Doanh nghiệp thay đổi nhu cầu chuyển đổi số để tăng hiệu suất làm việc
Theo các chuyên gia, dù chuyển đổi số (CĐS) không được nhắc đến nhiều như trước nhưng đây vẫn là xu hướng không thể đảo ngược. Đồng thời, đã có sự dịch chuyển về mục tiêu, từ tăng trưởng sang tối ưu hóa vận hành, tăng hiệu suất làm việc.
Khi CĐS không còn nhắc đến nhiều như trước
Đánh giá việc CĐS của doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) trong thời gian qua, ông Nguyễn Bình Nam, CEO Opla CRM cho rằng, trong năm 2023, các DN dường như chững lại với CĐS. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đến tình hình nội địa đều chưa mấy lạc quan nên khó khăn tứ bề từ khách hàng sụt giảm, nguồn vốn hạn chế đến dòng tiền ảnh hưởng bởi nợ xấu… Vì vậy, DN đang lo lắng nhiều hơn đến việc sống sót và tồn tại trong giai đoạn khó khăn này nên không nhắc nhiều tới câu chuyện CĐS nhiều như những năm trước đây.
Bên cạnh đó, ngoại trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các DN địa phương khác đều rất chậm chạp trong CĐS. Lý do đến từ: Lề thói kinh doanh lạc hậu; Kiến thức không được cập nhật; Các chương trình hỗ trợ, hợp tác của Hiệp hội có vẻ còn mang tính hình thức, chưa cải thiện được đáng kể mức độ CĐS ở các địa phương.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Tạp chí VietTimes, Phó trưởng ban tổ chức Giải thưởng CĐS Việt Nam 2024, dù chúng ta đã nói đến CĐS rất nhiều nhưng vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết từ cơ quan nhà nước, DN. Do đó, có thể nói, CĐS chưa “nguội lạnh” mà vẫn đang là vấn đề thời sự của thập kỉ tới ở Việt Nam.
Chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu nên để xây dựng xã hội số, kinh tế số còn là một chặng đường rất dài, ông Kiên cho biết thêm.
Còn theo ông Nguyễn Thượng Tường Minh, CEO Base cho biết, thời gian qua đã có sự dịch chuyển về mục tiêu, từ tạo đà tăng trưởng sang tối ưu hóa vận hành để đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn chung. Cụ thể, nhu cầu CĐS của DN cũng thay đổi từ "làm việc số" để tăng trưởng trở thành "quản trị số" để tăng hiệu suất.
Ở giai đoạn hiện tại, khi CĐS trở thành một xu hướng không thể đảo ngược, rào cản lớn nhất là việc phải lựa công cụ giải pháp "đúng" thực sự phục vụ cho mục đích tăng hiệu suất, tối ưu vận hành.
Còn về mức độ quan tâm đến CĐS khác nhau của các DN địa phương, CEO Base cho rằng, nguyên do chính dẫn đến việc này đến từ điều kiện tiếp cận CĐS của các DN ở địa phương còn khá hạn chế. Họ chưa thực sự được chia sẻ nhiều mục đích ý nghĩa của CĐS, chưa được tập huấn đào tạo công nghệ và cũng chưa được tư vấn hướng dẫn triển khai thực chiến hiệu quả.
“Vì vậy, các DN ở địa phương rất cần người đồng hành giúp họ hiểu rõ được hiệu quả và con đường CĐS một cách rõ ràng”, ông Minh cho biết thêm.
Cần hỗ trợ, nâng cao phương pháp quản trị cho lãnh đạo DN
Đối với sai lầm khi CĐS, theo ông Nam, đa phần đến từ việc chủ các DN bắt đầu quan tâm, nhưng chưa đủ mạnh mẽ. Điều này khiến các tầng nhân viên bên dưới không đủ động lực và quyết tâm để thực hiện chủ trương đó. Việc thực hiện CĐS không đơn giản là ứng dụng phần mềm, mà còn là thay đổi quy trình, văn hóa làm việc tới ý thức của con người, từ nhân viên với lãnh đạo. Vì vậy, cần có sự tác động mạnh mẽ hơn từ trên xuống cũng như phối hợp nhịp nhàng giữa các tầng nhân viên trong quá trình thực hiện.
“Do đó, các đơn vị liên quan cần hỗ trợ đào tạo, nâng cao phương pháp quản trị cho lãnh đạo DN một cách bài bản, đem lại hiệu quả thực chất hơn”, ông Nam cho biết.
Cùng quan điểm, ông Minh cho rằng, một số khó khăn phổ biến khi CĐS là DN không được tiếp cận đúng công cụ, giải pháp và không có chiến lược hay lộ trình CĐS cụ thể.
Để khắc phục, DN có thể thực hiện các bước như sau. Đầu tiên, các lãnh đạo nên xác định trước các bài toán mà họ đang đối mặt, đồng thời, tham vấn ý kiến từ các chuyên gia tư vấn giải pháp CĐS để xác định rõ mục tiêu và thiết kế lộ trình triển khai phù hợp với đặc thù đơn vị. Bước tiếp theo là chuẩn hóa hệ thống và quy trình vận hành. Và cuối cùng mới là đưa lên nền tảng số.
Mong muốn lớn nhất của các DN phát triển nền tảng số như Base.vn chính là tiếp cận, kết nối và hỗ trợ DN Việt Nam triển khai công nghệ. Bản thân Base đã chủ động tiếp cận các DN địa phương bằng cách tổ chức hoặc tham gia các hội thảo, hội nghị CĐS ở các tỉnh thành trên cả nước. Nhiều DN triển khai Base thành công đã trở thành đơn vị tiên phong CĐS tại địa phương, lan tỏa câu chuyện CĐS thành công tới các DN khác.
Các đơn vị cung cấp nền tảng số như Base luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác đào tạo, tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm, đưa những công nghệ tiên tiến đến gần hơn với cộng đồng DN.
“Vì vậy, tôi mong muốn nhà nước tiếp tục hỗ trợ chúng tôi kết nối sâu với cộng đồng DN tỉnh, để tổ chức thêm nhiều sự kiện, hội thảo CĐS hay những buổi tập huấn công nghệ”, ông Minh nhấn mạnh./.