Định danh và xác thực điện tử để hạn chế rủi ro trong giao dịch

Ngọc Quỳnh (TTXVN)| 09/06/2022 16:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Sáng 9/6 tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến, góp ý dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.

Mục đích cuộc họp là tập hợp nhiều ý kiến từ các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) để yêu cầu làm rõ thêm về khái niệm, phạm vi áp dụng cùng nhiều nội dung từng được góp ý chỉnh sửa nhiều lần từ những bản dự thảo lần trước. Đồng thời, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới quy định định danh và xác thực điện tử; đáp ứng yêu cầu quản lý đối với các giao dịch trên môi trường điện tử để hạn chế lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thực hiện Chính phủ điện tử, phát triển việc cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến đã và đang được Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Do đó, tính chính xác, bảo mật an toàn thông tin cũng luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân và doanh nghiệp; nhất là khi thực hiện các giao dịch điện tử.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, dự thảo quy định việc định danh và xác thực điện tử đã được Bộ Công An xây dựng và chính thức xin ý kiến của toàn dân. Đây là nội dung rất quan trọng và liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.

Hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tập hợp và tổng hợp được nhiều ý kiến của các tổ chức hội viên liên quan đến việc tổ chức thực hiện quy định định danh và xác định điện tử trong hoạt động tài chính, ngân hàng, các công ty fintech (công nghệ tài chính) và các tổ chức tín dụng, công ty tài chính hay các công ty tài chính vi mô, kể cả các đơn vị liên quan đến khi trung tâm quản lý tín dụng. Đây là nội dung quan trọng để các đơn vị phục vụ cho các quan động của mình; đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số.

Hiệp hội cũng đã tổng hợp bằng văn bản gửi Bộ Công an để nêu các ý kiến, góp ý của mình. Tuy nhiên, quá trình triển khai các văn bản pháp luật thì trước tiên phải tuân thủ theo các quy định của luật pháp; tuân thủ các văn bản quy phạm liên quan đến luật. Thêm nữa, các nội dung quản lý của Nhà nước cũng cần phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp để việc ứng dụng, triển khai được thực hiện đúng; nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.

Hiện nay, dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng đang ở mức khoảng 12 triệu tỷ đồng và với số lượng khách hàng rất lớn. Vì thế, với quy định về định danh và xác thực điện tử này sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới quyền lợi của chính các khách hàng nói riêng và các tổ chức tín dụng; cũng như toàn hệ thống ngân hàng nói chung.

Ông Hùng mong muốn, đại diện các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cùng các công ty tài chính tham gia cuộc họp sẽ phát huy trách nhiệm của mình, tích cực có ý kiến đóng góp trên cơ sở đối chiếu với tình hình thực tiễn và quá trình triển khai nghị định này có vấn đề gì vướng mắc, phát sinh để đề xuất cơ quan quản lý, các cấp có thẩm quyền cùng xem xét, tìm hướng giải quyết.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đây là một trong những nghị định có tác động ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng; các công ty fintech và các trung gian thanh toán sau này. Bởi vì, nếu nghị định mà không có những định nghĩa một cách rõ ràng thì có thể dẫn đến những ứng xử khác nhau, kéo theo những ảnh hưởng tới hoạt động của tất cả các đơn vị.

Ngoài những góp ý chung đã được chuyển tới cơ quan soạn thảo của Bộ Công an. Theo đó, nội dung Câu lạc bộ Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho rằng cơ quan soạn thảo cần phải làm rõ thêm đó là định nghĩa của việc định danh và xác thực điện tử, mục đích thực hiện, phạm vi của dịch vụ kinh doanh và các ví điện tử nằm trong định nghĩa này là gì? Phạm vi sử dụng cũng đồng nghĩa với các trách nhiệm có liên quan? Khi đã có mã số định danh của khách hàng rồi thì việc liên kết với cơ sở dữ liệu của các tổ chức tài chính sẽ được thực hiện ra sao?...

Có thể thấy, chuyển đổi số là chuyển đổi các giao dịch lên môi trường số một cách hoàn toàn. Do đó, khi một người thực hiện một giao dịch với nhà cung cấp dịch vụ thì nhà cung cấp dịch vụ cần xác định được ai đang giao dịch với mình, dịch vụ định danh và xác thực điện tử giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ nắm được điều đó. Chính vì tầm quan trọng của việc xác minh danh tính trong giao dịch điện tử, các thông tin về giao dịch được lưu trữ (đặc biệt là những thông tin lưu trữ tại nền tảng) có giá trị làm bằng chứng nếu có tranh chấp xảy ra giữa các bên.

Vì thế, việc quy định cụ thể những yêu cầu về chức năng, về dữ liệu, về an toàn bảo mật cho hệ thống nền tảng định danh và xác thực điện tử là việc không thể thiếu từ giai đoạn đầu tiên của việc thiết lập hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Định danh và xác thực điện tử để hạn chế rủi ro trong giao dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO