Xu hướng - Dự báo

Doanh nghiệp nào sẽ cần đến mạng 5G riêng biệt?

PV 09:23 08/05/2024

Mạng 5G riêng biệt (5G Private Mobile Network - 5G PMN) đặc biệt hiệu quả đối với các doanh nghiệp có nhà máy, kho bãi, bến cảng, sân bay… đòi hỏi vùng phủ rộng, độ trễ thấp, kết nối an toàn, tin cậy - những vấn đề mà mạng WiFi chưa đáp ứng được.

Là một trong những phần quan trọng của cơ sở hạ tầng mới, 5G đem đến trải nghiệm tốc độ cao vượt trội, độ trễ thấp, tích hợp nhiều ứng dụng với các kịch bản đa dạng cho mọi ngành nghề đang được dự báo sẽ là động lực đem lại những thay đổi lớn cho sự phát triển của kinh tế xã hội. Mạng 5G PMN dành riêng cho doanh nghiệp trở thành mạng di động gốc đầu tiên có thể được triển khai linh hoạt, gọn nhẹ, phân tán nhưng vẫn an toàn bảo mật.

1648379257934.jpg
Mạng 5G PMN đặc biệt hiệu quả đối với các doanh nghiệp có nhà máy, kho bãi, bến cảng, sân bay… đòi hỏi vùng phủ rộng, độ trễ thấp, kết nối an toàn, tin cậy.

Hiện nay, nhà mạng lớn nhất Việt Nam là Viettel đã cung cấp 5G PMN dưới dạng mạng riêng độc lập với mạng di động thông thường.

Nhìn từ việc Viettel triển khai 5G PMN cho các khách hàng của nhà mạng này thì những giá trị mà 5G PMN mang lại là rất rõ rệt và có thể đo lường được.

Khi so sánh với WiFi, 5G tiết kiệm chi phí triển khai cáp nguồn, cáp mạng, đáp ứng các tiêu chuẩn về tiêu thụ điện năng cực thấp cho các thiết bị đầu cuối IoT, thiết bị cảm biến, điều khiển…

Về khả năng chống nhiễu, do WiFi không cần giấy phép (license) nên dễ bị nhiễu từ nguồn phát WiFi bên ngoài, trong khi đó 5G yêu cầu phải có license và mỗi nhà mạng sử dụng tần số khác nhau nên không bị nhiễu. Khả năng đâm xuyên qua vật cản (tường, bê tông, tòa nhà) của 5G PMN cũng tốt hơn WiFi. Đặc biệt, trường hợp triển khai bên ngoài, thiết bị WiFi phải chịu tác động của thời tiết (nắng, mưa…) dẫn đến khó khăn trong công tác vận hành, thời gian hoạt động của thiết bị ngắn; thiết bị vô tuyến 5G PMN đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về thời tiết.

Mặt khác, mỗi thiết bị WiFi chỉ đáp ứng hàng trăm kết nối, còn mật độ kết nối của 5G PMN rất cao, đảm bảo kết nối cho hàng triệu thiết bị IoT/km2). Việc giao tiếp máy với máy, người với máy trên thực tế tại các nhà máy áp dụng 5G PMN diễn ra thông suốt với độ trễ thấp (<5ms), dữ liệu gửi nhận ngay tức thì, được phân tích và xử lý tại biên giúp việc vận hành, đưa ra quyết định nhanh chóng, giảm thiểu các rủi ro.

"Với việc tốc độ của 5G PMN Viettel lên đến 10Gbps thì không chỉ đáp ứng cho camera siêu nét, mà cả giám sát quang học, các thiết bị AR/VR. Đồng thời, nhờ khả năng chống nhiễu cao, vùng phủ rộng của 5G PMN giúp cho xe tự hành, robot, drone… di chuyển ổn định trong phạm vi rộng", thông tin từ Viettel cho biết thêm.

Ngoài ra, 5G PMN của Viettel trở thành nền tảng kết nối, ứng dụng thông minh trong nhiều ngành nghề như nhà máy thông minh, cảng thông minh, mỏ thông minh, nhà kho thông minh...

Tháng 7/2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã công bố thử nghiệm thành công dịch vụ mạng di động 5G dùng riêng cho nhà máy Pegatron tại Hải Phòng.

Theo ông Andreas Mueller chủ tịch của Liên minh 5G cho các ngành công nghiệp kết nối và tự động hóa (5G-ACIA), mạng 5G trong lĩnh vực công nghiệp không phải là một cuộc chạy nước rút mà là một cuộc chạy marathon./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp nào sẽ cần đến mạng 5G riêng biệt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO