Diễn đàn

DN, tổ chức ngành TT&TT cần có ước mơ, khát vọng và thực tiễn để phát triển

Hoàng Linh 09/10/2023 16:21

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn doanh nghiệp (DN), tổ chức thuộc Ngành có ước mơ, khát vọng và kết hợp thực tiễn để phát triển.

bt-10092023_2.png
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị

Ngày 09/10/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) đối với các đối tượng quản lý. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có các Thứ trưởng và các DN viễn thông, công nghệ, các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí lớn, hiệp hội trong lĩnh vực TT&TT.

Tại Hội nghị, Bộ TT&TT thông báo một số văn bản quan trọng trong lĩnh vực TT&TT mới được ban hành trong Quý III/2023; Báo cáo hoạt động nổi bật trong Quý III/2023 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong Quý IV/2023 của Bộ TT&TT; Báo cáo tình hình xử lý kiến nghị của các đối tượng quản lý gửi đến Bộ.

Cũng tại Hội nghị, Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã công bố các bản đồ công nghệ ngành TT&TT cho 8 lĩnh vực; Trung tâm không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) giới thiệu việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và ứng dụng trợ lý ảo cho công chức Việt Nam; Công ty Công nghệ ezCloud Toàn Cầu giới thiệu nền tảng Quản trị cho khách sạn từ 0 - 2 sao (vừa và nhỏ); Công ty Rynan Technologies Việt Nam tham luận Chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp với mạng lưới giám sát côn trùng thông minh; FPT Cloud giới thiệu nền tảng cloud cho chính phủ điện tử và chính quyền điện tử.

Không chỉ lắng nghe các đơn vị, DN trình bày, giới thiệu về các nền tảng, trợ lý ảo, giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã cùng các đại biểu tại Hội nghị trực tiếp xem trình diễn (demo) bản đồ công nghệ ngành TT&TT, trợ lý ảo cho công chức Việt Nam và lắng nghe các đề xuất của các DN trong việc phát triển nền tảng. Bộ trưởng cũng đã có khuyến nghị kịp thời cho cả DN và cơ quan QLNN về lĩnh vực quản lý.

Ước mơ, khát vọng để phát triển tổ chức

bt-10092023.png
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: DN, tổ chức TT&TT cần ước mơ, khát vọng và thực tiễn để phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh một số ý kiến. Thứ nhất, trước đây, theo Bộ trưởng, mỗi lần ra quyết định nào đó, còn phải đắn đo có nguồn lực không. Tuy nhiên, bây giờ, khi thay đổi góc nhìn mới lại xuất hiện nguồn lực.

Thứ hai, luôn nghĩ đến hai vế hoặc ba vế như nhà nước, DN, người dân, đừng bao giờ nhìn lệch đi một vế thì mới phát triển bền vững được. Trong thực tế, nhiều DN lớn thường đi tiên phong, thí điểm công nghệ mới nhưng lại không phổ cập được, dẫn đến lụi tàn.

Theo Bộ trưởng, các DN lớn thường “mắc bệnh” nghiên cứu tốt, thử nghiệm tốt nhưng phổ cập để kiếm tiền lại thất bại.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng nếu không có ước mơ, khát vọng, lý tưởng, tổ chức không thể phát triển được. Nhưng cũng cần kết hợp với thực tiễn.

Phát triển nền tảng số Việt Nam là vô cùng quan trọng

Theo Bộ trưởng, dữ liệu giờ đây đã trở thành tài sản, người duy nhất nắm dữ liệu là người làm nền tảng số. Dữ liệu sinh ra do con người sử dụng nền tảng. Các nền tảng số giữ dữ liệu và người làm nền tảng số trở thành người giầu nhất. Nền tảng số Việt Nam thì giàu có thuộc về người Việt Nam. Do đó, phát triển nền tảng số Việt Nam là vô cùng quan trọng.

Chẳng hạn, nếu khoảng 100.000 khách sạn và hộ gia đình sử dụng nền tảng số Việt Nam như ezCloud, dữ liệu sẽ nằm ở Việt Nam. Song, nếu khoảng 60.000 khách sạn, hộ gia đình dùng nền tảng số của nước ngoài, Việt Nam sẽ không sở hữu dữ liệu về du lịch. Nước ngoài sẽ phân tích dữ liệu và cày xới để ra giá trị cho riêng họ.

Bộ trưởng cũng thông tin 4 trợ lý ảo “Make in Viet Nam”, gồm: (1) Trợ lý lập pháp do Tập đoàn CMC thực hiện sẽ phát hiện ra những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật; (2) Trợ lý cho thẩm phán do Viettel đã thực hiện 2 năm, hiện đang hoàn thiện và nâng cấp. Đây là trợ lý đầu tiên hoạt động hiệu quả; (3) Trợ lý cho cán bộ, công chức thực hiện đúng luật, đúng quy định do Viettel thực hiện; (4) Trợ lý hỗ trợ tư pháp cho người dân do Zalo, VNG thực hiện.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây là 4 trợ lý làm thay đổi căn bản cho các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và hỗ trợ người dân. Việt Nam là nước đầu tiên tiếp cận việc triển khai này và các hệ thống này dựa trên các văn bản hữu hạn là các văn bản pháp luật”.

Nhà mạng cần phải đầu tư hạ tầng

Về viễn thông và các nhà mạng, Bộ trưởng nêu hiện nay nhà mạng gần như chỉ thu tiền nhưng chưa nghĩ đến chuyện bảo vệ khách hàng. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều thứ trong cuộc sống đều nằm trên đó. Vì thế, nhà mạng viễn thông phải đứng ra nhận trách nhiệm bảo vệ khách hàng ở mức cơ bản.

Bộ trưởng đề nghị ra văn bản bảo vệ mức cơ bản khách hàng, từ đó nâng cao thương hiệu nhà mạng và đất nước.

Về hạ tầng viễn thông, Bộ trưởng cho biết mấy năm nay, hạ tầng viễn thông được đầu tư rất ít. VNPT, Viettel trong 2 - 3 năm gần đây hầu không đầu tư nên chất lượng mạng Việt Nam có phần đi xuống, tốc độ không còn như trước.

Theo Bộ trưởng, “Chưa có một DN hạ tầng viễn thông lớn nào trên thế giới mà 1 năm đầu tư dưới 15% doanh thu. Trước đây không có cạnh tranh viễn thông, sau đó Viettel ra đời thúc đẩy cạnh tranh. Hiện có ba nhà mạng lớn tạo thế chân kiềng, chưa có thêm nhà mạng mới đủ lớn, nên 3 nhà mạng lớn đứng yên. Theo đó, cần phải có hướng dẫn về đầu tư, thậm chí từ cấp cao, vì hạ tầng viễn thông là hạ tầng quốc gia. Ba nhà mạng lớn đều là Nhà nước sở hữu nên phải đầu tư phát triển và Cục Viễn thông phải đưa ra được những tiêu chuẩn viễn thông cao hơn”.

Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Phạm Đức Long ra hướng dẫn (guideline) đầu tư cho mạng viễn thông và giám sát việc đầu tư này hàng năm. “Việc đầu tư hạ tầng viễn thông sẽ mang lại lợi ích dài hạn”.

CĐS tạo ra giá trị

Bộ trưởng cũng thông tin hiện nay từ Trung ương đến cơ sở đã cảm nhận CĐS đã ngấm sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Hiện nay mọi người đang đi tìm những giá trị do CĐS tạo ra nên CĐS bây giờ là tạo ra giá trị.

"Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), CNH chính là chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất, hiện đại hóa là CĐS các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, môi trường. Điều đó đồng nghĩa các DN công nghệ số trong lĩnh vực phải nhận lấy trách nhiệm CNH, HĐH đất nước, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tìm kiếm mô hình cho báo chí phát triển

Đối với lĩnh vực báo chí - truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trong bối cảnh báo chí đã “béo phì”, có nhiều thông tin, với sự xuất hiện của AI, báo chí giờ đây nên tạo ra giá trị tri thức nhiều hơn. Báo chí nên viết những bài phân tích nhiều hơn, dùng AI để chuyển thông tin thành tri thức nhiều hơn.

“Đây là một việc quan trọng. Tại hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN 16 (AMRI-16), Việt Nam đã đề xuất nội dung này và đã được các Bộ trưởng Thông tin ASEAN đồng thuận trong tuyên bố Đà Nẵng với tầm nhìn 2030”, Bộ trưởng thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng, các cơ quan báo chí hiện nay vừa phải lo kinh doanh vừa phải làm báo nên phần nào đã làm giảm chất lượng nội dung. Kinh nghiệm của Trung Quốc là phát triển khai mô hình mà trong đó đơn vị sự nghiệp mẹ tập trung làm kinh doanh, còn cơ quan làm báo thì chỉ tập trung làm báo thì báo chí mới chất lượng.

Lĩnh vực báo chí cũng đã bộ chỉ số CĐS, Bộ trưởng đề nghị Cục Báo chí đánh giá và công bố hàng năm. Các cơ quan báo chí dựa vào đó để tiến lên.

Liên quan đến các nền tảng xuyên biên giới, Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có chủ quyền số. Các DN nền tảng xuyên biên giới đến Việt Nam làm ăn, kinh doanh, kiếm tiền phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Trong tuyên bố của Hội nghị AMRI-16 cũng đã nhấn mạnh một nội dung là các nền tảng xã hội, các nền tảng số, các hạ tầng nói chung “chạm” đến nhiều người phải có trách nhiệm xã hội, làm cho xã hội lành mạnh.

Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị làm quản lý nhà nước phải nhìn nhận thấu đáo, đa chiều. “Mỗi sự phát triển lại tạo ra những vấn đề mới, theo đó, nên nhìn dưới góc nhìn rộng, để đỡ căng thẳng, tiếp cận một cách dễ dàng hơn”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tổng Bí thư Tô Lâm: "Báo chí phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc"
    Phát biểu tại lễ trao giải Búa liềm vàng lần thứ IX, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
  • Báo chí Cộng hòa Czech đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính
    Báo chí và truyền thông Cộng hòa Czech những ngày qua liên tục đăng tải thông tin đậm nét về chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đặc biệt nhấn mạnh việc hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược, mở ra nhiều cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại cũng như trong các lĩnh vực khác giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech.
Đừng bỏ lỡ
DN, tổ chức ngành TT&TT cần có ước mơ, khát vọng và thực tiễn để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO