DN vừa và nhỏ tỉnh Nghệ An được đào tạo về chuyển đổi số

Anh Minh| 23/07/2022 08:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Dù đã xác định chuyển đổi số (CĐS) là vấn đề bắt buộc, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Nghệ An vẫn chưa biết làm thế nào để triển khai thành công, làm sao chọn được một lộ trình, cách tiếp cận phù hợp với đặc thù của DN.

Ngày 22/7, chương trình triển khai lớp đào tạo CĐS cho quản lý cấp cao các DN tại tỉnh Nghệ An đã diễn ra. Chương trình đào tạo được Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) phối hợp Dự án USAID LinkSME và Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An tổ chức.

Buổi đào tạo được bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục phát triển DN (Bộ KH&ĐT) chủ trì, với sự tham gia của ông Hoàng Vĩnh Trường, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An (TTXTĐTTMDL) và hơn 100 DN trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Phát biểu tại buổi đào tạo, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN, cho biết trong quá trình triển khai các hoạt động của chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021 - 2025, Cục phát triển DN nhận thấy ngày càng nhiều DN đã nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của CĐS. 

DN cũng có nhiều thuận lợi trong quá trình CĐS như sự chuyển dịch, thay đổi thói quen của người tiêu dùng, sự linh hoạt của các DN Việt Nam, sự sẵn sàng của công nghệ, các nhà cung cấp CĐS trong DN.

Tuy nhiên, qua khảo sát 1300 DN của Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, về CĐS, không ít các DN vẫn đang gặp khó khăn, rào cản khi tiến hành CĐS, ví dụ 60,1% DN phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi CĐS là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% DN phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của DN...

Theo ông Hoàng Vĩnh Trường, Phó giám đốc TTXTĐLTMDL Nghệ An, Nghệ An đang trong quá trình triển khai các chương trình CĐS. Tuy nhiên, phần lớn DN nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản. 

Nhiều DN ngại CĐS bởi sự hạn chế về tài chính, yếu kém trong việc quản trị. Bộ máy vẫn vận hành theo mô hình cũ, cồng kềnh, phức tạp, việc CĐS trở nên khó khăn hơn vì không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào để giải quyết các vấn đề tồn đọng. 

Ngoài ra, ngay cả khi đã quyết định CĐS, các DN còn đứng trước thách thức về việc triển khai. Dù đã xác định CĐS là vấn đề bắt buộc, nhưng DN lại không biết làm thế nào để triển khai thành công, làm sao chọn được một lộ trình, cách tiếp cận phù hợp với đặc thù của DN. 

Sẽ không có một mô hình mẫu chung để thành công cho tất cả, do đó mỗi DN cần phải lựa chọn làm sao để thay đổi phù hợp cho từng công ty, làm sao tìm được đối tác có đủ năng lực để thực hiện.

Ông Văn Ngọc An, chuyên gia CĐS của chương trình đã giới thiệu tổng quan về CĐS với DN và giúp DN hiểu rõ hơn về bản chất, lợi ích, các giai đoạn và xu hướng công nghệ của CĐS trong hoạt động kinh doanh của DN. 

Đại diện công ty cổ phần Cung ứng thực phẩm sạch Freshdi đã có những chia sẻ về câu chuyện CĐS trong sản xuất và quảng bá các sản phẩm nông sản tới tay người tiêu dùng.

Các DN tham dự cũng đã thực hành đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS trực tiếp trên cổng thông tin của Chương trình Hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025.

Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025 do Bộ KH&ĐT chủ trì, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện. Chương trình hướng tới mục tiêu đến năm 2025, 100% DN được nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu 100.000 DN được hỗ trợ kỹ thuật về CĐS; tối thiểu 100 DN được hỗ trợ là mô hình CĐS điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS cho DN, hỗ trợ phát triển các nền tảng số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
DN vừa và nhỏ tỉnh Nghệ An được đào tạo về chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO