ĐMST mở giúp giải quyết "nỗi đau" của doanh nghiệp

NK| 29/10/2022 06:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi liên tục đã tạo ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp (DN). Thông qua đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở, công ty có thể thu hút, tiếp thu tri thức từ nguồn lực bên ngoài để giải quyết "nỗi đau" của mình.

Thông tin trên được ông Kiên chia sẻ trong hội thảo "Tăng tốc ĐMST cho DN trong kỷ nguyên ĐMST mở" được Trung tâm ĐMST Quốc gia, Nền tảng kết nối ĐMST mở BambuUP và Đại học Fulbright Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 28/10, nhằm định hướng và hỗ trợ các nhà lãnh đạo DN ứng dụng các mô hình ĐMST mở.

Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, DN đứng trước nhiệm vụ tìm ra chiến lược đột phá, ứng dụng công nghệ, ĐMST để chiếm lĩnh thị trường và thích ứng nhanh chóng với môi trường kinh doanh của bối cảnh bình thường mới. Theo Báo cáo Toàn cảnh ĐMST mở Việt Nam năm 2021, ĐMST mở chính là chìa khóa đột phá tăng trưởng của DN khi có thể gia tăng tốc độ ĐMST lên từ 3 - 5 lần trong khi tiết kiệm được đến 30% chi phí đầu tư.

ĐMST mở được ứng dụng như một giải pháp tiếp cận khách hàng hiệu quả

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, ĐMST mở là một chủ đề được toàn thế giới quan tâm với hơn 1 tỷ lượt tra cứu và được rất nhiều DN, tập đoàn lớn trên thế giới ứng dụng như một giải pháp, chiến lược tiếp cận khách hàng hiệu quả. 

Ông Thịnh hy vọng với những thông tin cập nhật nhất về ĐMST mở mà chương trình đem lại, sẽ khuyến khích các DN cùng đồng hành và hợp tác với các nguồn lực bên ngoài để tối ưu hóa hiệu quả trong quá trình giải quyết bài toán kinh doanh. Qua đó góp phần nhân rộng ĐMST mở ra một quy mô rộng lớn hơn, tiếp cận với nhiều chủ thể, thành phần hơn.

Ông Trần Hoàng Thắng, Quản lý Chương trình ĐMST IPSC bày tỏ về tầm nhìn hỗ trợ DN trong quá trình ĐMST. Hiện nay, DN còn đang gặp rất nhiều khó khăn khi chưa có một quy trình ĐMST tiêu chuẩn, cũng như chưa có sự sẵn sàng cao để kêu gọi nguồn lực từ bên ngoài một cách rộng rãi và chưa có một nguồn thông tin chất lượng, đầy đủ, trọn vẹn về ĐMST. 

Chính vì vậy, Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam do USAID tài trợ sẽ được triển khai với mục tiêu phổ biến mô hình ĐMST mở  cũng như hỗ trợ các DN/tập đoàn bắt đầu hành trình ĐMST mở của mình, góp phần tạo nên những sản phẩm, ý tưởng đột phá đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Việc mở rộng hợp tác, tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển giao tri thức - giải pháp công nghệ với các nguồn lực bên ngoài sẽ là giải pháp củng cố và phát triển năng lực ĐMST cho chính DN. Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện đang có những bước phát triển nhảy vọt, vươn lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN. Bối cảnh này chính là lý do hoàn hảo để DN tăng tốc ĐMST mở, nắm bắt cơ hội đồng hành cùng startup để bắt kịp với các thay đổi hiện nay.

ĐMST mở sẽ giúp giải quyết

Phiên tọa đàm Hội thảo "Tăng tốc ĐMST cho DN trong kỷ nguyên ĐMST mở"

Sẵn sàng kết hợp để hiện thực hóa các giải pháp ĐMST

Một số DN tiêu biểu nước ta cũng đã tích cực ứng dụng sâu sắc ĐMST mở như một văn hóa nội bộ. Tiêu biểu như Tập đoàn Sunhouse bắt tay cùng startup xây dựng hệ sinh thái tiện ích thông minh liên tục cải tiến cho người dùng, hay Tập đoàn CMC khai trương Trung tâm sáng tạo và thành lập Quỹ đầu tư Sáng tạo CMC. Trong quá khứ, nền tảng của ĐMST trong DN đã từng là việc phát triển sản phẩm. Nhưng trong thời kỳ thay đổi liên tục và khó đoán hiện nay, bài toán đặt ra là làm thế nào có thể giúp DN Việt trang bị đầy đủ chuyên môn lẫn điều kiện cần thiết cho quá trình cải tiến năng lực ĐMST mở sắp tới.

Tham gia trong phiên Tọa đàm, ông Lại Văn Kiên, Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn Sunhouse đã chia sẻ về quá trình hợp tác cùng với một startup về lĩnh vực nhà thông minh bước ra từ chương trình Shark Tank Việt Nam để từng bước kiến tạo một hệ sinh thái tiện lợi nhất với chi phí hợp lý nhất cho khách hàng.

Cũng theo ông Kiên,  nhu cầu của khách hàng có vòng đời rất ngắn và luôn thay đổi liên tục. Điều này tạo nên một áp lực rất lớn cho DN trong quá trình tìm kiếm và giải quyết "nỗi đau" cho tệp khách hàng mục tiêu của mình về lâu dài. Thông qua ĐMST mở, Sunhouse có thể coi là một bệ phóng, với sản phẩm và nền tảng nhằm thu hút, tiếp thu tri thức từ các nguồn lực bên ngoài như sinh viên, hay đặc biệt là startup. 

"Chúng tôi không giới hạn nguồn lực và sẵn sàng kết hợp với các thành phần bên ngoài để hiện thực hóa các giải pháp ĐMST, giúp đem lại điều tốt nhất cho người dùng", ông Kiên nói.

Thế nhưng, để có thể tăng tốc ĐMST mở thành công, DN cần đáp ứng các tiêu chí mà theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành của BambuUP là tiêu chí "4 không" bao gồm: Không có nhận thức đúng đắn kèm theo sự quyết tâm thì không triển khai được; Không có kỹ năng về ĐMST từ khái niệm tới triển khai thì sẽ không hiện thực hóa được; Không có một cấu trúc tổ chức thực hiện phù hợp sẽ không vận hành được;  Không có cách thức thu nhận thông tin ĐMST một cách đa dạng, liên tục và cập nhật nhất thì quá trình thực thi sẽ không có hiệu quả. 

"ĐMST rất cần sự kiên định từ phía DN, đặc biệt là ban lãnh đạo, giám đốc để thành công", bà Quỳnh bày tỏ./.

Bài liên quan
  • Những đổi mới công nghệ sẽ thay đổi ngành y vào năm 2025
    Ngành chăm sóc sức khỏe đã có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đem lại vô số cơ hội mới, trong khi các yếu tố nhân khẩu học và xã hội lại đặt ra những thách thức không nhỏ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ĐMST mở giúp giải quyết "nỗi đau" của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO