn cho DN trong quá trình CĐS và dịch chuyển lên đám mây như: Development Service, Managed Service, Managed Service, Well Architected Review … Công ty cũng hỗ trợ các DN trong hành trình thiết kế, xây dựng, vận hành hoàn toàn các ứng dụng trên nền tảng đám mây.
3 xu hướng đám mây dự đoán sẽ thịnh hành trong năm 2022
Nghiên cứu về các xu hướng ứng dụng đám mây trên toàn cầu, VTI Cloud cho biết hãng Gartner đã đưa ra dự báo chi tiêu toàn cầu cho các dịch vụ đám mây dự kiến sẽ đạt hơn 482 tỷ USD vào năm 2022, tăng từ 313 tỷ USD vào năm 2020. Một số xu hướng đám mây sẽ thịnh hành và được các DN sản xuất toàn cầu ứng dụng trong năm 2022 là:
Hybrid cloud: Theo truyền thống, DN sẽ có hai lựa chọn khi chuyển dịch sang đám mây bao gồm đám mây công cộng (public cloud) và đám mây nội bộ (private cloud). Ngày nay, các nhà cung cấp đám mây lớn đều đang mở rộng việc triển khai các mô hình "kết hợp" áp dụng cách tiếp cận tốt nhất của cả hai hình thức.
Dữ liệu cần được khách hàng truy cập nhanh chóng và thường xuyên, có thể được lưu giữ trên các máy chủ AWS hoặc Azure công khai và được truy cập thông qua các công cụ, ứng dụng và trang tổng quan (ứng dụng đám mây công cộng). Dữ liệu nhạy cảm hơn hoặc dữ liệu quan trọng hơn có thể được lưu giữ trên các máy chủ riêng, nơi có thể giám sát quyền truy cập và nó có thể được xử lý bằng các ứng dụng độc quyền (ứng dụng đám mây nội bộ).
Everything-as-a-service (XaaS): Với việc ĐTĐM nhanh chóng trở thành nền tảng ưu tiên cho giải pháp XaaS, đây được coi là điều quan trọng trong quá trình CĐS và tìm kiếm giải pháp làm việc thời đại dịch COVID-19. Theo nghiên cứu của Deloitte, nhiều ngành công nghiệp đang chuyển đổi quy trình CNTT dựa trên dịch vụ sang nền tảng đám mây. Bằng việc sử dụng hybrid cloud, multi cloud, DN có thể tối ưu hóa các hoạt động quan trọng như chi phí và cơ cấu tổ chức. Mô hình XaaS cũng xem xét cách xác định doanh thu và dự báo các dòng doanh thu tiềm năng mới của DN.
Serverless cloud: Điện toán không máy chủ là một dịch vụ đám mây tương đối mới nhưng nhu cầu về dịch vụ này dự kiến sẽ tăng 25% vào năm 2025. Hình thức này đặc biệt có lợi cho các nhà phát triển phần mềm, họ không còn phải lo quản lý và duy trì các máy chủ mạng vì các tài nguyên đó đều được các nhà cung cấp dịch vụ phân bổ.
Ngoài ra, serverless cloud cũng loại bỏ yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng đám mây phải có chuyên môn sâu rộng về AWS hoặc Azure bởi họ chỉ cần tương tác giao diện máy chủ, các nhà phát triển có thể làm việc hiệu quả hơn, tập trung vào phát triển, UX và UI thay vì cơ sở hạ tầng CNTT.
Theo VTI Cloud, các DN sản xuất tại Việt Nam có thể chuyển đổi lên nền tảng đám mây dễ dàng hơn khi Amazon Web Service - nền tảng đám mây hàng đầu thế giới chuẩn bị mở thêm các Local Zone, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận dịch vụ đám mây chất lượng hàng đầu thế giới. Các tổ chức có thể cung cấp nhiều tính năng gấp 3 lần và triển khai phần mềm nhanh hơn tới 90%, giải phóng tài nguyên để DN tập trung vào đổi mới chiến lược.
Ông Trịnh Minh Giang, CEO VTI Cloud, cho biết công ty sẽ hỗ trợ và tư vấn DN chuyển đổi lên cơ sở hạ tầng đám mây hiệu quả và tiết kiệm nhất có thể./.