Doanh nghiệp số

Doanh nghiệp TT&TT bứt phá khi đi ngược chiều dòng nước

Hoàng Linh 31/01/2024 10:25

Dù trong khó khăn của năm 2023, doanh nghiệp (DN) TT&TT đã có những bước tiến mạnh mẽ, đi ngược chiều dòng nước để đạt được các kết quả tích cực.

Trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, gặp mặt các DN tiêu biểu ngành TT&TT năm 2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đánh giá: "Đất nước biết ơn các DN vì tạo ra của cải, công việc, làm cho đất nước hưng thịnh, làm rạng danh đất nước, làm ra vũ khí bảo vệ Tổ quốc".

Tham dự buổi gặp mặt là Chủ tịch HĐTV, Phụ trách HĐTV, Tổng giám đốc của 24 DN viễn thông, công nghệ số lớn cả ở khu vực nhà nước và tư nhân gồm các tập đoàn Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, MK, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, FPT, VNG, Sconnect, Misa, Giao hàng Tiết kiệm, E-CQURITY… Cùng dự có các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long, các báo VnExpress, VietNamNet.

toan-canh-gap-mat-dn-2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi gặp mặt

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Thông tin về sự phát triển của Viettel trong năm 2023, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết năm 2023 là năm khó khăn, tuy nhiên, với sự điều hành, hỗ trợ của Chính phủ, Bộ TT&TT, các đơn vị, Viettel đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu đặt ra trong năm 2023 khi doanh thu tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận đạt hơn 50.000 tỷ đồng, đóng góp cho Nhà nước khoảng 39.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Viettel đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội giao về sản phẩm ứng dụng, kể cả sản phẩm trợ lý ảo cho cán bộ công chức viên chức được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao. Viettel đã tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến cho các văn bản như Luật Tần số Vô tuyến điện, Luật Viễn thông…

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính tiết lộ thông tin sản phẩm Face ID của CMC đứng thứ 12 trong nhóm hàng trăm công ty công nghệ trên thế giới và đã có mặt ở thị trường Nhật Bản. Trong thời gian tới, CMC sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc đi ra thị trường quốc tế, trong đó tháng 5 sắp tới, CMC sẽ khai trương công ty tại Hàn Quốc. Nhân dịp này, CMC sẽ tổ chức hội thảo, ngày công nghệ (techday) và các sự kiện liên quan.

Cũng nói về những bước tiến quốc tế, ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect Việt Nam cho biết công ty này có 1200 người làm trong mảng sáng tạo và các sản phẩm sáng tạo nội dung số đã chinh phục thị trường thế giới như như nhân vật hoạt hình chú sói Wolfoo nằm trong top nhân vật trẻ em thế giới yêu thích ở Mỹ và trong top 10 nhân vật hoạt hình được yêu thích ở thị trường Trung Quốc. Hiện có hơn 5 tỷ lượt xem trên sản phẩm sáng tạo của công ty trên thế giới và công ty đang bắt đầu tập trung cho thị trường Việt Nam.

“Câu chuyện của Sconnect sẽ là động lực cho ngành sáng tạo của Việt Nam”, ông Tạ Mạnh Hoàng chia sẻ và cho biết DN đang có khó khăn về mặt pháp lý khi đi ra thị trường thế giới. Công ty đã có các sự vụ tranh chấp ở Anh và có giai đoạn ngừng trệ sản xuất và phát hành.

Đi ngược chiều dòng nước

Ông Tạ Sơn Tùng, Rikkeisoft cho biết năm 2023 là năm khó khăn nhưng DN đã thành lập được công ty con tại Mỹ và Thái Lan.

Ông Tạ Sơn Tùng cho rằng trong khó khăn, Rikkeisoft chấp nhận đi ngược dòng nước và đạt được nhiều thành tựu. “Khi thành lập công ty con tại Mỹ năm nay cảm nhận được rất nhiều năng lượng mới và vị thế góc nhìn của các DN Mỹ, cộng đồng về Việt Nam rất tốt. Điển hình trong thời gian ngắn, công ty đã có 20 - 30 cố vấn là lãnh đạo cấp cao của các DN tại Mỹ tin tưởng đứng đằng sau DN để hỗ trợ. Mới đây nhất, Rikkeisoft đã mở chi nhánh tại Thái Lan vào ngày 23/1”.

Chia sẻ câu chuyện của Tập đoàn MK trong năm 2023, ông Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch MK cho biết MK đã triển khai dự án hộ chiếu điện tử và sử dụng chip, hệ điều hành hoàn toàn Việt Nam và đã tổ chức kết nối với tổ chức Hàng không dân dụng thế giới triển khai Autogate, hệ thống cổng kiểm soát tự động được triển khai tại các cửa khẩu hàng không.

4 năm vừa qua, MK cũng đầu tư rất lớn dây chuyển sản xuất camera AI. “Khi cạnh tranh với các nước mạnh nhất về camera trong đó có Trung Quốc, camera AI Việt Nam cũng ngang ngửa. MK đang tiếp tục đầu tư và kỳ vọng đạt doanh số 100 triệu USD, trong đó 60% xuất khẩu tại nước ngoài", ông Khang cho hay.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách HĐTV Tổng công ty BĐVN chia sẻ ngày xuân chúng ta hay nói về sự sum họp, các DN Việt Nam gắn bó, đoàn kết như gia đình sẽ còn làm được việc nhiều nữa. "Tôi tin người Việt có tiềm năng tốt. Các DN cần cạnh tranh và hợp tác cung cấp dịch vụ tốt, không thiên về hạ giá và để tái đầu tư. Các DN TT&TT cần gắn kết thì nền kinh tế, DN sẽ ngày càng thịnh vượng".

DN muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn

Trước những thông tin phấn khởi của các DN tiêu biểu của Ngành, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ đây là buổi gặp mặt thân tình ấm áp nhân dịp Xuân mới và khẳng định việc hợp tác cần phải gặp gỡ, tương tác, nhiều khi “va nhau” mới sinh ra hợp tác. Hợp tác có được khi chúng ta có các giấc mơ lớn.

bt-nguyen-manh-hung-2.jpg

Bộ trưởng nhấn mạnh: “DN mà hàng ngàn người, giá trị hàng trăm triệu đô la thì DN ấy không còn là của mình nữa. Làm DN khi ấy không phải vì mình nữa. Trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với đất nước sẽ lớn hơn rất nhiều”.

DN muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn. Việt Nam thường xuyên bị xâm lăng nên có thể vì vậy mà ít giấc mơ lớn. Nhưng nếu không mơ lớn, không lớn mạnh thì sẽ lại bị xâm lăng. Lại mất nước, lại về không, rồi lại phải bắt đầu lại từ đầu. Nếu cứ lặp đi lặp lại như vậy thì biết đến bao giờ Việt Nam mới cường thịnh, mới có hoà bình lâu dài? Liệu chúng ta có thể phá vỡ vòng lặp này hay không? Liệu DN có phần gì, trách nhiệm gì ở đây không?

Theo Bộ trưởng, phần của các DN, trách nhiệm của các DN là rất lớn, nếu không nói là lớn nhất. Nhưng DN, nhất là các DN lớn, phải mang theo sứ mệnh quốc gia, dân tộc. Phải có giấc mơ lớn. Phải giầu có và mang sự giầu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước, giúp cho đất nước lớn mạnh, hưng thịnh, và đặc biệt, làm chủ những công nghệ hiện đại nhất để chế tạo ra vũ khí, chế tạo ra “nỏ thần” bảo vệ Tổ quốc. Quốc gia hưng thịnh mà không tự bảo vệ được thì sự hưng thịnh đó là xây trên cát.

Bộ trưởng cho rằng: “Các DN hôm nay ngồi đây, ít nhiều cũng đã lớn mạnh rồi, đều là nhóm đầu trong lĩnh vực của mình, thì hãy phát triển gắn với sứ mệnh quốc gia, dân tộc, làm chủ công nghệ trong lĩnh vực của mình”.

Không nên bỏ phí khó khăn

Năm 2023 là một năm khó khăn, ở cả quy mô toàn cầu và quốc gia. Các DN cũng khó khăn. Nhưng theo Bộ trưởng, khó khăn là một phép thử. “Khó khăn cũng là đợt kiểm tra sức khoẻ của DN được những vấn đề ở tầng dưới thì tổ chức sẽ phát triển bền vững hơn. Khó khăn cũng là lời cảnh báo, cái gì tốt cũng không tốt mãi.

Bởi vậy, Bộ trưởng cho rằng: “Lúc đang tốt là lúc phải mở những hướng đi mới, là lúc chuẩn bị cho khó khăn. Không nên bỏ phí những lúc khó khăn này. Khó khăn, khủng hoảng là cách mà xã hội phát triển.

Sáng tạo ra các ứng dụng CĐS cho các ngành

Chủ đề năm 2024 của Bộ TT&TT là: Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.

Phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) cho các ngành. Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các DN công nghệ số (CNS).

“Phát triển ứng dụng số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các DN CNS phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển”.

Bộ trưởng kêu gọi: “Các DN CNS Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp CĐS, phát triển KTS cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH-HĐH) đất nước. DN CNS từ nay có một sứ mệnh mới là CNH-HĐH đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số công nghiệp./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp TT&TT bứt phá khi đi ngược chiều dòng nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO