Doanh nghiệp CNTT hiến kế cho Thủ tướng phục hồi kinh tế

Tuấn Trần| 09/05/2020 20:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại Hội nghị đối thoại Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5/2020, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch/Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC, đại diện cho các DN ngành CNTT, đã đóng góp tham luận hiến kế cho Thủ tướng phục hồi kinh tế.

Với chủ đề "Phục hồi nền kinh tế: Thích ứng, đổi mới và phát triển", Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, các cơ quan trung ương, địa phương và các doanh nghiệp (DN) tại các điểm cầu.

Mục đích của Hội nghị là để động viên cộng đồng DN trong thời điểm sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; khơi gợi, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của doanh nghiệp cùng Chính phủ; thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ của Chính phủ đối với cộng đồng DN.

DN ngành CNTT đóng góp tham luận hiến kế cho Thủ tướng phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

COVID-19 dù gây ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhưng cũng tạo nên thời cơ vàng cho ngành CNTT phát triển sâu rộng.

Hàng ngàn DN CNTT tham gia vào công tác phòng chống dịch

Theo ông Chính, tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và ngành CNTT cũng không nằm ngoài phạm vị chịu ảnh hưởng. Các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ phải đối mặt với vấn đề chung là giảm lao động, giảm doanh thu. Thậm chí, nhiều DN còn đứng trước nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm.

Tuy vậy, ông Chính cho biết, đại dịch COVID-19 dù gây ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhưng cũng tạo nên thời cơ vàng cho ngành CNTT phát triển sâu rộng, tận dụng công nghệ số để tạo ra đột phá cho nền kinh tế.

"Bài học từ đại dịch COVID-19 có thể tạo ra nhận thức mới cho toàn xã hội, biến thách thức thành cơ hội, đặc biệt là ngành CNTT nếu biết tận dụng. Thời điểm này, vai trò của CNTT được bộc lộ rõ nét và nổi bật hơn khi CNTT trở thành phương thức giúp xã hội thoát khỏi khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đã có hàng ngàn DN CNTT tham gia vào công tác phòng chống dịch".

Cụ thể, ứng dụng (app) CNTT của nhóm các công ty công nghệ đã giúp giảm thời gian truy vết các cá nhân liên quan đến ca bệnh COVID-19. Viettel đã phối hợp cùng Bộ Y tế ứng dụng giải pháp CNTT trong triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. VNPT đã giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo ứng dụng CNTT trong việc thực hiện dạy học trực tuyến. VTV đã giúp dạy học qua truyền hình cho học sinh. 

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam mới đây ra mắt nền tảng Mã địa chỉ bưu chính số - VPostcode nhằm giúp cho thương mại điện tử phát triển. CMC cùng Microsoft đã giúp các cơ quan, DN tổ chức làm việc từ xa, làm việc tại nhà - Work from Home, các cuộc hội họp theo hình thức online, giải quyết được khó khăn cho các cơ quan và DN khi thực hiện cách ly xã hội.

Các DN CNTT đã cung cấp nhân lực CNTT, các sản phẩm giải pháp CNTT, cũng như miễn giảm hàng chục ngàn tỷ đồng thông qua các chương trình hỗ trợ miễn giảm giá dịch vụ viễn thông và CNTT cho khách hàng. 

"Việt Nam là một trong số ít nước tự chủ xây dựng được nhiều ứng dụng CNTT phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19", ông Chính nhận định.

8 đề xuất kiến nghị lên Thủ tướng

Tại Hội nghị, ông Chính đã đại diện các DN ICT đề xuất 8 kiến nghị lên Thủ tướng:

1. Cần đầu tư mạnh về chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số. Theo các chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học – Công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO), chuyển đổi số sẽ đem lại 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam, giúp cho Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

2. Chính phủ cần đẩy nhanh, mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến, triển khai nhanh việc cấp phép Mobile Money, đẩy nhanh sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính.

3.Cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số quốc gia: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử; kinh tế số chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội. 

Để làm được việc đó, Chính phủ, Bộ TT&TT và các DN CNTT Việt Nam cần phối hợp xây dựng hạ tầng số mạnh mẽ cho quốc gia, gồm: Hạ tầng cứng: 5G, kết nối, lưu trữ dữ liệu; Hạ tầng mềm: cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu mở; Hạ tầng thể chế, chính sách phù hợp với xã hội số.

4.Thúc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ưu tiên đầu tư công trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số trên tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm. "Điều này chúng tôi đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận trong buổi làm việc của DN CNTT với Bộ".

5.Tạo chính sách kích cầu thông qua việc Chính phủ đặt hàng các sản phẩm, dịch vụ CNTT cho DN đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

6.Đề nghị giảm 25% các loại thuế phí, trong đó thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động nhằm kích cầu nhu cầu mua sắm đầu tư của người dân và DN. Miễn giảm thuế cho DN đầu tư vào chuyển đổi số nhằm khuyến khích các DN đầu tư vào chuyển đổi số. 

"Tôi tin tưởng rằng Chính phủ sẽ tăng được nguồn thu thông qua chính sách cắt giảm này".

7.Cải cách triệt để các thủ tục hành chính như đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm thời gian giải quyết, làm sao đúng như tinh thần chống dịch: nhanh, quyết liệt và hiệu quả.

8.Mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT, là trung tâm dịch vụ số (digital hub) của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).

"Có thể nói, đại dịch COVID-19 đang tạo ra một "cú hích" cho chúng ta khởi tạo cuộc sống số. Đây là thời cơ vàng cho ngành CNTT phát triển sâu rộng, tận dụng công nghệ số để tạo ra đột phá cho kinh tế số nói riêng và nền kinh tế nói chung", Chủ tịch/TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bộ KH&CN ban hành Thông tư đầu tiên sau sau hợp nhất
    Ngày 31/3/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BTTTT ngày 14/10/2021 quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo.
  • Bảo đảm an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ bưu chính là ưu tiên hàng đầu
    Mới đây, Bộ KH&CN vừa phát hành văn bản số 509/KHCN-BC gửi các doanh nghiệp bưu chính về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ bưu chính.
  • Tăng cường huy động nguồn lực KOLs trong hoạt động thông tin đối ngoại
    Năm 2024, Cục Thông tin đối ngoại (TTĐN) đã thành công việc đưa TTĐN lên không gian mới - không gian mạng - với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, có việc thí điểm thành công trong huy động những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (MXH) cùng chung tay trong thực hiện nhiệm vụ cơ bản thứ hai của TTĐN đó là quảng bá hình ảnh quốc gia.
  • Tác giả Nhật Bản với những ý tưởng lôi cuốn trẻ đọc sách
    Với máy ảnh bằng bìa giấy, các món đồ chơi hết sức đơn giản bằng kẹp quần áo và giấy màu…, tác giả Yuichi Kimura với mái đầu bạc phơ đã khiến cho khoảng 20 em nhỏ ở nhiều lứa tuổi quên hẳn đi những thiết bị điện tử, game hay những trò giải trí cuốn hút khác từ công nghệ.
  • Microsoft và 15 cột mốc định hình tầm nhìn về AI
    Gã khổng lồ công nghệ Microsoft sắp bước qua cột mốc 50 năm thành lập với nhiều thách thức trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI). Hãy cùng khám phá cách Microsoft sẽ phát triển nền tảng, công cụ và cơ sở hạ tầng AI cho tương lai.
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp CNTT hiến kế cho Thủ tướng phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO