Nghị định 40/2018 NĐ - CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, sàng lọc những doanh nghiệp bất chính, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp chân chính, đưa sản phẩm tới gần với người tiêu dùng hơn. Liệu với những quy định hiện hành, giải pháp tăng cường thực thi các quy định đã có hay điều chỉnh và sửa đổi quy định mới thì có đáp ứng được các mục tiêu quản lý đề ra hay không đang là bài toán khó cho các nhà quản lý ở Việt Nam
Kinh doanh đa cấp luôn là một lĩnh vực rất nóng. Truyền thông báo chí luôn đề cập tới những vụ việc vi phạm của kinh doanh đa cấp biến tướng lừa đảo có nguy cơ tác động gây bất ổn xã hội. Do đó, cần thiết phải lập tức xây dựng và hoàn thiện các khung khổ pháp lý có liên quan tới lĩnh vực nhằm bảo đảm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Đồng thời, tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn nữa.
Trong 2 năm 2020 - 2021, mặc dù nền kinh tế Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19, nhưng riêng ngành bán hàng đa cấp lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Từ năm 2018 tới nay, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp tăng trung bình khoảng 25%/năm. Năm 2020, doanh thu của ngành này 15.389 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với doanh thu ở thời điểm năm 2017. Hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế để trả cho người tham gia bán hàng đa cấp cũng tăng lên theo biên độ. Riêng trong năm 2020, số tiền chi hoa hồng, tiền thưởng khoảng 5.000 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cũng đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã nộp thuế khoảng 1.800 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2017 - thời điểm chưa có Nghị định 40. Những kết quả nói trên để thấy rằng, Nghị định 40/2018/NĐ – CP của Chính phủ đã phát huy hiệu quả trong đời sống thực tiễn và tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp ngành này phát triển ấn tượng.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo tài chính từ các doanh nghiệp, báo cáo từ các sở, ban ngành về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để rà soát lại các chính sách trong khuôn khổ pháp luật liên quan đến ngành này. Qua hai năm triển khai Nghị định 40 và căn cứ đề xuất của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và nhất là Sở Công thương các địa phương đều nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn. Nhiều nội dung cũ cần bổ sung, sửa đổi để phù hợp với mục tiêu quản lý.
Thời gian qua, thực tiễn quản lý các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp vẫn bộc lộ một số khe hở trong khuôn khổ pháp luật để các đối tượng lợi dụng hoạt động bất chính, hoạt động không phép... Nhiều doanh nghiệp nước ngoài dù không được cấp phép vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, lôi kéo mạng lưới kinh doanh đa cấp của các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường cạnh tranh của lĩnh vực này.
Sửa đổi Nghị định 40/2018/NĐ – CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chính bài toán cần thiết để sàng lọc doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính. Các mô hình lừa đảo đa cấp biến tướng không chỉ ảnh hưởng đến tài sản của cá nhân nhiều người dân mà còn gây xáo trộn, làm mất an toàn trong đời sống kinh tế, xã hội. Vì vậy, cần có các quy định về chế tài xử lý nghiêm khắc với các hành vi kinh doanh đa cấp trước khi được cấp phép kinh doanh đa cấp hay những hành vi kinh doanh bị cấm trong hoạt động kinh doanh tại Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP để lập lại kỷ cương và sự công khai, minh bạch cho hoạt động kinh doanh đa cấp.