Truyền thông

Định hướng phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh mới

Minh Đức 06/12/2024 14:03

Kinh tế đối ngoại là chìa khóa quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế toàn cầu cũng như tiến trình phát triển của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, kinh tế đối ngoại đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo đà phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Phát triển kinh tế đối ngoại là một trong những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển nền kinh tế, đưa nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, qua đó, thực hiện được các mục tiêu kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách bền vững.

Hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tình hình trong nước và quốc tế có sự biến động liên tục, phát triển kinh tế đối ngoại cần có những định hướng cụ thể, phù hợp và coi đây là nội dung có ý nghĩa quyết định đến quá trình phát triển kinh tế đối ngoại ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.

Kinh tế đối ngoại của Việt Nam và những thành tựu


Kể từ năm 1986 đến nay, Việt Nam thực hiện đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực của mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trước hết thực hiện đổi mới về kinh tế, lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, xác định rõ hơn vai trò và vị trí quan trọng của hoạt động kinh tế đối ngoại trong nền kinh tế quốc dân.

Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau từ khi đổi mới đến nay, các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng luôn xác định mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nhất là trong bối cảnh mới hiện nay phải: “tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Nhờ đó, phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế đất nước, ổn định xã hội, quốc phòng, an ninh… được củng cố vững chắc và ngày càng được nâng lên.

Theo đó, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ và tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược/đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn.

Việt Nam đã chính thức ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế; chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc hợp tác và đóng góp có trách nhiệm tại Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, APEC…

Đặc biệt, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng về phát triển kinh tế đã góp phần quan trọng phá thế bao vây, cô lập từ bên ngoài: Mỹ bỏ cấm vận (năm 1994) và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam (năm 1995), Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (năm 1998), gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (năm 2006), tham gia hàng loạt các FTA với các đối tác lớn như CPTPP, RCEP…

Việc mở rộng hợp tác quốc tế đã tạo đà cho kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tính lũy kế đến hết năm 2023, cả nước có 39.140 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 468,92 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 297,2 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Tính đến cuối năm 2023, có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 85,87 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 74,52 tỷ USD (chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư)…

picture3(1).png
Vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta giai đoạn 2019 - 2023 (tỷ USD). Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm như: Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ, Australia...

Trong đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2024), trong 5 năm 2018-2022, tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của Việt Nam đạt 11,3%/năm. Trong giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, hoạt động xuất, nhập khẩu tuy suy giảm nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, nhưng cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, đến nay, kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của một bộ phận cán bộ về kinh tế đối ngoại nói riêng và kinh tế quốc tế nói chung vẫn còn hạn chế; Công tác phổ biến thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế chưa thật sâu rộng ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương và cả trong cộng đồng doanh nghiệp.

Hiệu quả hợp tác chưa được như kỳ vọng, ngoại giao đa phương chưa phát huy hết các lợi thế, chưa tận dụng tốt các cơ hội để kinh tế nước ta hội nhập quốc tế nhanh và sâu hơn; Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế…

Định hướng giải pháp phát triển kinh tế đối ngoại Việt Nam trong bối cảnh mới

Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã và đang trở thành một xu thế tất yếu, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bối cảnh trên đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, phức tạp hơn đối với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, đòi hỏi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ thể về quan điểm và chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại.

Thứ hai, tiếp tục bổ sung, sửa đổi và ban hành các quy phạm pháp luật phục vụ hoạt động kinh tế đối ngoại, phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Một số văn bản pháp luật phải không ngừng được hoàn thiện, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đối ngoại trước xu thế mới của thời đại như: Luật Đầu tư, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao…

Đồng thời, tiếp tục tham gia các công ước quốc tế, ký kết điều ước quốc tế với các nước hữu quan là một yêu cầu cấp bách nhằm bảo đảm tính ổn định và nhất quán trong hệ thống pháp luật kinh tế đối ngoại.

Ba là, tham gia và tuân thủ các hiệp định, quy định, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết quốc tế. Đẩy mạnh quan hệ kinh tế đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế; xây dựng và tìm kiếm đối tác trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Cần thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận.

Bốn là, mở rộng thị trường, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại.

Năm là, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh tế đối ngoại trong tình hình mới.

Tóm lại, trước xu thế mới của thời đại, phát triển kinh tế đối ngoại trở thành một trong những định hướng lớn của nền kinh tế nước ta. Đối ngoại và ngoại giao Việt Nam nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Định hướng phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO